Có rất nhiều công việc bán thời gian khác nhau, tùy theo sở thích và năng lực của mỗi người mà có thể làm: gia sư, cộng tác viên báo, phục vụ nhà hàng… Tuy nhiên, gia sư là công việc mà hầu hết sinh viên đã chọn; đó là công việc trí trí óc vốn có sẵn mà bạn đã tích lũy được trước đó. Nó không những thêm thu nhập để bạn trang trải cuộc sống sinh viên mà bạn còn có thêm được nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm sống như: biết tôn trọng đồng tiền làm ra, khả năng giao tiếp và quan hệ xã hội.
Một điều quan trọng là không nên quá lạm dụng vào việc đi gia sư mà bỏ bê học hành; cần phải sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành mọi việc thật tốt. Dưới đây là những kinh nghiệm nhỏ giúp bạn trở thành một gia sư tốt.
1. Luôn vui vẻ và tìm được điểm chung với học sinh
Đây có thể là điều tất nhiên, vì chả có ai thích một gia sư mà luôn nghiêm ngặt, làm việc trong không khí im lặng đến lạnh lùng. Trong thời gian nghỉ ngơi ngắn, bạn có thể kể một câu chuyện vui hay chơi một trò chơi điện tử vui nhộn nào đấy để nắm bắt tâm lý, sở thích cá nhân của từng học sinh.
Nếu đó là một cô/cậu nhóc thì rất đơn giản, bạn chỉ cần treo giải thưởng nho nhỏ mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ mà bạn giao. Còn với một người đã lớn thì sẽ phức tạp hơn một chút. Đôi khi bạn phải bỏ qua khoảng cách giữa gia sư và học trò, hãy để cả hai người thân thiết gần gũi hơn thì như thế mới kích thích được tinh thần học tập. Nhưng cũng đừng nên quá đà, hoặc chỉ biết luyên thuyên ngồi tám suốt buổi học.
2. Dành thời gian nghỉ ngơi
Thời gian nghỉ không nên dài quá 5 phút, bởi thời gian bạn kèm học sinh đó là rất ngắn (thường từ 1,5 tiếng – 3 tiếng). Khi học sinh của bạn phải học hoặc tập trung trong thời gian dài, khả năng tiếp thu và trả lời câu hỏi của bạn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì thế mà điều số 1 mới cực kỳ quan trọng. Khi không khí học tập thoải mái, nhẹ nhàng, không quá áp lực hoặc gò bó thì thời gian bạn cần để thư giãn cũng ít hơn. Cũng có thể đó là lúc ăn nhẹ một món trái cây, cái bánh tiện thể nạp luôn năng lượng.
3. Không ép học sinh làm bài quá khó
Phần lớn những học sinh học nhờ gia sư kèm thêm có học lực trung bình hoặc khá; kiến thức có thể nắm chưa vững hoặc còn thiếu sót. Vì vậy, bước đầu bạn làm một bài kiểm tra tổng quan để đánh giá học lực, từ đó mà bạn có cách truyền đạt kiến thức phù hợp. Điều này tạo hứng thú và động lực cho học sinh của bạn, hơn nữa họ sẽ không cảm thấy tự ti.
4. Công bằng
Không được la mắng hay tỏ thái độ khó chịu khi học sinh của bạn làm sai hoặc cảm thấy khó hiểu. Không ra điều kiện nếu như họ chưa hoàn thành bài bạn giao như: phạt thêm bài tập… Như vậy sẽ khiến bạn và học sinh của bạn có một khoảng cách. Hơn nữa, cần phải nhắc nhở khéo léo nếu họ không làm theo yêu cầu của bạn.
Trường hợp xấu nhất là bạn dứt khoát nói tình hình với phụ huynh và có thể xin thôi kèm học sinh.
5. Hãy luôn đúng giờ và thẳng thắn với phụ huynh
Một gia sư tốt trong mắt của phụ huynh ít nhất phải là người có trách nhiệm, làm việc đúng giờ và hạn chế tối đa việc đi trễ hoặc hủy buổi học. Ngoài ra việc thường xuyên báo cáo tình hình học tập của học sinh với phụ huynh cũng rất quan trọng. Bạn nên thẳng thắn nhận xét, xen lẫn vào đó là phải thể hiện sự nhiệt tình hướng dẫn của mình trong suốt quá trình hướng dẫn em học sinh đó.
Trên đây là những kinh nghiệm nhỏ, hy vọng nó là hành trang khi bạn quyết định làm gia sư. Chúc các bạn có những công việc và trải nghiệm thú vị!