Khủng long đã từng thống trị hành tinh của chúng ta trong hàng triệu năm. Nhưng rồi một viên thiên thạch khổng lồ xuất hiện đã biến chúng thành những sinh vật "thiên cổ" - ít nhất đó là những gì khoa học kết luận cho đến thời điểm hiện tại.
Nhưng câu hỏi đặt ra là: làm thế nào khủng long có thể thống trị được Trái đất? Chính xác hơn, điều kiện gì đã giúp chúng xuất hiện trên hành tinh này?
Tại sao khủng long xuất hiện và phát triển được?
Câu hỏi này không dễ trả lời, nhưng nay đáp án đã được tìm ra. Theo một nghiên cứu mới đây, lý do đến từ một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt từ hơn 200 triệu năm trước, với quy mô ngang ngửa với kỳ Đại Tuyệt Chủng khiến khủng long bị hủy diệt.
Cụ thể, khoảng 232 triệu năm trước, một sự kiện khủng khiếp đã xảy ra khiến chu kỳ carbon bị thay đổi mạnh, khiến một số lượng lớn sinh vật bị tuyệt chủng.
Theo các chuyên gia từ ĐH Bristol - nơi thực hiện nghiên cứu - đó là một chuỗi núi lửa khổng lồ hoạt động liên tục. Kết quả chúng khiến khí hậu Trái đất bị thay đổi trong hàng triệu năm. Và sự kiện này đã tạo điều kiện cho khủng long xuất hiện, thay thế các sinh vật đang thống trị Trái đất trước đó.
Được biết, nhóm nghiên cứu đã tìm ra bằng chứng cho thấy sự sinh sôi của khủng long bắt đầu khởi động từ kỷ Carnian Pluvial - thời kỳ biến động khí hậu với quy mô toàn cầu từ 232 triệu năm trước.
Những vụ phun trào núi lửa khủng khiếp vào thời kỳ Carnian Pluvial, khiến khí hậu toàn cầu biến đổi trầm trọng
Trên thực tế, các bằng chứng cho thấy nhiều loài bò sát khổng lồ đã xuất hiện từ kỷ Tam Điệp (Triassic Period - 245 triệu năm trước), nhưng với số lượng vẫn còn khan hiếm. Thế rồi sự kiện khủng khiếp ấy đã xảy ra, hủy diệt gần như mọi sinh vật trên Trái đất, và tạo điều kiện cho khủng long phát triển.
Để có được phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm những bằng chứng hóa thạch tại dãy Dolomite phía Bắc Italy. Họ tìm thấy rất nhiều dấu chân vùi dưới vô số lớp đá.
Theo các chuyên gia, chúng đã giúp tiết lộ lịch sử phát triển của khủng long, đặc biệt là chỉ ra được thời điểm khủng long bắt đầu bùng nổ. Khi so sánh với các mẫu đá tại Argentina và Brazil - những nơi đầu tiên tìm ra hóa thạch khủng long, bằng chứng cho thấy sự kiện cũng xảy ra tại đó.
Tất cả khiến giới nghiên cứu đặt ra giả thuyết, rằng khủng long đã trở thành sự sống thành công nhất sau thảm họa, và sinh sôi trên quy mô toàn thế giới.
Các sinh vật dưới biển cũng chịu chung cơn ác mộng
"Chúng tôi thực sự phấn khích khi các dấu chân và hóa thạch xương đều đem đến cùng một kết luận." - tiến sĩ Massimo Bernardi từ ĐH Bristol cho biết.
Trong một khoảng thời gian dài, khoa học đã nghi ngờ rằng sự kiện Carnian Pluvial đã làm thay đổi sự sống trên Trái đất - cả trên bờ lẫn dưới biển - nhưng chi tiết như thế nào thì chưa được làm rõ. Sự kiện đã khiến khí hậu nóng lên, tạo ra mưa acid, khiến hàng loạt sinh vật bị tuyệt diệt.
"Chúng tôi đã thu thập được bằng chứng về biến đổi khí hậu tại dãy Dolomite. Dường như nó được chia làm nhiều đợt, tức là có nhiều đợt tuyệt chủng liền trong giai đoạn này." - Piero Gianolla - đồng tác giả nghiên cứu từ ĐH Ferrara (Ý) chia sẻ.
Giáo sư Mike Benton - một tác giả khác từ ĐH Bristol thì cho biết: "Nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa sự phát triển của khủng long với hiện tượng Đại tuyệt chủng, và nó rất quan trọng."
"Sự kiện không chỉ mở ra kỷ nguyên của khủng long, mà còn tạo ra các phân nhóm bò sát hiện đại nữa: như thằn lằn, cá sấu, rùa... Thậm chí còn cả thú - loài vật đang thống trị mặt đất ngày nay."
Vậy mới thấy tự nhiên thật đáng sợ. Nó có thể mở ra cả một kỷ nguyên sinh vật thống trị, và rồi cũng tự tay kết thúc nó.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.