Sinh viên lo lắng vì không mua được vé tàu về quê đón Tết

Lumie, Theo 00:01 01/01/2011

Càng gần Tết, không khí càng trở nên nhộp nhịp hơn. Song song với chuyện tất bật thi cử cuối kì thì nhiều sinh viên không khỏi lo lắng khi nghĩ đến những chiếc vé, tàu xe không đặt được để về quê đón Tết, sum họp cùng gia đình.

Ngay từ đầu tháng 11, khi nghe tin các công ty vận tải đường sắt bắt đầu bán vé tàu, nhiều sinh viên đã cố gắng nắm bắt cơ hội mua cho bằng được chiếc vé hiếm hoi. Bởi nếu không mua được vé, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải đi ô tô, giá tiền cũng sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn đó. Nhiều sinh viên, dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn lực bất tòng tâm khi không thể mua được vé tàu vì nhiều lý do khác nhau. 

Thay cho hình thức nhắn tin đặt chỗ và mua vé như mọi năm, năm nay Ga Sài Gòn thực hiện bán vé tàu cho hành khách với nhiều phương thức khác nhau như bán vé cho tập thể, bán vé tại các ga, các đại lý bán vé, qua tin nhắn, hay trên website… Hay để giải quyết tình trạng chen lấn, ùn ứ, quá tải, khách hàng phải mua vé chợ đen với giá cao ngất ngưỡng, ngành đường sắt, đường bộ Việt Nam đã áp dụng bán vé tàu xe qua mạng, qua tin nhắc SMS trong dịp tết cuối năm. Ưu điểm của hình thức bán vé này là giải quyết được một lượng lớn lưu lượng công việc tại các điểm bán vé chính, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức cũng như các chi phí tốn kém cho người dân. Mặc dù vậy, nhưng nhiều sinh viên vẫn không khỏi bức xúc khi không thể đặt mua được vé. 

X.Linh nói: “Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay mình cố gắng mua vé sớm. Đọc trên mạng thấy có hình thức mua vé qua mạng và SMS nên thử xem sao, đỡ nhọc công đứng chờ. Vậy mà, cả tuần chờ đợi đăng kí, lúc nào cũng trong tình trạng nghẽn hoặc tin nhắn gửi đi không thấy phản hồi… Mãi không được nên quên mất. Đến giờ tá hỏa vì không mua được thì muộn mất rồi, ra mấy đại lý thì họ báo đã hết vé chuyến về quê mình”. 


Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên cũng toát mồ hôi không kém khi giá vé xe tăng từ 20-60% dịp Tết. Đối với nhiều sinh viên thì đây là một tin không được mong đợi một chút nào. Thậm chí còn khiến nhiều sinh viên lâm vào cảnh lao đao.

Vì đợt bán vé tàu, xe về quê đón Tết trùng với lịch thi học kì của nhiều trường đại học nên nhiều sinh viên do mải ôn luyện thi đã quên mất việc mua vé, dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười. Không mua được vé, đến ngày về quê, họ sẽ phải đi những chiếc xe khách không đảm bảo chất lượng, đó còn không kể giá tiền đi những chiếc xe đó đắt hơn gấp 2, 3 lần so với giá vé của các công ty vận tải ô tô bán. 

Trên nhiều diễn đàn, website gần đây, hàng loạt các topic lập ra với chủ đề mua vé tàu, xe như thế nào để mua quê đón tết với gia đình. Như forum của trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh có topic “Hỏi về mua vé tàu Tết”. Một sinh viên của đại học Bách Khoa thắc mắc: “Vé bán trên mạng mà chẳng bao giờ vô được trang web mà mua. Trong khi đó vé chợ đen thì bán đầy. Tức ko tả được. Không biết về quê kiểu gì đây??? Bạn nào tư vấn hộ mình cái”. 
      
T.Thanh (HV Báo chí & Tuyên Truyền) khi được hỏi  đã đặt mua được vé tàu, xe về quê ăn Tết chưa, trả lời: “Mình là sinh viên năm nhất, quê lại ở tận miền Trung nên từ lúc nhập học đến giờ chưa về quê lần nào, giờ chẳng biết đặt vé tàu, xe thế nào. Nghe nói là đặt qua mạng, rồi thanh toán ở Ngân hàng. Mình mới ra ngoài này nên không thông thuộc giao thông, đường phố nên chẳng hiểu phải làm như thế nào”. 

Lợi dụng dịp Tết Nguyên Đán tới, nhiều kẻ đã tận dụng những chiếc vé mua được đem rao bán ở chợ đen với giá cao ngất. Sinh viên lạ lẫm với môi trường mới, đường phố mới nên nhiều người không biết về cách thức mua vé của tổng công ty đường sắt hay các công ty vận tải đã phải mua những chiếc vé với giá cắt cổ đó.  

Trước thực trạng không mua được vé tàu, xe như vậy, các bạn sinh viên nên bình tĩnh, tìm hiểu thật kĩ thông tin các chuyến xe khác về quê thông qua mạng Internet, sau đó hãy gọi điện trực tiếp đến công ty vận tải đó để hỏi. Đừng nóng vội mua vé ở chợ đen hay thông qua môi giới “tiền mất, tật mang”, vừa bị mua đắt lại không ai đảm bảo chất lượng tốt.