Số lượng sinh viên trong 1 lớp của các trường Đại học áp dụng hình thức học tín chỉ là khá đông, do đó giảng viên không thể nhớ hết được tất cả các sinh viên trong lớp. Cũng chính vì lẽ đó mà ta thường xuyên bắt gặp hiện tượng sinh viên từ các trường Đại học khác sang học “ké” 1 buổi, thậm chí là vài buổi. Hầu hết, các sinh viên này đều mới học năm nhất và theo học các chuyên ngành khác nhau. Vậy vì sao lại có hiện tượng “ngồi ké” như vậy?
Khám phá sự mới lạ ở môi trường khác
Bạn Ngọc Oanh (sinh viên năm 1-ĐH Kinh tế quốc dân) nêu ý kiến của bản thân: “Mình thì chưa đến ngồi học thử ở các trường khác bao giờ nhưng thấy lớp mình có rất nhiều bạn đã từng đi học như vậy. Thường thì các bạn đi vào thời gian rảnh, tuy nhiên vẫn có vài trường hợp bỏ học trên lớp để đi học cùng bạn bè cũ ở trường khác. Mình không biết là đến đấy các bạn có học được gì không, có điều là bỏ tiết nhiều quá nên đến mỗi đợt thi, các bạn lại vội vàng học chỉ mong đủ điểm qua. Có những người còn đang mong được học ở ngôi trường này, trong khi các bạn đã trải qua cả 1 quá trình gian khổ để đạt được điều đó thì lại có thái độ hời hợt, chỉ hứng thú đi khám phá sự mới lạ ở những ngôi trường khác. Thật không thể hiểu nổi!”
Cùng nói về vấn đề này nhưng với nhận định tích cực hơn, bạn Minh (Học viện Ngân hàng) cho rằng: “Mình thấy cũng bình thường thôi mà. Thỉnh thoảng, mình thấy thằng bạn khoe lớp nó đang học 1 môn học hay lắm mà mình vẫn chưa được học nên sang ngồi nghe thử xem thế nào thôi! Ôi dào, bây giờ các trường đầy học sinh ngồi ké kiểu đấy. Cũng không thể phủ nhận là hầu hết các bạn sang không với mục đích nghe giảng nhưng mình thấy là các bạn cũng không đùa cợt quá trong lớp, gây ảnh hưởng đến người xung quanh, như vậy thì đâu phải là đáng trách!”
Có thể nói, đây là tâm lý chung thường thấy ở rất nhiều bạn sinh viên năm 1. Sau gần 3 tháng học tập tại ngôi trường ĐH, các bạn đã phần nào thấy được sự khác biệt so với những năm học phổ thông: cách thức học mới, phong cách giảng bài của giáo viên khác lạ, cấu trúc bài kiểm tra cũng không hề giống cấp 3,…Và khi đó, các bạn nảy sinh suy nghĩ: liệu có phải trường nào cũng có cách học, phương pháp giảng dạy, các môn học… giống nhau không nhỉ? Những suy nghĩ về điều này đã thôi thúc các bạn có mong muốn được trải nghiệm, được khám phá về chính điều đó. Và hiện tượng “ngồi ké” tại các trường ĐH bắt đầu từ đây!
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Từ “hiện tượng” đến “trào lưu”
Ban đầu, các bạn sinh viên đi “ngồi ké” thế này chưa nhiều, nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn, được nghe kể về sự khác biệt giữa các trường ĐH, rất nhiều bạn sinh viên đã đổ xô đi “ngồi ké” như một trào lưu! Có thể nói, “ngồi ké” ở các trường ĐH khởi đầu là 1 hiện tượng nhưng giờ thì đã trở thành trào lưu của sinh viên!
Bạn Trang (ĐH Hà Nội) nêu lên suy nghĩ của mình: “Mình đã từng đi học thử như thế này, nhưng không phải là do những môn học bên trường ấy có sức hấp dẫn cao mà vì lớp mình nhiều bạn đi rồi nên mình đi thử cho biết thôi. Mình thấy cũng hay phết, mỗi tội hôm nào vô tình bị giáo viên hỏi bài thì coi như là chết đứ đừ luôn đấy!”
Đã là trào lưu thì luôn có sức thu hút cao đối với các bạn trẻ, nhưng không phải trào lưu nào cũng tốt đâu các bạn nhé! Khi đến ngồi ké, các bạn thường hay nói chuyện với bạn cũ của mình, điều đó đã vô tình làm ảnh hưởng đến các bạn khác trong việc nghe giảng của họ. Hơn nữa, bạn còn làm người bạn của mình mất tập trung, thậm chí là lãng phí thời gian của chính bản thân bạn. Vậy thì tại sao bạn không dành thời gian đó để ôn luyện kĩ hơn nhưng môn học trên lớp của bạn!
Bạn nên nhớ rằng: Con đường đến với cổng trường ĐH của bạn khó khăn, gian nan như thế nào. Vì vậy, bạn hãy trân trọng những khoảng thời gian học tập tại ngôi trường đó. Đừng tạo cho mình suy nghĩ tìm cảm giác mới lạ ở những ngôi trường khác để rồi sau này bạn phải hối hận vì đã đánh mất quá nhiều kiến thức mà lẽ ra bạn đã thu thận được. Chúc bạn luôn thành công!