Học phí tăng lên mức 12 - 17 triệu đồng/năm, nhiều SV ĐH Kinh tế Quốc dân lo không thể trụ nổi

Thu Hường - Định Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 21/07/2016
Chia sẻ

Học phí của trường Kinh tế Quốc dân đã lên cao ngất ngưởng ở mức 12-17 triệu đồng/năm học. Đối với nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đây là một khoản tiền quá lớn mà vì nó, các bạn có thể sẽ phải từ bỏ ước mơ theo học tại đây.

Lo không trụ nổi vì học phí đã cao còn... tăng dần đều

Những ngày gần đây, rất nhiều sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU) đã lên facebook kêu trời vì học phí tăng cao "ngất ngưởng".

Theo chia sẻ của nhiều bạn trẻ, bắt đầu từ năm học 2014-2015, Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện chính sách tự chủ tài chính. Điều này khiến học phí tại ngôi trường danh tiếng này liên tục tăng dần đều với tỉ lệ khoảng 30%/năm. Theo đó, năm 2014-2015, sinh viên phải đóng 9,5 triệu đồng tiền học phí. Năm học 2015-2016, con số này tăng lên 11,5 triệu đồng và trong năm học tới, nó sẽ "nhảy" lên mức 13,5 triệu đồng.

Học phí tăng lên mức 12 - 17 triệu đồng/năm, nhiều SV ĐH Kinh tế Quốc dân lo không thể trụ nổi - Ảnh 1.

Những chia sẻ liên tiếp của các bạn trẻ về việc học phí của trường ĐH Kinh tế Quốc dân tăng quá cao.

Học phí tăng lên mức 12 - 17 triệu đồng/năm, nhiều SV ĐH Kinh tế Quốc dân lo không thể trụ nổi - Ảnh 2.

Với số tiền học cao "chót vót" như thế này, rất nhiều sinh viên lo lắng không thể "sống sót" nổi tại NEU suốt 4 năm.

Đây là con số dự toán của nhà trường. Tuy nhiên, đối với những sinh viên K57 (đang chuẩn bị bước vào năm học thứ 2), mức học phí hiện bị đội lên rất cao do ngay từ đầu, sàn học phí của khóa học này đã cao hơn các khóa trước. Vì thế, khi tiếp tục tăng lên, số tiền phải chi trả của các bạn K57 theo học các chuyên ngành hot có thể lên tới 17 triệu đồng/năm.

Hồng Nhung (sinh viên K57, khoa Kinh tế Phát triển) cho biết: "Năm vừa rồi, bọn mình phải chi trả 355.000 đồng/tín chỉ chỉ thì năm nay, con số đó đã tăng lên 450.000 đồng. Đây là số tiền quá lớn với mình vì nhà mình không khá giả gì, bố mẹ ở quê làm nông, rất vất vả mà thu nhập lại thấp".

Thậm chí, Nhung còn nhẩm tính, với mức tăng học phí khoảng 30%/năm thì những năm học sau, số tiền có thể sẽ lên đến 600.000 - 700.000 đồng/ tín chỉ. Điều này khiến bạn nữ sinh cảm thấy rất hoang mang, lo sợ không thể tiếp tục hoàn thành giấc mơ học ĐH của mình.

Giống như Nhung, bạn Châu (sinh viên K56, khoa kinh tế) tâm sự: "Mình thi vào đây vì đam mê và yêu thích nhưng đang cảm thấy rất hoang mang vì học phí tăng quá cao". Theo chia sẻ của Châu, học kỳ tới, cô phải học 25 tín chỉ. Với số tiền 290.000 đồng/tín hiện đang áp dụng cho sinh viên K56 thì chỉ tính sơ qua, trong kỳ học tới, cô sẽ phải đóng 7,2 triệu, dự kiến cả năm hết 15 triệu tiền học phí.

Học phí tăng lên mức 12 - 17 triệu đồng/năm, nhiều SV ĐH Kinh tế Quốc dân lo không thể trụ nổi - Ảnh 3.

Châu rất lo lắng về mức học phí phải đóng tại NEU.

"Chưa kể bọn mình còn phải học tiếng anh bên ngoài để thi TOEIC đầu ra. Như thế, riêng tiền học đã hết 20 triệu/năm, rồi còn tiền thuê trọ, ăn uống, đi lại... Có đôi lúc mình cảm thấy rất hối hận vì đã thi vào đây khiến cho gia đình nặng gánh, bố mẹ vất vả hơn mà tương lai ra trường thì vẫn chưa biết ra sao".

Học phí tăng lên mức 12 - 17 triệu đồng/năm, nhiều SV ĐH Kinh tế Quốc dân lo không thể trụ nổi - Ảnh 4.

Lệ rất hy vọng cùng với việc tăng học phí, ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ tăng chất lượng điều kiện dạy và học. Ảnh: Thu Hường

Cùng chung nỗi bức xúc này, bạn Lệ (sinh viên K56, chuyên ngành Kinh tế & quản lý đô thị) tâm sự: "Mình hy vọng sang năm cùng với việc tăng học phí, nhà trường sẽ tăng chất lượng đào tạo và điều kiện cơ sở vật chất để chí ít, nhiều bạn sẽ không phải đến tận phố Vũ Trọng Phụng để học như thế".

Học phí tăng lên mức 12 - 17 triệu đồng/năm, nhiều SV ĐH Kinh tế Quốc dân lo không thể trụ nổi - Ảnh 5.

Như Quỳnh - cựu sinh viên NEU.

Không chỉ có sinh viên đang theo học tại trường cảm thấy bất bình mà nhiều cựu sinh viên trường Kinh tế Quốc dân cũng bày tỏ thái độ bức xúc. Như Quỳnh (sinh viên khóa 50, khoa Ngân hàng Tài chính) chia sẻ: "Trước đây khi mình còn học ở trường, học phí cao nhất cũng chỉ tầm 2,5 triệu đồng cho mỗi học kỳ thôi. Vẫn biết là nhà trường bây giờ độc lập tự thu tự chi nhưng với mức học phí cao như thế, rất ít sinh viên có thể duy trì việc học ở NEU, ngôi trường mà mình biết rằng đó là niềm mơ ước của rất nhiều sinh viên ban A".

Nhà trường nói gì về việc để học phí "vọt xa" khỏi sàn chung của các trường công lập?

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi chiều 20/7, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định, việc xây dựng lộ trình học phí của trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã và đang tuân thủ theo đúng các văn bản được Chính phủ phê duyệt.

Học phí tăng lên mức 12 - 17 triệu đồng/năm, nhiều SV ĐH Kinh tế Quốc dân lo không thể trụ nổi - Ảnh 6.

Quyết định tăng học phí của trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Học phí tăng lên mức 12 - 17 triệu đồng/năm, nhiều SV ĐH Kinh tế Quốc dân lo không thể trụ nổi - Ảnh 7.

Toàn bộ việc tăng học phí đã được nhà trường thông báo rộng rãi từ trước.

Ông Chương giải thích, Chính phủ có Nghị định 86 ngày 2/10/2015 quy định mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đào tạo đại học tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên. Có nghĩa là toàn bộ chi phí đầu tư và khoản chi thường xuyên nhà trường phải tự lo liệu. Nghị định 86 cho phép mức trần học phí cao hơn rất nhiều so với lộ trình mà Nhà trường đã xây dựng. Khi xây dựng lộ trình học phí, Nhà trường đã thành lập tổ công tác và mức học phí này được xây dựng trên cơ sở cân đối chi phí đào tạo, lấy thu bù chi và có một phần tích lũy phát triển.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng luôn tâm niệm làm sao để có mức học phí phù hợp với sự phát triển kinh tế đất nước, thu nhập của gia đình sinh viên cũng như mục tiêu của nhà trường.

Theo ông Chương, học phí của Đại học Kinh tế Quốc dân tuy tăng cao nhưng chưa phải cao nhất so với những trường Đại học công lập khác mặc dù đây là trường Đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo kinh tế.

Học phí tăng lên mức 12 - 17 triệu đồng/năm, nhiều SV ĐH Kinh tế Quốc dân lo không thể trụ nổi - Ảnh 8.

Ông Chương, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Định Nguyễn

Giải thích về việc học phí một số chuyên ngành tăng cao tới mức 530.000 đồng/tín chỉ, ông Chương cho biết, với những nhóm ngành hot như Kế toán tổng hợp, Kiểm toán, Tài chính doanh nghiệp... thì mức thu này là phù hợp. Bởi lẽ, khi tốt nghiệp những chuyên ngành này, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm với thu nhập tốt. "Bên cạnh đó, nhà trường cũng muốn cân bằng thu hút ở các ngành khác nên sẽ có những ngành thấp hơn", vị Phó hiệu trưởng giải thích thêm.

Trước băn khoăn việc tăng học phí có tỷ lệ thuận với chất lượng đào tạo cũng như cơ sở vật chất, ông Chương cho hay, trường luôn chú trọng chất lượng đào tạo và nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của sinh viên.

Theo ông, tòa nhà trung tâm của Nhà trường được khởi công xây dựng từ năm 2006 với vốn đầu tư gần 1.400 tỷ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Dự án này ban đầu ước tính hoàn thiện vào năm 2018 nhưng nhà trường đang nỗ lực hoàn thành và đưa vào sử dụng sớm trước 1 năm. Khi tòa nhà hoàn thành, đây sẽ là môi trường học tập với đầy đủ tiện nghi hiện đại nhất Việt Nam cho sinh viên theo học. Trong khi Nhà trường chỉ được ứng 15% vốn (hơn 200 tỷ đồng). Nhiều việc Nhà trường cũng muốn làm ngay nhưng chưa làm được.

Ông Chương cũng cho biết, sinh viên khóa 57 là nhóm áp dụng mức học phí tăng 30% vào đúng lúc "tâm bão". "Khi các em nhập học đúng vào lúc nhà trường áp dụng lộ trình tăng học phí là 30%/năm. Năm nay các em cũng đóng mức học phí tăng gần 30% và sang năm thứ 3 cũng ở khoản mức tương tự, tất nhiên là không cao như năm nay. Đó là lộ trình 3 năm tăng học phí để lấy đủ thu bù chi và có một phần kinh phí phát triển", ông Chương chia sẻ.

Học phí tăng lên mức 12 - 17 triệu đồng/năm, nhiều SV ĐH Kinh tế Quốc dân lo không thể trụ nổi - Ảnh 9.

Nhà trường khẳng định, việc tăng học phí sẽ đi đôi với tăng chất lượng đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất và mức học bổng cho sinh viên giỏi, mức hỗ trợ sinh viên nghèo. Ảnh: Nguồn trang web ĐH Kinh tế Quốc dân.

Nhiều sinh viên bày tỏ việc học phí quá cao sẽ gây ảnh hưởng trong việc học tập, nhất là đối với sinh viên nghèo, ông Chương khẳng định: "Tất cả các bạn sinh viên nghèo, học giỏi thì dù khó khăn đến đâu, cứ thi đỗ ĐH Kinh tế Quốc dân là sẽ có cơ hội. Nhà trường sẽ tìm mọi cách để hỗ trợ các em".

Ông cho biết, nhà trường cùng cựu sinh viên đã xây dựng thành công quỹ học bổng lên tới 50 tỷ đồng. Mỗi năm trường trích 5,7 tỷ tặng cho sinh viên. Những bạn có lực học xuất sắc có thể được trao 50 triệu/năm. Nhà trường cũng dành học bổng 8 tỷ trích ra từ học phí để chi trả cho sinh viên. Ngoài mức hỗ trợ tối đa 50 triệu vẫn còn rất nhiều mức khác, tương ứng với sức học và thành tích của sinh viên.

"Tất cả diện chính sách như con liệt sĩ, thương binh, đối tượng chính sách, dân tộc thiểu số có quyết định của Nhà nước thì nhà trường miễn giảm bình thường. Trước đây, các hộ nghèo làm đơn có xác nhận của địa phương cũng được hỗ trợ nhưng hiện nay theo quy định của Nhà nước thì không được. Thế nên năm nay nhà trường sẽ đổi mới trong chính sách học bổng. Ngoài việc hướng tới các em có kết quả học tập tốt, trường sẽ dành 30% quỹ học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn nhằm chia sẻ bớt một phần với các bạn sinh viên nghèo", ông Chương bày tỏ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày