Lâu nay chúng ta vẫn thường quan niệm những môn được dùng cho các kì thi như “Văn, Toán, Lý hay Hóa học…” mới là các môn chính và mới cần phải tập trung học. Có lẽ vì thế mà dần dần những môn này đôi khi lại trở thành nỗi ám ảnh của học sinh. Và có những môn tưởng chừng như “chẳng có gì quan trọng” lại được các bạn xếp vào mục “những môn học ưa thích”. Ví như:
Chào cờ
Dường như đây là khoảng thời gian được các bạn học sinh thích nhất trong tất cả các tiết học, đơn giản bởi trong tiết này không cần sách vở, không cần làm bài tập mà cũng không có kiểm tra từ 15 phút cho đến 1 tiết… Học sinh chỉ có mỗi một việc duy nhất đó là thực hiện nghi lễ chào cờ, còn thời gian sau đó là việc của các giáo viên và các bạn cán bộ lớp. Còn “thường dân” thì “vô tư ngồi trò chuyện” hoặc thoải mái làm “khán thính giả”. Nếu chẳng may lớp mình có bị trừ điểm hay xếp thứ hạng thấp so với các lớp khác thì cũng không sao, đơn giản chỉ bởi vì đó là tình trạng chung, tất cả thành viên trong lớp bị xếp như vậy chứ không phải chỉ riêng bản thân mình. Một tiết học có thể nói là thoải mái và hoàn toàn không có chút áp lực nào đến học sinh.
Sinh hoạt đầu tuần
Một tiết học nữa khiến học sinh thích thú không kém là tiết Sinh hoạt. Tương tự như chào cờ, một tiết học không cần sự chuẩn bị từ trước, không áp lực với học sinh nhưng có vẻ nó lại khá áp lực với các thầy cô giáo chủ nhiệm. Với các học sinh ngoan ngoãn, học giỏi thì không có gì phải bàn. Còn với những bạn ở thành phần “cá biệt” thì sao nhỉ? Dường như việc bị thầy cô nhắc nhở đã quá quen thuộc nên rồi cũng không có gì đáng ngại lắm. Chỉ là trong tuần hay trong tháng lớp không có vấn đề gì đặc biệt nghiêm trọng thì 45 phút sinh hoạt thường được diễn ra khá suôn sẻ. Ngược lại nếu trong lớp có “sự cố đặc biệt” thì có lẽ người bị ảnh hưởng tâm lí “stress” nhất chính là các thầy cô chủ nhiệm. Đôi khi học sinh chúng mình cứ nghĩ thầy cô bực mình hay quát mắng là vì lớp bị trừ điểm, xếp hạng thấp. Nhưng thực ra thì không phải vậy đâu. Nếu đứng ở vị trí các thầy cô, thì các bạn sẽ hiểu cảm thấy bất lực, cảm giác buồn khi học trò do chính mình dạy dỗ, dành nhiều thời gian quan tâm lại phạm sai lầm hay hành động không đúng như thế?
Thể dục
Thay vì phải ngồi trong lớp 45 phút ghi ghi chép chép, tính toán, thì teen lại được học ngoài trời hoặc ở phòng tập đa năng với việc vận động tay chân khá thoải mái, vui đùa và trò chuyện cùng nhau. Đây vốn cũng được xem là một môn “phụ”, nên học sinh cũng không quá quan trọng chuyện điểm số, nhiều bạn chỉ cần đủ điểm qua là được. Đặc biệt là đối với các bạn nữ. Và ở môn này, các thầy cô cũng thường dễ tính hơn, hài hước hơn trong chuyện điểm, cũng như cách thức dạy. Nhiều thầy cô đánh giá một phần ý thức tập luyện, chăm chú trong giờ để xét xem học sinh có qua hay không? Nên với một môn học vừa được vận động để giãn gân cốt, lại không quá quan trọng chuyện điểm số, không thi cử thì chẳng có lí do gì khiến các bạn học sinh không thể không thích.
Tin học
Có thể xem đây là giờ teen được chơi điện tử một cách đường đường chính chính mà không cần phải tụ tập nhau vào quán game. Về mặt lí thuyết, môn Tin học không có gì khoai cho lắm đối với học sinh chúng ta. Về khoản thực hành cũng khá dễ chịu.
Là một trong những môn học không nằm trong danh sách thi tốt nghiệp, thi đại học nên học sinh cũng có tâm lý khá thoải mái, đồng thời những giờ thực hành, mỗi học sinh một máy hoặc hai, ba học sinh chung một máy cũng không vấn đề gì. Nếu phòng máy có internet thì còn gì tuyệt hơn. Các bạn có thể tha hồ lướt Facebook, đọc báo, chơi game. Nếu không có internet thì cũng chẳng vấn đề gì cả. Khi đó những người được mệnh danh là “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” không thiếu gì cách để tạo ra những thứ khác để vui chơi, giải trí từ computer.