Sáng 16/2, TPHCM tổ chức chương trình Lãnh đạo thành phố gặp gỡ thiếu nhi. Tham dự có bà Võ Thị Dung Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cùng nhiều lãnh đạo ban ngành và hơn 170 em học sinh tiêu biểu của thành phố.
Mở đầu chương trình, em Huỳnh Thị Như, trường THCS Tân Tạo, Bình Tân cho rằng việc học hiện nay rất nhiều, học từ sáng tới chiều rồi còn học thêm. "Riêng bản thân em phải học đến 12 giờ trưa mới được nghỉ lưng", Như nói và đề xuất cần có thêm nhiều phòng thí nghiệm, thực hành, cần được thực tế nhiều hơn chứ không chỉ học lý thuyết để trả bài...
Học sinh phát biểu ý kiến của mình trước lãnh đạo TPHCM.
Em Nguyễn Đạt Mẫn, trường THCS Lê Quý Đôn quận Thủ Đức cho biết, trường en có 55 lớp, sỹ số 49 – 50 bạn/lớp là quá đông dù trường tụi con là trường trọng điểm. "Với sĩ số như vậy thì giáo viên không đủ thời gian để quan tâm đến từng học sinh", Mẫn nói.
Cũng theo Mẫn, giờ học: trường con tập trung lúc 6h45, quá sớm bởi nhiều bạn sai ngày học còn học thêm đến tối và thường 11 -12 giờ đêm mới ngủ nên không đủ giấc. Thời gian học cũng là cao điểm đi học, đi làm.
Em Ngô Triệu Vi, trường THCS Linh Trung, quận Thủ Đức cho biết hiện có 50 – 70% học sinh học một buổi/ngày vì số lượng học sinh quá đông dẫn đến thiệt thòi, học không đủ kiến thức. Ngoài ra, Vi còn đề xuất bỏ thi xếp hạng với giáo viên và học sinh bởi nó gây nhiều áp lực, chán nản và không có động lực phấn đấu.
Đồng quan điểm, em Võ Ngọc Thủy Tiên, trường Nguyễn Văn Luông, quận 6 cho rằng, cần giảm bớt áp lực thi đua cho giáo viên. "Giáo viên phải thi đua, nhiều học sinh giỏi thì xếp loại cao, dẫn đến dạy dồn nén. Các cô chú nên gặp gỡ giáo viên để lắng nghe, nếu giải tỏa được thì mọi người đều vui...", Tiên nói.
Còn em Trần Quỳnh Trang, trường Nguyễn Trung Trực quận 12 chia sẻ, sau bài học thường kiểm tra lý thuyết nên tụi em thường học vẹt, không hiểu bài, như lịch sử, giáo dục công dân...
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, những lần gặp trước, các cháu nêu, cái nhìn cận cảnh về xã hội, gia đình, đề xuất có giá trị, có chiều sâu. Từ đó, lãnh đạo TPHCM lắng nghe, tiếp thu. "Nhiều đề xuất trở thành chủ trương chính sách, kết tinh trong các chủ trương, chính sách… các cháu được sống trong môi trường tốt hơn
Các cháu ngày càng trưởng thành, có cái nhìn nhân văn với cuộc sống, môi trường, với thành phố… Lãnh đạo đã chia sẻ về thành phố để các cháu am hiểu. Cuộc gặp tổ chức định kỳ hàng năm, đây là một nét đẹp văn hóa", bà Tâm nói.