Hành trang kiến thức âm nhạc của thí sinh Nguyễn Duy Trung (Quế Sơn, Quảng Nam) chỉ vẻn vẹn có 7 nốt nhạc và 700 ngàn mẹ cho để lên Sài Gòn, thế nhưng bốn lần thi trượt đại học thanh nhạc vẫn không ngăn cản quyết tâm thi lần thứ 5 của cậu trò bé nhỏ này.
Quyết tâm thi đại học cho đến già!
Có mặt tại buổi thi tuyển năng khiếu vào bậc đại học Khoa thanh nhạc, Nhạc viện TP.HCM, chúng tớ đã chứng kiến nhiều cảnh cười ra nước mắt khi có nhiều thí sinh đến thi thanh nhạc bậc đại học mà chỉ hát được đúng một bài ca khúc Việt Nam, trong khi quy định phải hát được 4 bài gồm: 1 bài luyện thanh của Concone, 1 bài dân ca hoặc 1 ca khúc nghệ thuật Việt Nam, 1 romance tiền cổ điển hoặc cổ điển, 1 aria (trích trong các ca kịch thế giới hoặc Việt Nam).
Nguyễn Duy Trung và tập bản nhạc mà các thí sinh khác vứt đi sau mỗi đợt thi.
Thậm chí có thí sinh lẽ ra dự định thi vào trung cấp thanh nhạc nhưng lại mua nhầm hồ sơ thi vào đại học thanh nhạc. Hầu hết những thí sinh này đến từ những vùng quê hay trung du hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa.
Nguyễn Duy Trung cũng là một trong những thí sinh như thế. Khi cậu vừa bước vào, có lẽ thấy dáng vẻ không ra dáng dân thành phố nên thầy Tạ Minh Tâm, Trưởng khoa Thanh nhạc, một trong những thành viên ban giám khảo chấm tuyển sinh năng khiếu hỏi: "Em hát được mấy bài?" Trung đáp: "Dạ, em hát được một bài".
Thầy Tâm nói: "Sao thi đại học mà chỉ hát được một bài? (ban giám khảo cười ồ) Thôi được, em hát thử xem nào".
Trung hát luôn, vẻ rất tự tin, nhưng cậu hát sai nhạc và giọng yếu. Trước khi rời khỏi phòng thi, thầy Tâm hỏi: "Em thi mấy lần rồi?" Trung đáp: "Dạ, em thi lần này là lần thứ 5 rồi!" Các giáo viên ồ lên: "Thảo nào trông em thấy quen quen!".
Khi Trung bước ra khỏi phòng thi, chúng tớ vội chạy theo, bởi ai cũng tò mò muốn biết, lý do nào khiến cậu ta dám thi đại học tới 5 lần, mà lại chọn đại học thanh nhạc.
Không lẽ cậu ta “điếc không sợ súng”, vì rõ ràng, Trung không hiểu thế nào là thi thanh nhạc, chứ đừng nói đến có thể hát được 4 bài nhạc như yêu cầu. Tớ hỏi Trung: "Bạn có biết thi đại học thanh nhạc khó lắm không? Nếu bạn chỉ hát được một bài thì bạn không thể nào đậu được. Bạn có biết không?"
- Mình cứ tưởng là chỉ cần cố gắng và quyết tâm là được, năm nay không thi đậu thì sang năm mình thi tiếp. Mình thi đến già cũng được!
Sao bạn không lên mạng Internet tìm hiểu thông tin về kỳ thi?
- Mình không biết mạng Internet là gì nữa.
Bạn có đi luyện thi ở đâu không, sao bạn không biết quy định là phải hát 4 bài?
- Mình không đi luyện thi ở đâu cả, những lần thi trước mình cũng nghe thầy nói là phải hát đủ 4 bài nhưng không biết 4 bài là bài nào. Mình chỉ biết mỗi mấy bài hát dân ca.
Quê bạn ở đâu, ở quê có dạy nhạc không? Tại sao bạn cứ nhất định phải thi vào đại học Thanh nhạc mà không thi đại học khác?
- Quê mình ở Quế Sơn, Quảng Nam. Ở quê mình không được học nhạc. Quê mình chỉ có các cụ già hay biểu diễn tuồng khi có hội hè. Nhưng diễn tuồng thì trẻ như mình không được diễn. Mình ước được lên sân khâu hát như các cụ, nhưng mà hát nhạc trẻ và mình muốn dạy các em nhỏ hát nhạc hiện đại. Vậy là mình quyết tâm thi vào đây để trở thành thầy giáo về dạy hát cho các em. Mình muốn học âm nhạc bài bản, chứ không phải là nhạc dân gian như ở quê.
Sao lên Sài Gòn, bạn không đi luyện thi?
- Mình không biết là phải luyện thi. Hơn nữa, mẹ chỉ có đủ tiền cho mình đi xe đò lên đây, thuê nhà trọ và đi thi.
Vậy bạn có biết nốt nhạc nào không?
- Có, mình biết 7 nốt nhạc, nốt ở cao hơn mình không biết.
Ai chỉ cho bạn những nốt nhạc đó?
- Mỗi lần đi thi, các bạn thí sinh dạy mình. Đây, mình đọc cho bạn xem: đồ, rê, mi, fa, son, la, si.
Những bản nhạc bạn đang cầm trên tay, làm sao bạn có?
- Sau mỗi buổi thi, các bạn ấy vứt đi và mình nhặt được.
"Mẹ sẽ bán đất cho con đi học"
Mắt chúng tớ nhòa đi khi nhìn vào tập ni lông có chứa nhiều bản nhạc đủ thể loại, có cả bài dân ca gồm cả nhạc và lời mà Trung đang giữ gìn rất cẩn thận. Các bản nhạc đều đựng trong các túi ni lông một cách trân trọng, bên cạnh 4 tờ giấy báo dự thi đại học và trung cấp thanh nhạc. Trung bảo, một tờ giấy báo thi mình không giữ được vì bị nước mưa.
Trung và cuốn sách nhạc lần đầu tiên bạn được sở hữu.
Hỏi chuyện kỹ hơn, tớ được biết, Trung mang theo tất cả là 700 ngàn đồng mẹ cho làm lộ phí. Chuyến xe đò từ Quảng Nam lên Sài Gòn hết 250.000 đồng. Bạn khoe, hôm qua bạn vừa mua cái áo trắng này để đi thi, hết 180 ngàn. Đôi giày này và quần tây, Trung mua từ năm ngoái vẫn còn, dây thắt lưng cũng đã cũ. Đã 5 lần lên Sài Gòn thi, Trung ở trọ đúng một chỗ bạn biết là lò thi Bình Hưng Hòa ở quận Bình Tân vì giá rẻ, tiền trọ hết 40 ngàn/ngày. Mãi hôm trước ngày thi Trung mới biết có ngôi chùa ở gần đó cho sĩ tử ăn cơm miễn phí. Mỗi lần thi, bạn đi xe buýt từ chỗ trọ đến Nhạc viện hết 5.000 đồng.
Tính chi ly, tớ nói với Trung là làm sao bạn đủ tiền đi xe về Quảng Nam!? Bạn nói, mẹ mình dặn, nếu thiếu tiền, cứ lên xe nói với bác tài là xuống bến mình vay bác xe ôm thêm để trả, rồi bác xem ôm chở mình về tận nhà, mẹ sẽ trả lại tiền cho bác ấy sau.
Một sự thật khủng khiếp hơn nữa về cậu trò dám thi đại học thanh nhạc này là ở nhà bạn không có ti vi, bạn chưa bao giờ đọc báo, bạn chỉ nghe hát ở đài rồi học hát theo, vì thế mà bạn thuộc được mấy bài.
Trung cho biết, bạn là con út, còn 3 anh chị em nữa. Bố Trung mất lúc em mới 2 tuổi. Nhà có 4 sào ruộng, mẹ trồng lúa nuôi 4 anh em. Mỗi năm thu được 20 bao lúa, mỗi bao bán được 250 ngàn đồng. Tuy nhiên, Trung khẳng định chắc nịch rằng, chỉ cần Trung đậu đại học, mẹ sẽ bán đất để Trung ăn học.
Chờ các thí sinh thi hết, chúng tớ nhờ thầy Tạ Minh Tâm khuyên Trung vài câu, bởi nếu cứ như thế này, bạn chỉ phí công vô ích. Sau khi hỏi gia cảnh, thầy Tâm phân tích cho Trung hiểu là bạn đang ở hoàn cảnh không thể thi vào Thanh nhạc được, kể cả hệ trung cấp cũng không thể đậu được, vì không có năng khiếu, không có kiến thức cơ bản về Thanh nhạc và học bây giờ đã quá muộn. Chưa kể tiền học rất tốn kém, với gia cảnh như Trung thì không thể học được ngành này.
Trước khi ra về, thầy Tâm đã xúc động tặng Trung một ít tiền để bạn có tiền đi xe đò về quê, Trung từ chối mãi, nhưng buộc phải nhận. Thầy Tâm ân cần nói: "Điều quan trọng nhất là mong em hãy nghe theo lời khuyên của thầy, hãy chuyển sang học một nghề khác, đừng để mẹ phải khổ theo mơ ước vô vọng của em".
Tớ chở Trung tới hiệu sách, tặng bạn một cuốn sách trong đó có các bài hát dân ca, có bản nhạc và có lời, cũng chỉ có cuốn đó là Trung hiểu được và có biết mấy bài trong đó. Nét mặt bạn rạng rỡ vì đó là lần đầu tiên bạn bước chân vào hiệu sách và cầm trong tay một cuốn sách về âm nhạc. Tớ nói: "Mình tặng bạn cuốn sách này, không phải khuyến khích bạn lao đầu vào con đường thi Nhạc viện. Mình chỉ mong bạn hãy học một nghề nào đó để nuôi sống bản thân và giúp đỡ mẹ".
Hỏi có nghề nào mà bạn biết không, Trung đáp, mình nghe nói có nghề Thư ký văn phòng, công việc là chỉ đi phô tô giấy tờ thôi!
Nhóm chúng tớ ngỏ ý tặng bạn chiếc điện thoại, Trung từ chối giãy nảy nói không nhận, nhưng chúng tớ nói: "Bạn phải nhận để ai đó muốn giúp đỡ bạn có thể liên lạc được. Biết đâu có ai đó sẽ giúp ước mơ bạn thành hiện thực. Quan trọng hơn nữa, khi bạn đã được giúp đỡ, bạn có thể giúp lại các em nhỏ cũng trong hoàn cảnh như mình". Trung bẽn lẽn: "Cả thôn của mình chỉ có hai người có điện thoại di động, các anh ấy làm nghề buôn gỗ".
Chúng tớ tin rằng, trong số hàng trăm ngàn học sinh trượt đại học hàng năm, có rất nhiều thí sinh như Trung, khát khao cháy bỏng đậu đại học nhưng không hiểu bản thân mình, những bậc cha mẹ thương yêu con hết cả tấm lòng nhưng quá thiếu thông tin để hiểu rằng: con mình không thể đậu!