Học kiểu startup như sinh viên IT Đại học Thái Bình Dương

Quang Vũ, Theo Phụ nữ số 19:30 14/06/2024
Chia sẻ

Theo dự báo, đến năm 2030 Việt Nam cần 1,5 triệu nhân sự IT. Sức hút của nhóm ngành Công nghệ thông tin (CNTT) chưa bao giờ giảm nhiệt.

Trở thành kỹ sư IT thế hệ mới

"ChatGPT, các ứng dụng, website gần như gắn liền với em mỗi ngày. Em thực sự muốn tìm hiểu nguyên lý hoạt động của AI, làm chủ nó và tự tạo một sản phẩm công nghệ của riêng mình", Nguyễn Duy Khoa, học sinh lớp 12 một trường THPT tại Nha Trang chia sẻ.

Coi công nghệ là đam mê, nhiều gen Z như Khoa xác định đây sẽ là ngành học mình nghiêm túc theo đuổi và phát triển nghề nghiệp. Khoa chuẩn bị đăng ký Ngành Trí tuệ Nhân tạo tại Đại học Thái Bình Dương, bởi không nhiều trường có một chuyên ngành riêng đào tạo về AI tại Việt Nam.

Không còn là một khái niệm vĩ mô, người trẻ yêu thích công nghệ như Khoa giờ đây có thể tự tin trả lời câu hỏi "học gì để thành kỹ sư AI", với một chương trình học 3,5 năm được hệ thống hoá, chuyên sâu và bài bản. Nội dung đào tạo bao quát các phương pháp thiết kế thuật toán, học máy, trí tuệ nhân tạo mới nhất, cùng các mô hình nghiên cứu và suy luận thống kê chuyên sâu.

Học kiểu startup như sinh viên IT Đại học Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Hơn 95% cử nhân CNTT của Đại học Thái Bình Dương có làm trong vòng ba tháng sau khi tốt nghiệp

Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật phần mềm hay Công nghệ Thông tin là một trong những ngành giữ vững độ "hot" tại Đại học Thái Bình Dương những mùa tuyển sinh qua. Theo thống kê của trường, trong khóa tốt nghiệp 2019, hơn 95% cử nhân khoa CNTT có việc làm trong ba tháng. Thậm chí chưa tốt nghiệp, sinh viên của trường đã thực tập, đi làm nhận lương, được "săn đón" bởi mạng lưới hơn 200 doanh nghiệp đối tác như Hãng hàng không Vietjet, FUNiX, Tập đoàn Sovico, Ngân hàng HDBank, FPT, IVS, TMA, Bstar Solutions,..

"Ngành CNTT không ngừng đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để đem lại cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp cho sinh viên. Trường đặt mục tiêu đào tạo các kỹ sư IT chất lượng, bám sát nhu cầu doanh nghiệp, có năng lực làm chủ những xu hướng công nghệ mới nhất. Khả năng tiếng Anh, ngoại ngữ 2 (như tiếng Hàn) và kỹ năng mềm cũng là lợi thế giúp các em nhanh nhạy thích ứng với môi trường công nghệ 4.0 luôn thay đổi", TS Nguyễn Trùng Lập - Trưởng khoa CNTT Đại học Thái Bình Dương chia sẻ.

Khi trường học cũng là doanh nghiệp công nghệ

Sinh viên Thái Bình Dương đi học cũng như… đi làm bởi phương pháp đào tạo "học qua dự án" (Project-based learning). Các kiến thức cơ sở ngành như thuật toán, cấu trúc dữ liệu, ngôn ngữ và kỹ thuật lập trình,... trở nên thực tế hơn bao giờ hết khi sinh viên "xắn tay" tham gia nhiều dự án phát triển phần mềm. Các dự án này có thể do chính doanh nghiệp "đặt hàng", hay một đề tài nghiên cứu, khoá luận giải quyết vấn đề cụ thể.

Thực hành là phần chiếm trọng số lớn trong chương trình đào tạo của Đại học Thái Bình Dương thông qua mô hình 3-4-3. Sinh viên có 30% thời lượng học lý thuyết và 70% học kiến thức, kỹ năng qua thực hành, kiến tập tại doanh nghiệp ngay từ năm nhất.Việc làm dự án hoặc công việc bán thời gian có thể giúp các em tích luỹ 1,5 năm kinh nghiệm ngay cả khi chưa tốt nghiệp. ADAI Lab – phòng Lab về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, hay trung tâm thực hành IT Space – mô phỏng mô hình doanh nghiệp IT, chính là nơi sinh viên tự do sáng tạo và biến ý tưởng thành hiện thực.

Học kiểu startup như sinh viên IT Đại học Thái Bình Dương - Ảnh 2.

Sinh viên CNTT Đại học Thái Bình Dương có 30% thời lượng học lý thuyết và 70% học kiến thức, kỹ năng qua thực hành, kiến tập tại doanh nghiệp

Đội ngũ giảng viên đều là các chuyên gia công nghệ giỏi chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm. TS. Nguyễn Trùng Lập – Trưởng khoa CNTT tốt nghiệp Tiến sĩ từ Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST), với lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về Công nghệ phần mềm; Quản lý dự án; Chuyên đề công nghệ mới và Máy học. TS. Lưu Đức Trung tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Khoa học máy tính (chuyên sâu về Ngôn ngữ học điện toán) tại Đại học Brandeis, Massachusetts, Hoa Kỳ; TS. Khoa học máy tính Đặng Trường Sơn - Đại học quốc gia Kiev, Ukraina…Thầy cô vừa sẵn sàng đồng hành cùng sinh viên trong nghiên cứu, tích lũy kiến thức học thuật, vừa "cầm tay chỉ việc" sinh viên trải nghiệm công việc thực tế.

Sinh viên cũng là "cha đẻ" các dự án khởi nghiệp

Khi công nghệ là mảnh đất dồi dào cho các mô hình kinh doanh mới, Đại học Thái Bình Dương luôn tạo cơ hội để khai phá và nuôi dưỡng các ý tưởng đột phá và tinh thần "startup" máu lửa của sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tháng 6 này, Simzy - nền tảng giúp tự học lập trình do Lê Vĩnh Ngà - cựu sinh viên và nhóm sinh viên IT Đại học Thái Bình Dương phát triển vừa ra mắt thị trường. Không chỉ làm việc tại các công ty, tập đoàn công nghệ đa quốc gia, tinh thần khởi nghiệp từ khi còn đi học đã thôi thúc Ngà và cộng sự tự tạo một sản phẩm của riêng mình, đóng góp cho xã hội.

Học kiểu startup như sinh viên IT Đại học Thái Bình Dương - Ảnh 3.

Lê Vĩnh Ngà (hàng trên, ngoài cùng bên phải) cùng sinh viên Thái Bình Dương giới thiệu nền tảng Simzy tại Ngày hội Khoa học Công nghệ tỉnh Khánh Hoà

"Kỹ năng số, kỹ năng mềm và kỹ năng tự học mà khoa CNTT truyền đạt là những yếu tố giúp mình đạt đến thành công ở bất cứ môi trường nào", Ngà chia sẻ.

Năm học 2024 - 2025, Đại học Thái Bình Dương tiếp tục tuyển sinh khối ngành Công nghệ Thông tin, với 3 chuyên ngành chính: Trí tuệ Nhân tạo, Kỹ thuật phần mềm, và Công nghệ Thông tin, theo 4 phương thức xét tuyển.

Tìm hiểu chi tiết về ngành CNTT và các ngành học khác của Đại học Thái Bình Dương tại đây.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày