Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 29,7 triệu ca mắc và hơn 539.900 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm 32.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Sau một năm vật lộn với đại dịch, nước Mỹ lần đầu tiên cán mốc tích cực khi số người được tiêm chủng vaccine COVID-19 đã vượt qua số người bị nhiễm bệnh. Hiện đã có 31 triệu người Mỹ được tiêm vaccine của một trong hai hãng Pfizer và Moderna, trong khi số người Mỹ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 là khoảng 28 triệu trường hợp. Số người Mỹ được tiêm chủng trong thời gian tới được dự đoán sẽ tăng rất nhanh với sự góp mặt của vaccine Johnson & Johnson.
Giám đốc Viện Quốc gia về dị ứng và các bệnh truyền nhiễm của Mỹ khuyến cáo, dù đã đạt được thành tựu như vậy nhưng đây chưa phải là lúc nước Mỹ có thể nới lỏng các biện pháp phòng ngừa cộng đồng, bởi việc giữ được số ca nhiễm ở mức thấp sẽ là mấu chốt giúp người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tiêm xong cho khoảng 70 - 85% người dân vào cuối mùa hè này hoặc đầu mùa thu năm nay.
Tại Mỹ, số người tiêm vaccine đã vượt số người nhiễm COVID-19. (Ảnh: AP)
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 11,2 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 158.000 trường hợp thiệt mạng. Ngày 9/3, Ấn Độ báo cáo hơn 16.800 người nhiễm mới.
Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt với 66.900 người. Như vậy, hiện Brazil có tổng cộng trên 11,1 trường hợp nhiễm bệnh. Đến nay, hơn 268.300 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.
Ngày 9/3, Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản thông báo, gần 400 người tại nước này đã bị nhiễm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, khác với những biến thể được phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil. Mặc dù khác với những biến thể mới được phát hiện trước đó ở 3 nước trên nhưng biến thể mới được phát hiện ở Nhật Bản có một số điểm tương đồng với những biến thể ở Nam Phi và Brazil. Điểm tương đồng là có thể gây nguy cơ tái lây nhiễm nhiều hơn và những vaccine phòng ngừa hiện tại có thể ít đạt hiệu quả hơn. Hiện Nhật Bản xác nhận trên 440.600 ca mắc COVID-19 và gần 8.300 trường hợp tử vong.
Cùng ngày, Thái Lan đã ghi nhận thêm 60 ca mắc mới COVID-19, hầu hết là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) cho biết, trong số này, có 43 ca lây nhiễm trong nước, gồm 38 trường hợp tại Samut Sakho, Tây Nam thủ đô Bangkok. Cho tới nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng trên 26.500 ca mắc, trong đó đa phần là các ca lây nhiễm trong cộng đồng và 85 người tử vong.
Thái Lan hiện ghi nhận tổng cộng trên 26.500 ca mắc COVID-19 (Ảnh: AP)
Campuchia ngày 9/3 cũng ghi nhận thêm 49 ca bệnh, số trường hợp mắc mới cao nhất ghi nhận theo ngày kể từ khi dịch bùng phát hồi đầu năm 2020. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 1.060 trường hợp. Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã yêu cầu các cơ quan dân sự nhà nước tạm thời đóng cửa trong ít nhất 1 tuần, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân giảm số nhân viên làm việc tại công sở nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm. Nước này cũng đã đóng cửa toàn bộ trường học, trung tâm thể thao, bảo tàng, rạp chiếu phim và trung tâm giải trí tại những tỉnh thành có người mắc bệnh.
Hàn Quốc thông báo có thêm 13 ca mắc COVID-19 liên quan chợ thịt gia súc - gia cầm ở thành phố Anseong, cách thủ đô Seoul 80 km về phía Nam, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 90 người. Các địa điểm công cộng của Anseong sẽ bị đóng cửa cho đến ngày 14/3 nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan từ ổ dịch nói trên. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng xác định một chuỗi lây nhiễm tập thể tại chợ cá Busan. Đây chợ cá lớn nhất Hàn Quốc, chiếm hơn 30% tổng lượng hải sản được phân phối trên cả nước. Hiện đã có 11 người mắc COVID-19 từ ổ dịch này, trong khi hơn 360 người tiếp xúc gần với các bệnh nhân. Khoảng 1/4 lao động trong chợ phải nghỉ việc.
Trung Quốc đã chính thức triển khai chương trình cấp chứng nhận y tế điện tử cho người dân trong nước. Chứng nhận điện tử này thể hiện hồ sơ tiêm chủng và kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2, bắt đầu hoạt động từ ngày 8/3 trên nền tảng mạng xã hội WeChat. Bên cạnh hình thức số hóa, loại chứng nhận này cũng được cấp dưới bản cứng và được cho là hình thức "hộ chiếu vaccine" đầu tiên được triển khai trên thế giới. Tại Trung Quốc, hiện người dân cũng được yêu cầu xuất trình "các mã sức khỏe QR" trên ứng dụng WeChat và các ứng dụng điện thoại thông minh khác khi họ sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng như tới nhiều địa điểm công cộng. Những ứng dụng này theo dõi địa điểm của người dùng và tạo ra một mã "xanh", đồng nghĩa sức khỏe tốt, nếu người đó không tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19 hay đi tới các điểm nóng dịch bệnh.