Hỏi thật: Liệu con người có thể hồi sinh khủng long như trong Jurassic World không?

Oct, Theo Helino 18:18 11/06/2018

Công nhận đi! Ý tưởng hồi sinh khủng long trong phim nghe rất hợp lý và hoàn toàn có thể làm được, miễn là con người có đủ công cụ và nguyên liệu. Nhưng có đúng là như vậy không?

Jurassic World: Fallen Kingdom - phần mới nhất của series phim "Công viên kỷ Jura" đã ra rạp và làm mưa làm gió màn bạc các nước trong tuần qua. Dẫu còn vấp phải những ý kiến trái chiều về nội dung, nhưng nhìn chung bộ phim vẫn mang lại cảm giác khá mãn nhãn dành cho các fan của những chú khủng long.

Hỏi thật: Liệu con người có thể hồi sinh khủng long như trong Jurassic World không? - Ảnh 1.

Trong một diễn biến khác, cộng đồng những người đam mê khoa học thì không dừng lại ở chuyện thưởng thức, mà còn tỏ ra rất quan tâm về cái gọi là "gene khủng long". 

Câu hỏi gây nhức nhối nhất ở đây là: Liệu con người có thể thực sự tạo ra một con khủng long giống như cái cách những nhân vật trong phim đã làm?

Các fan của Jurassic Park hẳn cũng biết nguồn gốc lũ khủng long trong phim đến từ một giọt máu trong bụng con muỗi, được bảo quản một cách hoàn hảo trong khối hổ phách. Đây dĩ nhiên chỉ là hư cấu, nhưng ở ngoài đời, dường như con người đã tìm ra được cấu trúc di truyền thực sự của khủng long.

Cấu trúc di truyền là thuật ngữ về cách sắp xếp nhiễm sắc thể. Trong một loài, từng cá thể sẽ có chuỗi sắp xếp ADN khác nhau, nhưng cấu trúc di truyền giống nhau.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu cấu trúc di truyền của tổ tiên các loài chim và rùa, rồi lần theo đó để xác định sự thay đổi gene ở ngày nay. Trong số đó, có cả các loài khủng long và thằn lằn bay.

Dù chưa có ai khẳng định rằng con người đã chiết tách thành công ADN của khủng long, nhưng nhiều người cho rằng chúng ta có thể đã đến rất gần với viễn cảnh giống hệt trong Jurassic Park. Tức là, sẽ có một ngày khủng long thực sự xuất hiện trên Trái đất, phải không?

Đáp án là không, chúng ta vẫn ở rất xa. Và đây là lý do tại sao!

Đầu tiên, hãy nói qua một chút về ý tưởng tìm ra muỗi có chứa máu khủng long trong người. Trên thực tế, chúng ta đã tìm được một vài mẫu vật như vậy. Tuy nhiên, máu khủng long bên trong chúng đã bị phân hủy từ rất lâu rồi. 

Hỏi thật: Liệu con người có thể hồi sinh khủng long như trong Jurassic World không? - Ảnh 3.

Dù có tìm ra con muỗi có chứa máu khủng long, thì ADN trong đó cũng khó lòng mà dùng được

Con người từng tách được gene của voi mammoth, thậm chí là của người Neanderthal. Nhưng với khủng long, mọi mẫu vật đã quá cổ. Các mẫu ADN cổ nhất được phân tách thành công có niên đại từ 1 triệu năm đổ lại, còn với khủng long là 66 triệu năm, một con số quá phi thực tế. 

Thứ hai, hãy giả sử như chúng ta tách được ADN của khủng long, thì câu chuyện vẫn là không tưởng. Lý do là vì chuỗi ADN ấy đã bị cắt nhỏ thành hàng triệu mảnh cực nhỏ với rất nhiều yếu tố còn thiếu. Chuyện sắp xếp lại nó là điều không tưởng, nhất là khi chúng ta chẳng có chút manh mối nào hết. 

Trong phim, các chuỗi ADN bị khuyết đã được khoa học thay bằng gene của loài ếch. Nhưng đó là chuyện phim thôi. Ngoài đời chúng ta cũng có thể làm thế, nhưng sản phẩm không phải là khủng long mà một con quái lai giữa hai loài. Gọi nó là... khủng ếch cũng được. 

Hỏi thật: Liệu con người có thể hồi sinh khủng long như trong Jurassic World không? - Ảnh 4.

Từ ếch mà tạo ra được con này? Nghiêm túc lên tý nào...

Lý do là vì chuỗi ADN của ếch - dù là rất nhỏ - cũng sẽ gây hiệu ứng tiêu cực cho bào thai phát triển. Lấy gene của chim thì hợp lý hơn, vì chim đã được chứng minh là hậu duệ của khủng long. Chỉ có điều, ý tưởng ấy cũng khó lòng mà thành hiện thực. 

Thứ ba, câu chuyện chỉ dùng một đoạn ADN là có thể tái sinh cả một loài vật cũng chỉ là viễn tưởng, hoặc vô cùng hư cấu. 

ADN đúng là điều quan trọng nhất, nhưng để một sinh vật phát triển trong trứng thì không đơn giản như thế. Đó là cả một quá trình nơi một số gene bị thải loại, một số gene khác được kích hoạt, và phải phụ thuộc nhiều vào môi trường ngoại cảnh. 

Hỏi thật: Liệu con người có thể hồi sinh khủng long như trong Jurassic World không? - Ảnh 5.

Tức là muốn hồi sinh khủng long, bạn cần đến hẳn một quả trứng hoàn chỉnh, kèm theo một chuỗi tác nhân hóa học trong đó. 

Trong phim, tác nhân ấy đến từ trứng đà điểu, nhưng thực tế thì bạn không thể mong một quả trứng đà điểu nở ra con gà được kể cả có bơm vào đó bao nhiêu ADN. Khủng long thì cũng vậy thôi. 

Tóm lại, chúng ta không, hoặc chưa thể tái sinh khủng long. Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đây!

Bởi vì vấn đề là khủng long chưa bao giờ tuyệt chủng cả!

Nghe sai quá đúng không? Phía trên, chúng ta có bàn đến rằng các loài chim chính là hậu duệ của khủng long. Giờ cần đính chính lại một chút: Chim không phải là hậu duệ, cũng không phải họ hàng của khủng long. Chúng chính là khủng long.

Hỏi thật: Liệu con người có thể hồi sinh khủng long như trong Jurassic World không? - Ảnh 6.

Các bằng chứng cho thấy chim và một số loài khủng long có rất nhiều điểm chung về nhiễm sắc thể. 

Điều này chứng tỏ rằng chuỗi gene của khủng long có thể thay đổi theo môi trường, sao cho phù hợp với quá trình chọn lọc tự nhiên. Qua thời gian, chỉ chim là còn sống sót, và chúng cũng chính là khủng long. 

Nói chung, nếu chim là khủng long, thì rõ ràng chúng ta chẳng cần phải quan tâm đến việc hồi sinh chúng nữa. 

Thay vào đó, hãy hướng đến việc tái sinh các loài tuyệt chủng trong thời gian gần, chẳng hạn như chim/khủng long dodo. Đó là các ý tưởng có phần thực tế hơn. 

Tham khảo: The Conversion