Hội chứng người tốt - "căn bệnh"... chẳng ra gì nhưng rất nhiều người mắc phải

J, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 08/09/2016

Rất nhiều người trong chúng ta đang mắc phải "hội chứng người tốt". Nghe tên thì hay, mà kết cục thì chẳng có gì tốt đẹp.

Nhắm mắt lại và nghĩ lại nhé: 

Có phải bạn thường xuyên cảm thấy khó khăn khi từ chối một yêu cầu từ người khác? 

Bạn được giao một việc chẳng phải của mình, nhưng vẫn "ok" dù trong lòng hậm hực?

Bạn đi ăn buffet, chọn toàn của ngon vật lạ nhưng nhân viên chỉ mang lên toàn những món tầm thường. Có điều bạn không phản ánh với nhà hàng, mà ôm cục tức về "tám" với chúng bạn thân trên Facebook?

Hội chứng người tốt - căn bệnh... chẳng ra gì nhưng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 1.

Nếu thấy hình ảnh mình trong đó thì xin chúc mừng, bạn là một trong những người gặp "Hội chứng người tốt" - Nice Guys Syndrome. Cái tên nghe thật hay ho đúng không, nhưng thực ra không đáng mừng lắm đâu.

Hội chứng người tốt là như thế nào?

Có thể hiểu nôm na "Hội chứng người tốt" nhằm nói đến những người luôn cố gắng làm vừa lòng người khác, dù cho điều đó có thể khiến bản thân không thoải mái, thậm chí là bực bội, khó chịu.

Đây là những người luôn lo nghĩ về vẻ ngoài của bản thân, luôn muốn làm "đúng" vì sợ sai. Họ luôn muốn làm hài lòng người khác, né tránh bất kỳ cuộc tranh cãi nào có thể và muốn bản thân trở nên khác biệt. 

Nếu có vấn đề xảy ra, người tốt sẽ đứng ra giải quyết kể cả khi chưa cần nhờ vả. Và bất kỳ những gì họ làm đều hướng đến sự đồng thuận của tất cả mọi người.

Hội chứng người tốt - căn bệnh... chẳng ra gì nhưng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 2.

Nhận lấy đi, vì tôi là người tốt

Tóm lại, "Người tốt" trông rất hiền hòa và hào phóng. Đổi lại, họ muốn nhận được sự yêu mến từ người khác, hay ít ra là không bị ghét.

Tuy nhiên, kết quả thường không như mong muốn

"Hội chứng người tốt" hình thành đa phần là do một niềm tin: Ở hiền gặp lành - người tốt chắc chắn tốt hơn người xấu. Những người này tin rằng họ sẽ được yêu mến, đạt được nhiều mục tiêu và không gặp bất kỳ rắc rối nào trong cuộc sống (vì họ né tránh tất cả).

Thế nhưng, đấy chỉ là những nhầm tưởng thôi. "Người tốt" ở đây thường tiếp cận cuộc sống khá thụ động và cách họ giải quyết vấn đề cũng vậy. Điều này vô tình làm nổi bật lên đặc tính yếu đuối, lo âu và hình thành sự phẫn uất.

Hội chứng người tốt - căn bệnh... chẳng ra gì nhưng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 3.

Thử nghĩ xem, người tốt rất hay lo lắng về giá trị của bản thân, luôn lo sợ người ngoài nghĩ gì về mình. Họ dù không muốn làm, nhưng mất rất nhiều thời gian để từ chối, để rồi rốt cục vẫn đồng ý kèm theo những cục tức to đùng. 

Lâu dần, cách tiếp cận cuộc sống thụ động sẽ khiến nhiều người cảm thấy bản thân trở nên vô dụng, bế tắc, phẫn uất... Để rồi khi bị dồn nén quá lâu, cơn thịnh nộ sẽ bùng phát như một vụ nổ, và mọi thứ họ gây dựng bấy lâu tan thành mây khói. 

Hội chứng người tốt - căn bệnh... chẳng ra gì nhưng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 4.

Bố bảo không là không nhé!

Và thực ra, trở thành "người tốt" kiểu này chẳng có gì tốt đẹp

Câu hỏi ở đây phải là: "Có gì sai khi trở thành người tốt?".

Nếu bỏ qua những hệ luỵ ở trên, thực ra trở thành "người tốt" kiểu này... vẫn không có gì tốt đẹp. Bởi theo quan điểm của Robert Glover - một chuyên gia tâm lý, đồng thời là tác giả của cuốn "No more Mr. Nice Guy" thì "Người tốt" hóa ra lại mang những đặc tính không tốt chút nào.

Đầu tiên, "người tốt" ở đây là những người không trung thực, thậm chí là giả dối. Họ luôn tìm cách giấu đi khuyết điểm vì sợ hình ảnh xấu đi trong mắt người khác; luôn tìm cách tránh né tranh luận, chỉ nói điều người khác muốn nghe và giấu đi cảm xúc trong lòng. 

Phương châm sống của những người này thường là: "Nếu không thể thành công, đừng để người khác thấy điều đó"

Hội chứng người tốt - căn bệnh... chẳng ra gì nhưng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 5.

Anh tốt mà!

Thậm chí, Glover còn dành những lời lẽ nặng nề hơn dành cho Người tốt - đó là giả tạo. Bởi vì "Người tốt" nhìn có vẻ như rất hào phóng, luôn cho đi nhưng thực ra họ có mong muốn thầm kín là phải được nhận lại. 

Họ muốn được tôn trọng hơn, muốn được đánh giá cao hơn, muốn được đối xử công bằng hơn. Có điều như đã nói, kết quả thường không được như mong muốn nên rốt cục "Người tốt" luôn cảm thấy thất vọng với chính cuộc sống của họ.

Hơn nữa, "Người tốt" kiểu này thường sẽ trở thành một ngọn núi lửa chực phun trào, nhưng theo một cách bị động. Tức là họ thường không thể hiện thẳng nỗi thất vọng hoặc bực bội của bản thân, mà chọn cách đi "đường vòng" cực kỳ khó chịu. 

Ví dụ điển hình là những lý do dạng như: quên mất, đến muộn, đang "bận" (bận gì thì không rõ)... và những lý do này được lặp đi lặp lại, dù cho họ có hứa không bao giờ tái phạm đi chăng nữa.

Hội chứng người tốt - căn bệnh... chẳng ra gì nhưng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 6.

Và cuối cùng, Người tốt rất khó thay đổi để trở nên... bớt tốt đi. Họ cảm thấy rất khó khăn để từ chối, trong khi luôn cảm thấy mình là nạn nhân, và thường đổ tại người khác là nguyên nhân khiến họ có những cảm giác đó.

Làm thế nào để... bớt tốt đi một chút

Cũng không hại gì khi trở thành một Người tốt, chỉ là bạn đừng tốt quá thôi. Nhưng tóm lại một Người Tốt cần làm gì, khi cuộc sống của họ đang bị kiểm soát một cách thô bạo như vậy?

Hội chứng người tốt - căn bệnh... chẳng ra gì nhưng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 7.

Giải pháp ở đây đơn giản chỉ là học cách từ chối, nhưng không phải với thái độ hung hăng, lấn át người khác - điều sẽ khiến hình ảnh người tốt trở nên thật xấu xí. Thay vào đó, thứ họ cần chính là xây dựng một "lập trường". 

Lập trường là gì? Là một kỹ năng cân bằng giữa "sự hung hăng lấn át" và "cam chịu làm theo". Có lập trường, bạn sẽ có được sự tự tin để lên tiếng, trong khi vẫn tôn trọng quyền lợi của người khác.

Để xây dựng được lập trường, bạn cần phải thay đổi tư duy. Trước tiên, hãy học cách chịu trách nhiệm về vấn đề của chính mình. Một vấn đề thường thấy ở những Người tốt là cảm thấy bất mãn trước những vấn đề không công bằng. Nhưng sự thật là nếu không hài lòng, hãy tự mình thay đổi nó, từng bước, từng bước một.

Hội chứng người tốt - căn bệnh... chẳng ra gì nhưng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 8.

Ngoài ra, hãy biết cách nói thật, vì người ngoài không thể đọc suy nghĩ của bạn đâu. Nếu bạn không nói ra những nhu cầu, những bất mãn của bản thân, chẳng ai biết cả, và họ cũng kệ bạn thôi. Hơn nữa, hãy hiểu rằng cảm xúc của người khác không phải trách nhiệm của bạn.

Cuối cùng, khi từ chối, bạn cần phải dứt khoát. Nếu yêu cầu vượt quá khả năng, hoặc thời gian biểu của bạn đã kín, hãy từ chối, đơn giản và trực tiếp. Đừng trình bày dài dòng, kết luận quanh co chỉ khiến bạn giống như bị cáo đang giải trình trước toà, để rồi rốt cục 2 chữ "đồng ý" lại trực chờ tuôn ra mà thôi.

Kết

Tất nhiên, không phải lúc nào cũng nên nói thẳng nói thật, nhưng hãy học cách cân bằng giữa quyền lợi của bản thân và của người khác. Trong đó, chắc chắn bạn cần ưu tiên tôn trọng cảm xúc và quyền lợi của mình, vì sự thật là nếu bạn không làm vậy, thì chẳng ai để tâm đến đâu.

Nguồn: No More Mr. Nice Guy