Đội tuyển Việt Nam sẽ chạm trán Lào vào 19h30 tối nay trong trận ra quân AFF Cup 2018. Đây là một đối thủ quen thuộc với khán giả Việt Nam trong các trận tranh cúp khu vực, và cũng là đất nước xinh đẹp, thanh bình. Tuy nhiên, đừng tưởng bạn đã biết hết mọi điều thú vị về Lào nhé.
Ít nhất, có 3 món đồ cực quen thuộc này mà mọi người vẫn thắc mắc xuất xứ của chúng có phải là nước Lào hay không.
Loại dép này khá thoáng mát, gồm đế bằng và quai chữ Y để xỏ chân vào, rất tiện dụng và bền bỉ.
Nó còn có các tên gọi khác như "dép xỏ ngón" (gọi theo hình dáng, chức năng) hay là tên họ đầy đủ "dép tông Lào". Nhưng vì sao lại có tên như vậy?
Trước hết, bạn có biết điều thú vị là loại dép này đã có từ... 6.000 năm trước ở Ai Cập rồi. Qua thời gian, ở từng khu vực địa lí khác nhau, đôi dép này có rất nhiều biến thể.
Chữ "tông" là gọi theo dép "la tong" trong tiếng Pháp. Hay người Mỹ và Úc cũng có từ gần âm là "thongs".
Sau đó ở nước ta thời xưa, có nhiều người Lào buôn bán loại dép này ở khu vực Quảng Trị, Nghệ An rất đắt hàng, giúp dép tông trở nên phổ biến. Dần dà người ta gọi đó là "dép tông Lào" để phân biệt với các loại dép khác.
Kết luận: dép tông Lào quả thật có một phần bắt nguồn từ Lào!
Ảnh minh họa
Gió Lào có "tên trên giấy tờ chính thống" là gió Foehn, bắt nguồn từ tiếng Đức "föhn", tiếng Việt đọc trại đi là "gió phơn". Ban đầu, nó vốn chỉ thứ gió từ vùng núi Alps, nhờ nó mà khu vực Trung Âu được hưởng khí hậu ấm áp.
Ở Việt Nam thì gió phơn, gió Tây Nam hay gió Lào đều là một, đem theo hơi nóng phả vào khắp khu vực miền Trung suốt mùa hè.
Đợt gió này thổi từ vịnh Bengan phía đông bắc Ấn Độ Dương theo hướng Tây Nam, sau đó "leo núi" vượt lãnh thổ Campuchia và Lào, bị "hấp" hết nhiều phần hơi ẩm, lại gặp dãy Trường Sơn, không khí bị đẩy lên cao và lạnh, "tức tối" biến thành hơi nước, ngưng tụ tạo thành mưa và trút xuống hết sườn phía Tây dãy Trường Sơn.
Sự hình thành gió phơn, từ biển vào mang hơi ẩm rồi trở nên nóng rẫy
Rồi khi gió thổi sang sườn phía Đông thì nó đã trở nên khô, nóng. Dân gian ta thấy ngọn gió khô khốc này kéo từ dãy Trường Sơn phía bên Lào qua nên gọi nó là "gió Lào"!
Kết luận: Gió Lào quả thật bay từ Lào qua, mặc dù nguồn gốc của nó xa xôi hơn.
Thuốc Lào làm từ cây thuốc Lào, tên khoa học Nicotiana rustica, thuộc chi thuốc lá. Nó có hàm lượng nicotin cao hơn nhiều so với thuốc lá thông thường (thuốc lào: 9%, thuốc lá: 1-3%). Do vậy, thuốc Lào còn được dùng trong chế phẩm trừ sâu hữu cơ.
Ở Việt Nam, cây thuốc lào được trồng ở nhiều nơi từ vùng đồng bắc, trung du Bắc Bộ đến Đèo Ngang (Quảng Bình),... Ngày nay những vùng trồng nổi tiếng có thể kể đến như Quảng Xương (Thanh Hóa) hay Tiên Lãng (Hải Phòng).
Theo sách "Việt Nam văn hóa sử cương" ấn bản năm 2002 do học giả Đào Duy Anh chắp bút, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế.
Kết luận: Thuốc Lào có giả thiết bắt nguồn từ Lào nhưng không chắc chắn, có giả thiết nói từ nước ta phổ biến ra vào thế kỉ 18.
(Tổng hợp)