Những thầy cô giáo đặc biệt không đứng trên bục giảng

VTC, Theo 10:21 07/10/2012
Chia sẻ

Họ là sinh viên, người khuyết tật, anh bộ đội Cụ Hồ… nhưng họ đam mê việc đem con chữ đến với những số phận thiệt thòi.

Lớp học ngoài công viên

Bàn học là ghế đá, thầy giáo là sinh viên, học trò là những cô, cậu bán vé số, kẹo, hoa… lang thang ở khu vực Công viên 30.4 (Q.1, TP.HCM).

Đó là lớp học của “thầy giáo” Phạm Minh Khiết (20 tuổi), sinh viên năm 3, ngành công nghệ thông tin của Trung tâm đại học Pháp (Pole Universitare Francais) tại TP.HCM.

nhung-thay-co-giao-dac-biet-khong-dung-tren-buc-giang
Phạm Minh Khiết đang dạy học cho bé Bồng tại Công viên 30/4. 

Một lần Khiết cùng nhóm bạn đến Công viên 30/4 chơi và bắt gặp rất nhiều trẻ em đang ở tuổi cắp sách đến trường nhưng phải đi bán kẹo, hoa tươi, vé số, đánh giày… Ngậm ngùi trước sự thiệt thòi của các em, Khiết nảy ra ý định dạy chữ cho bọn trẻ. 

Nghĩ thì dễ nhưng khi bắt tay vào việc “gom” chúng lại thành một nhóm mới thật sự khó khăn. Khiết cho biết vì nhiệm vụ chính của các em là kiếm tiền nên khi “dụ dỗ” chúng bỏ ra một ngày vài giờ đồng hồ để học, đứa nào cũng lắc đầu nguầy nguậy. Thế nhưng, sau nhiều lần thuyết phục, những đứa trẻ đã ngoan ngoãn chịu ngồi một chỗ để ê a từng câu chữ.

Những ngày đầu việc học của Khiết chưa nhiều nên hầu như ngày nào anh cũng ra công viên dạy. Nhưng những học trò đặc biệt này còn phải buôn bán kiếm tiền nên thời gian học hoàn toàn phụ thuộc vào các em. Khiết cố sắp xếp thời gian biểu để “chạy” theo các em, dạy cho chúng biết đọc, biết viết, biết tính toán và cả những điều hay lẽ phải trong cuộc sống.

Lớp học có học trò đã lên chức bà

Trời miền tây Quảng Trị đã vào mùa mưa lạnh, ban đêm không mấy người ra khỏi nhà, vùng cao cứ thế im bặt và buồn bã. Thế nhưng trong con xóm nhỏ ở khu phố 6, thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa vẫn nghe vang tiếng đánh vần tập đọc đều đều.

Đó là lớp dạy xóa mù chữ của cô giáo Hồ Thị Thanh Tâm - giáo viên trường tiểu học Pa Nho.

nhung-thay-co-giao-dac-biet-khong-dung-tren-buc-giang
Cô giáo Hồ Thị Thanh Tâm (đứng) và các học viên. 

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, cô giáo Vân Kiều Hồ Thị Thanh Tâm trở lại với mảnh đất Khe Sanh, nơi mình sinh ra để công tác. Chồng là bộ đội biên phòng thường xuyên phải ở trong đơn vị, vài ba tháng mới về thăm nhà nên một mình cô vừa xoay xở chăm lo hai con nhỏ, vừa thu xếp công việc gia đình để đi dạy cả ngày lẫn đêm.

Đầu năm học này, ngoài việc làm chủ nhiệm một lớp, cô giáo Tâm còn nhận thêm một lớp dạy xoá mù chữ rất đặc biệt nữa. 

Học viên là chị em phụ nữ đã vào tuổi cài trâm, thậm chí đã làm bà, và đều là người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô, một số người gốc Lào lấy chồng Việt. Cuộc sống khó khăn, không có điều kiện nên tới nửa đời người họ mới mon men đi tìm con chữ.

Những đêm đầu lên lớp, một số học viên thấy chán và mệt sau một ngày lên rẫy tối về phải hí hoáy tập viết, tập đọc, cô giáo Tâm phải làm công tác tư tưởng, đi đến tận từng nhà vận động. 

Lớp học ngoài đảo xa sĩ số 1 vắng 0

Những ai ra đảo Song Tử Tây hẳn sẽ rất ấn tượng với lớp học đặc biệt giữa đảo khơi. Lớp học nằm dưới những tán cây phong ba sừng sững, cây bàng vuông xanh thẳm, tiếng học sinh ê a tập đọc vang vọng xen lẫn với tiếng sóng biển ầm ào...

Trường lớp, giáo viên nơi đây tuy khác hẳn so với đất liền nhưng đều chung lý tưởng mang con chữ đến với trẻ em huyện đảo để ươm mầm những thế hệ tương lai đang lớn dần nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy cho con em trên đảo chủ yếu là cán bộ xã kiêm nhiệm. Toàn xã Song Tử Tây chỉ có 7 học sinh nhưng lại được chia thành 5 khối lớp (từ lớp 1 đến lớp 5) nên có lớp chỉ một học sinh. Thậm chí, có lớp sĩ số nhiều nhất là... 2 học sinh.

Anh Đoàn Quốc Thái, quê huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) tình nguyện công tác ở đảo Song Tử Tây từ 3 năm qua. Năm 2008, hưởng ứng lời kêu gọi thanh niên tình nguyện xây dựng biển đảo, để vợ làm Y sĩ ở nhà một mình nơi đất liền khi mới lập gia đình được một năm, anh Thái đăng ký xin đi ra đảo Song Tử Tây nhận nhiệm vụ bí thư Ủy ban Nhân dân xã đảo đồng thời kiêm nhiệm luôn cả làm "thầy giáo".

Lớp học của thầy Thái có lẽ là lớp học đặc biệt nhất trên đất nước. Bởi lẽ chỉ duy nhất một học sinh của lớp 1 và một học sinh của lớp 5. Góc bảng trong lớp có ghi rõ bảng điểm danh “Sĩ số 1, vắng 0”. Nhưng cũng lẽ vì cái đặc biệt đó mà thầy quan tâm đến học sinh của mình nhiều hơn.

Lớp học của trẻ tật nguyền

Chúng tôi đến thăm thầy giáo mù Đặng Ngọc Duy và lớp học đặc biệt dành cho những đứa trẻ tật nguyền của anh trong một căn nhà nhỏ anh thuê tại số 67 đường Tiểu La, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam trong một buổi sáng mùa đông ướt lạnh…

 nhung-thay-co-giao-dac-biet-khong-dung-tren-buc-giang

Ngôi nhà cấp bốn nhỏ nằm lọt thỏm bên những ngôi nhà cao tầng của con phố sôi động, nhưng đi ngang qua ai cũng phải chú ý vì những tiếng học bài phát ra từ khung cửa sổ bằng sắt đã hoen gỉ vì thời gian. 

Mới dừng lại ngoài cổng, một cậu bé đầu trọc tếu nhanh nhảu chạy ra hỏi: “Chú tìm ai ạ!?” rồi mở chiếc cổng sắt nặng nề mời người khách lạ.

Lớp học cũng là nơi ăn chốn ở của những đứa trẻ tật nguyền có hoàn cảnh hết sức khó khăn, cùng với một thầy giáo mù. Bao nhiêu năm qua, những thân phận ấy như những mảnh vỡ của cuộc đời gắn lại với nhau, cùng dìu nhau sống giữa cuộc đời.

Thầy giáo mù Đặng Ngọc Duy, 33 tuổi, cho biết, 16 cháu ở đây đều tật nguyền với nhiều dị tật khác nhau như khiếm thị, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, đa tật. 

Một người bình thường trông nom những đứa trẻ ấy cũng vô cùng vất vả, nói chi đến một người cũng khuyết tật như anh. Nhưng bằng tình thương, bằng trách nhiệm, bằng sự thông cảm với nỗi đau, những thiệt thòi mà lũ trẻ phải chịu đã khiến một chàng trai khiếm thị như anh vượt lên tất cả.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày