Học sinh lớp 2 học những khái niệm cơ bản về xác suất

Thục Đoan, Theo PLO 17:18 10/11/2019
Chia sẻ

Dạy xác suất cho học sinh lớp 2 theo chương trình giáo dục phổ thông mới không có nghĩa là lôi kiến thức ở các lớp trên về dạy. Học sinh sẽ được học những khái niệm cơ bản của xác suất.

Chiều 9-11, tại hội thảo Xu hướng giáo dục trên thế giới và Việt Nam, TS Phạm Sỹ Nam (giảng viên ĐH Sài Gòn, thành viên ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới môn toán) lý giải những băn khoăn của nhiều người trước thông tin xác suất, thống kê vào môn toán trong chương trình giáo dục mới từ lớp 2.

Học sinh lớp 2 học những khái niệm cơ bản về xác suất - Ảnh 1.

TS Phạm Sỹ Nam giới thiệu về chương trình giáo dục phổ thông mới ở môn toán học. Ảnh: LN

Ông Nam cho hay hạn chế của chương trình toán hiện hành đang chú trọng truyền đạt kiến thức, cố gắng thiết kế chặt chẽ về mặt toán học nhưng thiếu chú trọng hình trực quan. Việc phân bổ chương trình chưa hợp lý, có kiến thức đưa vào sớm quá, có những kiến thức được đưa vào lớp dưới nhưng ở lớp trên lại được học lại. Tính liên thông các cấp chưa tốt. Việc tổ chức dạy học chưa tốt. Học sinh thường được yêu cầu làm bài tập tổng hợp, trong khi từng đơn vị kiến thức chưa nắm vững, chưa coi trọng việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong thực tiễn.

Vì thế, chương trình mới sẽ khắc phục những hạn chế trên với sự tinh giản, tăng tính thiết thực và tính hiện đại. Chẳng hạn, xác suất, thống kê sẽ được dạy từ lớp 2. Việc làm này phù hợp với quan điểm xây dựng chương trình mới. Xác suất thực chất là các tình huống diễn ra hằng ngày, gần gũi với các em.

Theo chương trình hiện hành, xác suất chỉ được dạy ở lớp 11 với nội dung khó, còn phần thống kê thì được dạy rải rác bậc tiểu học, bậc THCS có lớp 7 và bậc THPT có lớp 10. Do đó, nhiều người cứ nhắc đến xác suất là nghĩ rằng nó rất là khó và trừu tượng.

“Dạy xác suất từ lớp 2 không có nghĩa là lôi kiến thức ở các lớp trên xuống cho học sinh lớp dưới học. Các em lớp 2 được học những khái niệm cơ bản của xác suất, chẳng hạn "chắc chắn" hay "không chắc chắn". Ví dụ, trời đang mưa, con đi ra ngoài thì chắc chắn con sẽ bị ướt. Kiến thức sẽ được học với tính liên tục” - ông Nam nói.

TS Nam cho biết thêm với chương trình mới, ở toán tiểu học, bốn mạch lõi kiến thức cốt lõi gồm số học, đại lượng và đo đại lượng, các yếu tố hình học, giải toán. Chương trình chú trọng rèn luyện những kỹ năng tính nhẩm căn bản, giảm độ khó của kỹ thuật tính viết. Chẳng hạn ở lớp 4 chỉ yêu cầu thực hiện được phép chia cho số đó có không quá hai chữ số. Ngoài ra, chương trình tiểu học tăng cường thực hành luyện tập và ứng dụng toán học vào thực tiễn.

Với chương trình toán trung học sẽ giảm mức độ phức tạp trong dạy học giải phương trình, bất phương trình, giảm nội dung phương pháp tọa độ trong hình học. Chương trình nhấn mạnh việc đọc, vẽ, tưởng tượng, tạo dựng trong việc dạy học hình học không gian, tăng cường thêm các nội dung về thống kê, xác suất gắn với ứng dụng trong đời sống thực tiễn. “Chương trình tăng cường thực hành luyện tập và ứng dụng toán học vào thực tiễn, không đưa nội dung số phức vào. Các chuyên đề học tập ở mỗi lớp 10, 11, 12 có nội dung giáo dục dành cho những học sinh định hướng nghề nghiệp cần sử dụng nhiều kiến thức toán học” - ông Nam nói thêm.

Với môn văn, PGS Nguyễn Thành Thi (giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM, thành viên ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới môn văn) cho biết mục đích là giúp học sinh làm chủ, sử dụng được kiến thức. Cụ thể, học sinh phân biệt được văn học và phi văn học, phân tích các thành tố cấu thành nên tác phẩm văn học, biết đọc hiểu và ngôn từ nghệ thuật, tiếp nhận hợp lý và sáng tạo nội dung tác phẩm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày