Nghề
gia sư từ lâu đã trở thành công việc làm thêm quen thuộc, thu hút được lượng đông đảo các bạn sinh viên. Công việc “gõ đầu trẻ” tưởng chừng là nhàn rỗi, ấy vậy mà dân “ét –vê”(tên gọi vui dành cho sinh viên) lại gặp phải không ít những câu chuyện cười ra nước mắt mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu.
Mất tiền chẳng biết kêu ai
Bước đầu tiên để có thể nhận lớp giảng dạy, các bạn sinh viên đều phải thông qua các trung tâm gia sư với những từ ngữ rất kêu và hấp dẫn. Tuy nhiên, không phải tất cả các trung tâm gia sư đều là những địa chỉ đáng tin cậy để sinh viên có thể tìm kiếm đối tượng giảng dạy. Thay vào đó là những trung tâm “chui”, lừa đảo, làm ăn “chộp giật” với mục đích moi tiền của sinh viên.
Vân Anh – sinh viên năm 3 trường ĐH Ngoại Ngữ Huế vẫn còn nhớ như in ngày đầu đến trung tâm gia sư để đăng ký suất dạy: “Hồi mới năm nhất mình cũng muốn kiếm thêm tiền để trang trải cho cuộc sống xa nhà nên đến đăng kí tại một trung tâm gia sư sau khi tìm hiểu địa chỉ trên internet. Trung tâm gì mà chỉ có một chị nhân viên ngồi ghi danh, xung quanh thì tối và ẩm thấp chẳng khác gì phòng trọ, người ta đòi 50% tiền hoa hồng tháng đầu tiên, cuối tháng đến nhận tiền tại trung tâm. Đến cuối tháng mình quay lại lấy tiền thì tìm không ra địa chỉ, hỏi chủ nhà thì không ai biết, sinh viên xa nhà nên chẳng biết kêu ai, lúc đó mình chỉ muốn khóc thôi, bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy ấm ức lắm”.
Nhan nhản các tờ rơi, quảng cáo ở trên tường, cột điện.
Không chỉ lừa đảo, các “trung tâm” còn chỉ khéo các sinh viên cách nói dối nếu muốn được nhận lớp nhanh, khiến cho nhiều sinh viên lâm vào những hoàn cảnh dở khóc dở cười.
“Có chị bên trung tâm bảo mình khi đến gặp phụ huynh cứ nói là học năm cuối, trường đại học Y Dược. Mình dạy cũng được 3 tháng, tưởng đâu mọi việc êm xuôi, ai ngờ hôm đó mình để quên thẻ sinh viên tại nhà người ta, phụ huynh phát hiện được thế là cắt ngang luôn hợp đồng, còn dọa là báo lên trường mình nữa” – Tấn Lâm , sinh viên năm 3 trường ĐHKH Huế chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các “trung tâm” thường không quan tâm lắm đến học vị và trình độ của sinh viên, trong khi đó các trung tâm được thành lập ra với chức năng gắn kết, liên hệ giữa những nhu cầu lại với nhau. Nhưng điều này càng thể hiện rõ sự liên hệ và gắn kết đó nhiều khi là sự vô trách nhiệm, hời hợt. Chỉ cần cung cấp tên, số điện thoại, môn học đảm nhiệm là đã có thể thiết lập được một lý lịch hoành tráng về gia sư đó khi giới thiệu với phụ huynh, điều này không chỉ khiến các vị phụ huynh mập mờ trong việc thẩm định chất lượng gia sư, còn gây nên vô số khó khăn cho các bạn sinh viên khi đối mặt với những tình huống trớ trêu trong suốt quá trình đảm nhiệm công việc.
Những câu chuyện buồn, vui
Đối với nhiều bạn, gia sư không chỉ đơn thuần là một nghề làm thêm kiếm thêm thu nhập, mà còn là đam mê, là môi trường lý tưởng để trau dồi kỹ năng sư phạm. Thanh Ngọc - sinh viên năm cuối trường ĐH Sư Phạm chia sẻ: “Là sinh viên năm cuối nên mình muốn nhân cơ hội này đi dạy ở kèm để nâng cao khả năng sư phạm, tránh sự bỡ ngỡ về sau. Mình yêu công việc này, tuy có hơi vất vả nhưng nó giúp mình tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống”.
Không chỉ vậy, các bạn sinh viên đa số cho rằng niềm vui của công việc gia sư đến từ sự thân thiện, thoải mái của các vị phụ huynh. Một khi làm tốt vai trò, các bạn sinh viên sẽ xây dựng được niềm tin nơi phụ huynh và được học trò quý mến, nhiều gia sư còn được các gia đình coi như con, cháu trong nhà và đối xử rất tốt. Cô Nguyễn Thị Xuân (phường Phước Vĩnh, TP Huế) cho biết : “Cô thương mấy đứa chịu thương, chịu khó, nên cô luôn coi như con cháu trong nhà, trả lương đúng hẹn để có thể kịp thời trang trải cho cuộc sống, cô sẵn sàng tạm ứng trước cho gia sư nếu em nó cần.”
Muôn kiểu dở khóc dở cười nghề “gõ đầu trẻ”
Tuy nhiên, không phải bạn sinh viên nào khi bước chân vào công việc gia sư cũng đều có những thuận lợi, may mắn. Trong khi đó lại có một số trường hợp lâm vào những hoàn cảnh “cười ra nước mắt”, gặp phải trở ngại trong lần đầu tiên chạm đến nghề. Thanh Tùng – sinh viên năm 3 trường đại học Y Dược tâm sự rằng cách đây 3 tháng, Tùng làm gia sư môn Toán cho một cậu bé lớp 8. Sau một màn "chào hỏi” kiến thức, Tùng mới tá hỏa rằng cậu bé mất căn bản trầm trọng từ năm lớp 7, nghiêm trọng hơn là kì thi học kì đang đến gần, Tùng đành phải tăng số buổi học để kịp ôn luyện. Ấy vậy mà cậu bé vẫn lười biếng, sáng học kèm, chiều đi chơi, khiến Tùng chẳng biết giải thích như thế nào về kết quả học tập tồi tệ của cậu bé trước mặt các vị phụ huynh.
Ai đã từng đi làm gia sư mới thấu hiểu được nỗi khổ tâm luôn đè nặng trong lòng người dạy, áp lực không chỉ đến từ học trò, mà còn xuất phát từ các vị phụ huynh thường quan trọng con điểm hơn là những kiến thức mà con em mình tiếp nhận được. Nhiều vị phụ huynh còn yêu cầu gia sư dạy ở phòng khách để mình dễ quản lý, có khi xếp ghế ngồi phía sau quan sát nhất cử nhất động của gia sư, khiến cho các bạn sinh viên hoàn toàn không thoải mái để có thể tiếp tục công việc dở dang của mình. “Gặp những lần như vậy mình khó chịu lắm, phản ánh nhiều lần mà phụ huynh cũng không hiểu, nhiều khi mình tức muốn khóc” - Thanh Tuyền - sinh viên năm 2 trường đại học Kinh Tế nhớ lại hoàn cảnh trớ trêu trong những tháng ngày “gõ đầu trẻ”.
Công việc gia sư mặc dù có thể giúp các bạn sinh viên kiếm thêm một khoản thu nhập đáng kể, nhưng đó chỉ là một nghề làm thêm bên cạnh việc học là chính yếu. Tuy nhiên công việc này lại chiếm khá nhiều thời gian của sinh viên, khiến một số bạn vì thường xuyên đi dạy nên bỏ bê việc học, thậm chí là còn “cúp” học để dạy bù khi phụ huynh mong muốn. Điều này hoàn toàn trái ngược với yêu cầu của việc học tập ở trường khi các bạn phải dành một khoảng thời gian nhất định để làm bài tập nhóm, tham khảo các giáo trình liên quan đến ngành học, học ngoại ngữ…
Để thực sự an toàn và chắc chắn, các bạn sinh viên nên tìm đến những trung tâm gia sư trực thuộc trường đại học nơi các bạn đang học tập - đó thực sự là những địa chỉ vô cùng hữu ích để các bạn có thể tìm được đối tượng giảng dạy phù hợp cho bản thân mình.