Học sinh THPT đang thiếu ngủ trầm trọng

Ngọc Anh, Theo Trí Thức Trẻ 10:23 16/01/2018

Lịch học dày đặc, áp lực của các kỳ thi để đạt thành tích cao khiến cho nhiều học sinh thiếu ngủ trầm trọng gây nên những ảnh hưởng xấu cả về thể chất lẫn tinh thần cho học sinh.

Dự án "Vấn đề thiếu ngủ của học sinh THPT ở TP.HCM" của 2 bạn Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy (học sinh Trường THPT Gia Định) tại chung kết cuộc thi Khoa học Kỹ thuật học sinh trung học TP.HCM năm học 2017-2018 đã nhận được sự quan tâm của dư luận. 

Trang và Vy đã tiến hành khảo sát 7.363 bạn học sinh ở các trường THPT trên địa bàn thành phố thu được kết quả cụ thể: Cứ 5 học sinh thì có đến 4 bạn gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp do ảnh hưởng trực tiếp từ giấc ngủ. Có 44,1% học sinh không ngủ trưa, hơn 50% học sinh đi ngủ sau 23h và thức dậy trước 5h30 sáng. Những con số đó nói lên sự trầm trọng của việc thiếu ngủ trong lứa tuổi học sinh hiện nay.

Bạn Vy Vy (học sinh lớp 11 - THPT Phú Bình - Thái Nguyên) chia sẻ: "Mình thường xuyên bị thiếu ngủ, lúc nào cũng muốn ngủ do học khuya quá mà dậy sớm đi học, nhiều hôm thức khuya để xem phim mà sáng hôm sau phải dậy sớm. Là một học sinh đang cùng lúc ôn thi học sinh giỏi cấp tỉnh hai đội tuyển sinh học và địa lí, áp lực học tập cao, ngày nào cũng học ba ca từ sáng tới tối, nên mình rất thèm ngủ, đến lớp hay gục ra bàn để ngủ, cảm thấy mệt mỏi nhất là trước ngày thi mấy hôm hay bị mất ngủ."

Học sinh THPT đang thiếu ngủ trầm trọng - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thúy (lớp 12) cho biết: "Là năm cuối của cấp nên áp lực thi cử rất nhiều, khối lượng kiến thức lớn nên em hay phải thức khuya để học nên thiếu ngủ nặng. Ngoài đi học chính còn phải học thêm, nên cơ thể rất mỏi, chả muốn học chỉ muốn ngủ."

Đó là tâm sự của hai bạn học sinh THPT nhưng cũng là nỗi lòng của nhiều học sinh khác. Thiếu ngủ ở học sinh hiện nay trở nên phổ biến, nhưng rất nhiều bạn chủ quan không chú ý sức khỏe, mà lờ đi những tác hại do thiếu ngủ, mất ngủ gây ra. Lứa tuổi học sinh đang ở giai đoạn đầu thanh niên nên mặt sinh lí và tâm lí dễ bị tác động bởi thói quen sinh hoạt, hoạt động sống. Từ 14-20 tuổi nên ngủ 8-9 tiếng/ngày để đủ năng lượng cho ngày hôm sau, việc thiếu ngủ của học sinh sẽ làm thay đổi đồng hồ sinh học cơ thể và tác động đến tâm sinh lí không tốt.

Hiện trạng thiếu ngủ trầm trọng ở học sinh hiện nay

Vấn đề học sinh không ngủ đủ giấc không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn diễn ra ở nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc… 765 trường trung học trên cả nước với hơn 82.000 học sinh đã tham gia vào cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã có kết quả báo động về tình trạng thiếu ngủ trầm trọng của học sinh Hàn Quốc. Số ý kiến cho biết thời gian ngủ một ngày của mình chưa đến 6 giờ chiếm 43,9%, cấp phổ thông cơ sở chiếm 12% và tiểu học là 3%.

Có rất nhiều học sinh ở Việt Nam đi học trong trạng thái uể oải, mệt mỏi. Đến lớp ngủ gục xuống bàn ngay từ tiết một trái ngược với việc đi học phải là một ngày hứng khởi để thu nhận tri thức mới. 

Học sinh THPT đang thiếu ngủ trầm trọng - Ảnh 2.

Theo kết quả nghiên cứu của hai bạn Trang, Vy có đến 8 bạn trên 10 học sinh gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp do ảnh hưởng từ thiếu ngủ. Có 81,8% học sinh ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày, 13,7% học sinh ngủ dưới 5 tiếng. 

Các bạn học sinh ngủ gật trên lưng bố mẹ trên đường đến trường không còn là cảnh hiếm gặp, trong giờ học thầy cô cứ giảng còn học trò cứ ngủ gật điều này khiến cho hiệu quả học tập không cao. Nhiều chiêu được các bạn học sinh dùng như uống nước, xin ra ngoài, cấu véo tay chân, đứng dậy phát biểu,... cũng không quá hiệu quả trong việc chống cơn buồn ngủ.

Tình trạng đi ngủ muộn phổ biến, theo kết quả điều tra có hơn 50% học sinh được hỏi thừa nhận đi ngủ sau 23h, trong đó đi ngủ vào lúc 23h đến 0h chiếm 39,8% và 20,7% học sinh đi ngủ sau 0h sáng. Thời gian được ngủ nhiều nhất của các bạn học sinh là vào những ngày cuối tuần, ngày lễ khi không phải đi học. Nhưng đối với các em học sinh cuối cấp, ôn đội tuyển, thi tốt nghiệp, đại học dường như cũng không có ngày ngủ trên 7 tiếng bởi đã kín lịch học thêm.

Nguyên nhân từ đâu?

Đời học sinh luôn gắn liền với những bài kiểm tra và câu chuyện thi cử. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu ngủ trầm trọng là áp lực học tập. Lượng kiến thức khổng lồ, các bài tập, bài học quá nhiều, các kỳ thi dồn dập để có thể giải quyết được các bạn mất nhiều thời gian để chạy kịp với chương trình học. Áp lực hơn khi các kỳ thi lớn đến, các bạn tập trung toàn bộ thời gian để ôn tập không có thời gian nghỉ ngơi.

Học sinh THPT đang thiếu ngủ trầm trọng - Ảnh 3.

Lịch học bất hợp lí cùng với việc chưa biết cách phân bổ thời gian sinh hoạt hợp lý cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu ngủ hiện nay. Đa phần các trường trung học vào học từ 7h sáng điều này bắt buộc các bạn phải dậy sớm dù đêm trước ngủ muộn làm bài. Buổi sáng có 5 tiết học đến 12h kém mới kết thúc nhiều bạn không có thời gian về nhà, ở lại trường vật vờ tìm chỗ nghỉ trưa để chiều tiếp tục học, thậm chí còn học thêm tới tối, đêm lại chuẩn bị bài cho ngày mai làm các bạn không có thời gian ngủ bù đắp năng lượng tiêu hao sau một ngày dài.

Các mạng xã hội, trò chơi điện tử cũng góp phần vào giảm thời gian ngủ của học sinh. Sử dụng Facebook, Youtube,… nhằm giải trí khỏi áp lực học tập là cần thiết nhưng nhiều bạn không sắp xếp được hợp lý đã lạm dụng ảnh hưởng đến giấc ngủ của học sinh.

Để khắc phục thiếu ngủ trầm trọng bản thân học sinh cần tự biết cân đối thời gian hợp lý đảm bảo vừa học vừa nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe.