7 lời khuyên “kinh điển” khi đi thực tập

Hiến Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 14/01/2015
Chia sẻ

Những lời khuyên của các bậc danh nhân thế giới sẽ giúp bạn có được những kết quả ngoài mong đợi trong quá trình thực tập.

1. Chớp cơ hội để làm quen và kết bạn

“Khi bắt đầu một việc làm mới, hãy đồng ý với những lời mời ăn trưa hoặc uống cà phê đầu tiên từ các đồng nghiệp mới.” - Laura Cooke

Khi bắt đầu quá trình thực tập, nếu có thể hãy cố gắng kết bạn càng nhanh càng tốt. Và nếu bạn không có đủ can đảm để mời các bậc “tiền bối” thì hãy cố gắng chấp nhận tất cả các lời mời của những anh chị ở công ty. Bởi nếu bạn từ chối, bạn không chỉ mất đi một cơ hội kết bạn, làm quen mà còn khiến các anh chị ở công ty (những người mời bạn) thấy không thoải mái và ngại mời bạn những lần sau đó.
 
2. Luôn sẵn sàng

“Đừng tỏ vẻ trông rất bận rộn. Nếu bạn luôn xuất hiện với vẻ ngoài căng thẳng và mệt mỏi, mọi người sẽ nghĩ rằng bạn chưa chuẩn bị để đảm nhiệm thêm những chức vụ mới và dĩ nhiên bỏ lỡ cơ hội thăng tiến với những dự án mới.” - Mira Zaslove.

Hãy luôn vận động nhưng không bao giờ được thể hiện sự bận bịu, mệt mỏi. Vì những biểu hiện này sẽ khiến những người hướng dẫn bạn không dám, hoặc không muốn phân cho bạn những công việc mới.

Nói cách khác, hãy cho mọi người thấy bạn là người năng động, chăm chỉ làm việc. Nhưng đồng thời cho họ thấy bạn luôn sẵn sàng với những công việc và nhiệm vụ mới.

7 lời khuyên “kinh điển” khi đi thực tập 1

3. Giúp đỡ vô điều kiện

“Giúp người khác ngay cả khi điều này không mang lại lợi ích gì cho bản thân. Những hành động tuy nhỏ nhưng tuyệt vời này có thể không mang lại lợi ích cho bạn ngay lập tức, nhưng sẽ được đền đáp xứng đáng trong tương lai khi bạn ít ngờ nhất.” – Scott Wainner.

Mở cửa giúp các anh chị, lấy giúp một ly nước, giúp lấy tài liệu máy in,… một hành động nhỏ dù không đem lại cho bạn lợi ích ngay nhưng sẽ tạo được ấn tượng tốt của những người đi trước với bạn. Và khi có việc họ sẽ giúp đỡ bạn như những hành động “đáp lễ”.
 
4. Tinh thần cầu tiến và rút kinh nghiệm nhanh

“Điểm yếu mà bạn chưa nhận ra sẽ gây bất lợi cho bạn nhất. Bạn phải tìm được điểm yếu ẩn khuất của mình và tìm cách khắc phục chúng. Để làm được điều này, bạn cần đánh giá khách quan nhưng sâu sắc từ những người làm việc với mình.” – David Osborne.

Đừng tức giận hay phật lòng khi người khác nhận xét không tốt về bạn trước mặt bạn, vì chỉ những người còn muốn bạn tốt lên thì mới làm như vậy. Vì thế, khi họ góp ý, hay thậm chí là “chửi mắng”, bạn hãy ngay lập tức rút kinh nghiệm để lần sau không mắc phải và cải thiện tình hình.
 
5. Cố gắng “hiểu” người khác

“Mạnh dạn hỏi sếp/cấp trên vấn đề mà anh/chị ấy lo ngại nhất là gì và cố gắng giải quyết chúng.” - Victoria Backaitis.

Hãy cố gắng để có thể hiểu những người khác đang gặp khó khăn gì để có được những phương án giúp đỡ kịp thời. Vì những sự giúp đỡ bất ngờ không những tạo được ấn tượng với người khác mà còn giúp bạn trở thành người đáng tin cậy và tâm lý.

Nhưng nếu không thể “hiểu” thì hãy “hỏi”, hãy hỏi xem những người xung quanh có đang gặp khó khăn gì không? Kiểu như: “tôi có thể giúp gì được bạn”. Hãy cố gắng thật chân thành để họ tin tưởng nhờ bạn giúp đỡ. Điều này rất quan trọng cho sự hình thành mối quan hệ của bạn ở nơi thực tập.

Hoặc cố gắng làm cho công việc của đồng nghiệp trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ bạn đang tham gia một dự án với sự góp sức của nhiều người khác nhau, hãy cố gắng làm thế nào để những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của bạn giúp cho quy trình xử lý công việc trở nên dễ dàng hơn cho người tiếp theo.

7 lời khuyên “kinh điển” khi đi thực tập 2

6. Học hỏi bất cứ điều gì có thể

“Đừng quá chuyên tâm vào duy nhất một lĩnh vực – hãy học hỏi thêm những lĩnh vực khác bởi vì một người có kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau thường thăng tiến nhanh hơn những người có nhiều kinh nghiệm ở một lĩnh vực.” - Vikrant Vaidya.

Khi bạn trở thành một cuốn “từ điển sống” bạn sẽ trở nên quan trọng hơn trong tập thể. Và để làm được điều ấy, hãy học tập và để ý đến tất cả những điều có thể.

7. Luôn khiêm tốn

“Thái độ kiêu căng, tự phụ sẽ giết chết sự nghiệp. Ngay cả khi bạn là nhân viên xuất sắc của công ty hay bạn tốt nghiệp thạc sỹ loại ưu của trường nổi tiếng, hãy luôn duy trì thái độ làm việc tốt và nỗ lực làm việc chăm chỉ thay vì luôn tự phụ mình tài giỏi và có khả năng kiểm soát mọi thứ.” - Scott Miker.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày