Tân sinh viên với những cái bẫy rình rập cần tránh

Thế Viết, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 07/08/2014

Vẫn còn lâng lâng trong cảm giác vừa thi đỗ Đại học, lại bỡ ngỡ trong ngày đầu tiên đi nhập trường, cũng như sự mới lạ của một môi trường mới. Đó là những điều mà kẻ gian thường lợi dụng để “đánh quả lừa” đối với các tân sinh viên.

Dưới đây là những “quả lừa” mà tân sinh viên cần hết sức tỉnh táo nếu không muốn phải nếm trái đắng.

1. “Tăm tặc”

Núp mình dưới bóng của những người làm công tác thiện nguyện như: Nhân viên của trung tâm A, B, C, rồi tình nguyện viên giúp đỡ nạn nhân chất độc màu da cam, người của một tổ chức từ thiện nào đó... những “diễn viên” này thường “diễn” ở các bến xe khách, các điểm dừng xe bus, thậm chí trước cổng các trường đại học để “săn đón” các tân sinh viên.

Chiêu trò mà họ sử dụng là van nài bạn mua tăm với giá khá cao, từ 10.000 – 20.000 đồng/gói tăm để ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn, để tăng thêm độ tin cậy những “diễn viên” này đôi khi còn cầm theo cuốn sổ và xin các thông tin về bạn để “tri ân” trên các đài truyền hình, báo chí. Thực chất, đây là những kẻ sức dài, vai rộng, lười nhác lao động nên đã lợi dụng lòng thương của con người để chuộc lợi. Do vậy, các bạn tân sinh viên hãy thật tỉnh táo để tránh được bẫy này.


Ảnh minh họa.

2. Xe ôm  

Lạ lẫm ở nơi đất khách, quê người với một đống đồ đạc cồng kềnh, việc chọn được một xe ôm tử tế cũng là một điều không dễ, trong những ngày này lợi dụng sự bỡ ngỡ của bạn cánh xe ôm có thể “chém” nhiệt tình như một quãng đường chưa đầy 1km nhưng họ có thể đưa bạn đi du lịch thành phố “bất đắc dĩ” với quãng đường dài hơn thế nhiều và bạn mất tiền oan.

Ngoài ra, đã có khá nhiều trường hợp các bạn tân sinh viên bị cánh xe ôm trấn, cướp tài sản. Họ có thể chở bạn đến một nơi vắng người và dọa nạt để lấy tiền của bạn. Do vậy, bạn cần phải thật tỉnh táo, nghiên cứu kỹ trước đường xá, xe cộ để có thể đi đến trường một cách suôn sẻ nhất. 

3. Cái bẫy mang tên hàng đa cấp

Có một hình thức kiếm tiền được PR là vô cùng dễ dàng đang chờ đón các bạn tân sinh viên, đó là bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, có một thực tế chỉ ra rằng, đã có không ít tân sinh viên bị cuốn vào vòng xoáy này và không thể nào thoát ra được. Tiền thì chẳng thấy đâu mà các mối quan hệ thì dần trôi vào dĩ vãng, ai nhìn bạn cũng dưới con mắt đầy tính đề phòng. Tại sao vậy?

Hình thức kinh doanh này đánh vào lòng tham của con người và suy nghĩ bồng bột muốn tự lập ngay và luôn, “thấy tiền là phải nhặt”. Một công việc nhẹ nhàng, bạn bỏ ra một số tiền làm vốn ban đầu và nhận các mặt hàng để kinh doanh ăn hoa hồng, rồi kêu gọi bạn bè cùng tham gia góp vốn và kinh doanh như bạn, cứ mỗi người tham gia bạn sẽ nhận được một khoản hoa hồng khá hời. Như vậy, nếu bạn kêu gọi được càng nhiều người, bạn sẽ có thật nhiều tiền. Và tất nhiên, bên công ty sẽ giới thiệu cho bạn “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” những gương điển hình đã trở nên vô cùng giàu có chỉ trong một thời gian siêu ngắn.

Tuy nhiên, đó chỉ là những viễn cảnh đầy màu hồng mà họ vẽ ra cho bạn thôi, có rất nhiều bạn đã mất tất cả khi theo đuổi “đam mê” nhất thời này. 

4. Việc làm thêm

Các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn thường nghĩ đến làm thêm để tự lập cuộc sống của mình. Đó là một điều rất đáng trân quý, tuy nhiên, trong 2, 3 tháng đầu tiên các bạn nên ổn định và làm quen dần với cuộc sống mới này đã nhé. Trên các trang mạng về tìm việc làm, rồi khắp ngõ ngách ở thành phố này sẽ được trang trí bằng những tờ rơi quảng cáo những công việc làm nhẹ nhàng mà lương bổng thì rất hấp dẫn. Điều đặc biệt, họ sẽ ghi chú thêm: Chỉ tuyển 95 – 96er, bạn biết vì sao không?

Thông thường các bạn sinh viên năm nhất, năm hai thường chưa đủ độ “cáo” trước những chiêu trò của họ và họ dễ móc túi các bạn nhất, những công việc làm ca 2-3h/ngày với mức lương 200-300 nghìn thường là con số ảo và bạn nên tỉnh táo, tránh bị đưa vào rọ nhé.

5. Vung tay quá trán


Điều mà mình muốn đề cập ở đây chắc ai cũng biết là tiêu tiền. Vừa đỗ Đại học, khi đi nhập trường dù ít nhiều thì các tân sinh viên đa số túi khá dày đúng không nào? Các mối quan hệ mới, rồi tính sỹ diện, thích thể hiện nhiều khi bạn đóng vai “chủ chi” rất hoành tráng. Ngoài ra, việc tiêu tiền chưa có kế hoạch, thấy gì cũng thích, mà thích gì cũng mua thì chẳng mấy chốc chưa đầy nửa tháng bạn đã gọi về nhà xin tiền rồi đấy. 

Chơi game, lô đề, rượu chè, cờ bạc,... cũng là những cạm bẫy có thể ngay lập tức biến bạn từ một “con ngoan, trò giỏi” cách đó 2, 3 tháng trở nên tha hóa ngay lập tức và nó sẽ ảnh hưởng đến hết quá trình học mấy năm Đại học của bạn đấy. 

“Vạn sự khởi đầu nan”, chúc các bạn -  những tân sinh viên sẽ thật may mắn và tỉnh táo trên hành trình quan trọng nhất của cuộc đời mình.