Từ trước đến nay, con người - đặc biệt là giới khoa học - vẫn luôn tò mò về những gì thực sự diễn ra bên trong suy nghĩ của chúng ta. Tại sao con người lại hành động như vậy? Tại sao chúng ta luôn có ước vọng không thể thoả mãn? Đó là những câu hỏi cho đến nay nhân loại vẫn chưa tìm ra được lời giải thấu đáo.
Nêu vậy để thấy rằng tâm lý con người là một phạm trù phức tạp, nhưng không kém phần thú vị. Và dưới đây sẽ là một số sự thật về tâm lý của con người, mà đảm bảo rằng khi biết đến chúng, cách nhìn nhận về thế giới quanh bạn sẽ thay đổi toàn diện.
1. Thời gian để hình thành một thói quen: 66 ngày
Con số nghe có vẻ giật mình đúng không? Làm gì mà dài thế được.
Một hành vi được gọi là "thói quen" khi và chỉ khi chúng ta có thể thực hiện nó mà không thực sự chú ý đến nó, hay có thể nói là trong vô thức.
Và sự thật thì chúng ta đúng là phải mất tới hơn 2 tháng để hình thành nên một thói quen - bất kể đó là thói quen gì, dù là uống sữa trước khi ăn, hay chùi... sau khi đi WC.
Đó là những gì được Phillippa Lally - nhà tâm lý học thuộc ĐH London kết luận. Trên thực tế, nghiên cứu của cô cho thấy thời gian hình thành một thói quen sẽ khác biệt ở từng người, thậm chí có người mất đến... 8 tháng trời vẫn chưa quen được.
2. Khi căng thẳng, ruột của bạn có thể quặn đau
Tất nhiên điều này có lý giải hẳn hoi! Nguyên do là bởi não bộ và ruột có một mối liên hệ mật thiết với nhau, đặc biệt là hệ tiêu hóa - được điều khiển hoàn toàn bởi hệ thần kinh.
Khi căng thẳng, não bộ sẽ kích hoạt chế độ "đánh hay chạy", và chế độ này có khả năng "ngắt nguồn" hệ tiêu hóa. Điều này sẽ khiến cơ bắp tại đây co thắt, dịch vị tuôn trào, còn bạn thì... đau bụng.
3. Mùi là thứ hữu hiệu nhất giúp bạn nhớ lại quá khứ
Trăm nghe không bằng một thấy, nhưng trăm thấy thì không bằng một lần... ngửi. Vì so với những giác quan khác, khứu giác có quan hệ gần gũi nhất với ký ức của chúng ta.
Khi chúng ta ngửi thấy một mùi gì đó, mùi sẽ theo cánh mũi chạy thẳng đến não bộ. Mà vấn đề ở đây là khứu giác lại kết nối trực tiếp với 2 khu vực chuyên xử lý cảm xúc và ký ức trong não: hạch hạnh nhân (amygdala) và hồi hải mã (hippocampus).
Trong khi đó, các thông tin về thị giác, âm thanh và xúc giác đều gần như không đi qua 2 khu vực này. Nên nói một cách khác, mùi là thứ duy nhất giúp chúng ta khơi lại quá khứ.
4. Yêu là... điên?
Tại sao? Vì con người chúng ta khi yêu hành động giống như người bị tâm thần vậy - đó là kết luận của nhiều nhà nghiên cứu thuộc ĐH College London (Anh).
Theo đó, khi yêu, một số khu vực não bộ hoạt động mạnh hơn, nhưng đồng thời rất nhiều khu vực bị ngắt đi, trong đó có vùng não bộ chịu trách nhiệm đánh giá tình hình. Và cơ chế này hoàn toàn để phục vụ cho sự sống còn của con người.
Các chuyên gia cho biết khi khu vực đánh giá bị ngắt đi, con người chúng ta sẽ tạm gạt bỏ đi mọi thứ để đến với nhau nhằm tạo ra thế hệ mới.
Tuy vậy, đôi lúc não bộ phản ứng quá đà, khiến cho tình yêu trở thành một thứ gây ám ảnh, một dạng ảo tưởng, dẫn đến chuyện nhiều người bất chấp mọi thứ - kể cả phạm pháp - vì tình yêu. Nó cũng giống như một dạng rối loạn tâm thần vậy.
Khoa học còn chỉ ra sự thật rằng, tình yêu là một chất gây nghiện - bạn có tin? Video dưới đây sẽ cho bạn câu trả lời!
Nguồn: BrightSide