Nếu chúng ta hỏi cha mẹ "Lúc nhỏ trông con như thế nào?" thì hẳn 99,99% câu trả lời nhận được sẽ là "vô cùng đáng yêu", "siêu dễ thương"… đại loại là các mỹ từ mô tả về độ cute của chúng ta khi còn bé.
Đây là cách nhìn hiển nhiên các bậc cha mẹ về con mình - nhưng thực tế ngoài sự dễ thương, một em bé còn có nhiều điểm đặc biệt có thể khiến người lớn phải kinh ngạc.
1. Tất cả em bé đều có ria mép
Ria mép, hay cụ thể hơn là phần lông mọc tại môi trên, tưởng như là thứ chỉ có ở người trưởng thành. Nhưng ngạc nhiên chưa: ngay từ lúc chưa lọt lòng chúng ta đã có ria mép, dù không giống với của người lớn.
Khoảng tháng thứ 4 của thai kỳ, bào thai phát triển một lớp lông mỏng tại môi trên. Sau khoảng 1 tháng, lớp lông này dần lan ra bao lấy toàn bộ cơ thể.
Lông trên người thai nhi là lông tơ, hoàn toàn không mang sắc tố và sẽ rụng đi trước khi trẻ sinh ra. Những sợi lông tơ rụng được thai nhi nuốt chửng, kết hợp cùng chất nhầy, mật trong hệ tiêu hóa để hình thành thứ gọi là "phân su" – sản phẩm bài tiết đầu tiên của đứa trẻ sau khi rời khỏi bụng mẹ.
2. Chúng ta đã từng rất... giả tạo: khóc không ra nước mắt
Khi bạn nghe trẻ sơ sinh khóc, thực ra là chúng chỉ đang la hét. Bởi phải cho đến tuần thứ ba sau khi sinh hoặc lâu hơn, tuyến lệ của trẻ mới bắt đầu sản xuất ra nước mắt.
Và dù không có "sức mạnh" của nước mắt thì tiếng la hét của một đứa bé chắc chắn cũng là quá đủ để khiến các bậc phụ huynh phải để mắt đến "cục cưng" của mình.
3. Chúng ta từng là những nhà ẩm thực siêu hạng
Vì ngay khi mới sinh ra, chúng ta đã sở hữu khoảng 30.000 nụ vị giác, phân bố khắp trên lưỡi và các mặt trong của miệng, kể cả vòm miệng. Ở người trưởng thành, số nụ vị giác chỉ còn xấp xỉ 10.000 do bị tiêu biến bớt qua thời gian.
Chức năng của nụ vị giác là giúp con người cảm nhận mùi vị của thức ăn, vì vậy có thể hiểu được vì sao hồi nhỏ chúng ta lại "say mê" việc ăn uống hơn hẳn so với khi đã lớn.
4. Đôi mắt trẻ con sẽ to thêm 1/3 khi trưởng thành
Đôi mắt to, tròn xoe và long lanh chính là một trong những nét dễ thương nhất trên khuôn mặt của trẻ con.
Đặc điểm này cũng không khó lí giải bởi ngay lúc vừa mới sinh, nhãn cầu của trẻ đã đạt được kích thước bằng 75% của người trưởng thành, trong khi kích thước các bộ phận khác lại nhỏ hơn nhiều.
Do đó, về tương quan tỉ lệ đôi mắt trẻ con là lớn so với cơ thể. Và thêm một chi tiết lí thú, tầm nhìn con người khi vừa mới sinh chỉ đạt 20/400, tức cận thị nặng, sau 6 tháng tuổi thì mới đạt được 20/20.
5. Bạn đã từng tăng cân vù vù chỉ sau 5 tháng
Sự tăng trưởng này là rất nhanh nếu so với người lớn. Hiện tại, nếu có thể nhân đôi cân nặng của mình chỉ sau 5 tháng, chắc nhiều bạn... tự sát mất.
Tốc độ lớn đáng kinh ngạc của trẻ trong 5 tháng đầu đời là do khoảng thời gian đó công việc của chúng chỉ là ăn, ngủ, bài tiết và phát triển cho thật nhanh!
6. Mê gái từ nhỏ...
Trẻ con thích được nghe giọng nữ! Có lẽ đây không phải là điều gì đáng ngạc nhiên, bởi người gần gũi nhất với chúng ta khi còn nhỏ luôn là mẹ. Tuy nhiên, từ sự yêu thích này mà trẻ con có năng lực "điều khiển" được người lớn.
Bạn có nhận thấy khi nói chuyện với một đứa trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, mọi người thường có xu hướng nâng cao tông giọng của mình lên để nghe cho giống giọng nữ hơn. Việc làm này là do tiềm thức chi phối, được gọi là "motherese", xảy ra khi gặp phải trẻ con.
Vì thế, nếu bạn cảm thấy tự nhiên giọng trở nên the thé khi nói chuyện với nhóc tì nào đó, thì hẳn là bạn đang bị nhóc ta ảnh hưởng đấy.
7. Ngủ không nhắm mắt như cao thủ võ lâm
Thực ra thì giống phim kinh dị hơn, nhưng trường hợp trẻ con ngủ mở mắt không phải hiếm và hầu hết là vô hại.
Việc ngủ mở mắt ở trẻ con hiện vẫn chưa được tìm ra nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, một số chuyên gia đưa ra lý giải rằng do trẻ thường xuyên rơi vào giấc ngủ REM (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh).
Nếu gặp trường hợp trẻ ngủ mở mắt, thì đơn giản chỉ cần vuốt nhẹ mí mắt xuống. Nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu trẻ ngủ mở mắt nhiều giờ liền hoặc có dấu hiệu mắt bị khô, do đó có thể là dấu hiệu dị tật ở mí mắt.
8. Chúng ta đã từng là siêu nhân
Thông thường, theo phản xạ trẻ sơ sinh có xu hướng bám tay vào mọi thứ trong tầm với, ví dụ như ngón tay của cha mẹ đưa ra.
Đáng ngạc nhiên là lực bám mà tay trẻ tạo ra đủ mạnh để có thể giữ toàn bộ cơ thể chúng ở trạng thái lơ lửng. Trong khi đó, khả năng này ở người lớn vốn chỉ thường xuất hiện tại các vận động viên.
Lực bám tay mạnh ở trẻ sơ sinh được lí giải như một đặc tính còn sót lại của thời kỳ con người có bộ lông dày trên cơ thể.
Khi đó, những đứa trẻ sơ sinh phải bám vào bộ lông của cha mẹ chúng giống như cách các chú khỉ con ngày nay thường làm.
Nguồn: Distractify