“Siêng” đến trung tâm
Thay vì phải làm việc nhiều giờ liền và làm hàng ngày thì công việc gia sư chỉ tốn 3 đến 4 buổi, mỗi buổi một đến hai tiếng trong một tuần nên công việc gia sư là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều sinh viên nếu muốn kiếm thêm tiền nhưng lại không muốn mất nhiều thời gian. Chính vì vậy mà để xin được một suất dạy thêm không phải là chuyện ngày một ngày hai.
Khi đến bất kỳ trung tâm nào, bạn sẽ ngỡ ngàng khi thấy một danh sách dài thườn thượt sinh viên đăng kí để đi dạy. Vì vậy, nếu bạn muốn có việc làm sớm thì cách tốt nhất là nên đến trực tiếp trung tâm để đăng kí. Kinh nghiệm của những bạn nhận được suất dạy thêm trong thời gian ngắn là thường xuyên đến trung tâm để hỏi vì “mình cần người ta hơn là người ta cần mình”, chỉ khi không có ai đến trực tiếp nhận suất dạy thì khi đó bên trung tâm mới nhắn tin cho các bạn theo danh sách đã đăng kí.
Phụ huynh “quan tâm”
Nhiều bạn sinh viên đi dạy gặp phải khó khăn từ phía phụ huynh. Bạn T. Anh (sinh viên Báo chí trường ĐH Sư phạm) chia sẻ: “Khi không có việc làm thì háo hức đi dạy. Đến khi đi dạy rồi thì lại ước gì mình được ở nhà cho khỏe vì học sinh mình nhận dạy rất lười học mà lại không chịu nghe lời, nên mình đi dạy mà chẳng có chút hứng thú. Mình thì lúc nào cũng dạy hết mình nhưng gặp học sinh lười học nên kết quả không tốt cho lắm nên phụ huynh thì lại cứ phàn nàn như dạy điểm thấp điểm cao, trong khi dạy mình thấy học sinh mệt nên cho nghỉ giải lao vài phút hay dạy xong hết bài mình cho nghỉ sớm thì phụ huynh tỏ ra khó chịu.”
Bạn T.Duyên (sinh viên khoa Tâm lý - Trường ĐH Sư phạm) tâm sự: “Đi dạy học sinh cấp một khổ nhất học sinh chiều con quá mức. Học sinh thì lười, chẳng chịu nghe lời mà phụ huynh thì không cho la rầy con họ, khi con không chịu học nữa thì cho mình nghỉ chứ không la rầy con”.
Học sinh lười, lì…
Bạn Th.Thảo (sinh viên Ngữ Văn – trường Đại Học Sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ: "Vì là sinh viên sư phạm nên mình cũng muốn thử đi dạy cho quen, coi như thực tập nên mình đã quyết định đăng kí đi dạy thêm ở trung tâm. Sau hơn một tháng đăng kí, chờ sốt ruột thì mới nhận được điện thoại của bên trung tâm nói là có một suất dạy phù hợp với yêu cầu của mình.
Mình rất vui và phấn khởi trong ngày đầu tiên đi dạy nhưng rồi sau một thời gian đi dạy mình lại muốn nghỉ. Suất mình nhận dạy là học sinh lớp hai. Cậu học trò của mình rất lười học và rất… lì, khi mình giảng bài thì chẳng chịu tập trung và nói gì cũng chẳng nghe. Mỗi lần đến dạy là mỗi lần chờ vì nó bày đủ thứ trò, hết đi lấy cái này đến lấy cái khác, nhiều khi ngồi chờ cả tiếng vì nó đi chơi mất. Khi đến giờ học thì lại bày ra đủ trò để kéo dài thời gian. Nhiều lúc mình muốn phát điên vì nói mãi chẳng chịu nghe lời. Ba mẹ nó thì bảo đánh mạnh vào cho nó sợ nhưng nói gì thì nói chứ con người ta ai mà dám đánh”.
Dễ mà không dễ
Bạn Đ.T.Tuyên (sinh viên Tâm lý – trường Đại học sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ: “Trước khi đăng kí suất dạy mình cứ nghĩ là càng nhỏ càng dễ dạy nhưng bây giờ đi dạy rồi mình mới thấy đó là suy nghĩ sai hoàn toàn. Khi dạy mình có “chiêu trò” cho học sinh của mình nghe lời như: trong một buổi học nên cho nghỉ giải lao vài lần như vậy sẽ tạo sự hứng thú sau mỗi lần giải lao, cùng thi với học sinh ai viết hay đọc nhanh hơn vì trẻ con rất thích hơn thua; để hai cô trò có thể thân thiết hơn thì mình thường hay hỏi chuyện bạn bè hay thầy cô trên lớp của em, có thể lâu lâu mua cho học sinh mình món quà nho nhỏ vì trẻ con rất thích được tặng quà. Cứ như vậy, bây giờ học sinh mình đã quen và chịu nghe lời mình hơn”.
Nếu bạn chọn dạy cho học sinh lớp một thì phải kiên nhẫn, dù các em có hơi lì lợm nhưng nếu bạn dành chút thời gian tâm sự bạn sẽ thấy học sinh của mình cũng rất đáng yêu và dần dần sẽ biết nghe lời bạn hơn.
Nhận suất quá sức
Một điều sinh viên cần lưu ý trong khi nhận suất là phải xác định đúng năng lực học tập của mình để nhận suất dạy cho phù hợp. Bạn T. Th (sinh viên khoa Môi trường – trường ĐH sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ: “Lúc đầu mình cũng chỉ đăng kí suất dạy cấp một nhưng vì nôn nóng đi dạy sớm kiếm tiền nên khi đến trung tâm còn suất dạy lớp 11 mình cũng nhận bừa vì nghĩ mình cũng thi khối A và cũng chưa lâu ( sinh vên năm hai) nên có thể dạy được, đến khi dạy rồi mới biết thật không dễ dàng để nói cho học trò mình hiểu và thật sự nhiều chỗ mình không còn nhớ nổi. Vì lỡ nhận nên mình cũng cố dạy cho hết tháng, mình phải mua sách giáo khoa cũng như sách giải về nhà “nghiên cứu” rất nhiều nên rất tốn thời gian. Nhiều khi chỉ lo soạn bài vở đi dạy trong khi bài vở của mình thì chưa làm gì hết”.