Nghe 2 thầy giáo cực "hot" với teen chia sẻ kỉ niệm ngày 20/11

Bít Tất, Theo Trí Thức Trẻ 14:00 19/11/2013
Chia sẻ

Đã bao giờ bạn thắc mắc, ngày 20/11 đối với các thầy cô giáo có ý nghĩa gì, có kỉ niệm đáng nhớ nào, có mong muốn gì chưa?

Để các bạn có thể hiểu rõ hơn tâm tư và suy nghĩ của thầy cô vào "ngày dành riêng cho mình", chúng ta hãy cùng thực hiện một buổi hỏi ngắn đáp nhanh thông qua các câu hỏi trực tiếp với 2 thầy hiện đang được yêu mến nhất Sài Gòn hiện nay. Đó là thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Thạc sĩ tâm lý hot boy được học sinh, sinh viên cực yêu mến, và thầy Nguyễn Xuân Hiệp - giáo viên bộ môn Thể dục tại trường THPT Mạc Đĩnh Chi được mến mộ với khả năng diễn xuất trên phim ảnh, quảng cáo.

Nghe 2 thầy giáo cực "hot" với teen chia sẻ kỉ niệm ngày 20/11 1
Thầy Xuân Hiệp - ông hoàng quảng cáo và là thầy giáo điển trai được học sinh trường Mạc Đĩnh Chi yêu mến.


Nghe 2 thầy giáo cực "hot" với teen chia sẻ kỉ niệm ngày 20/11 2
Thầy Khắc Hiếu - người thầy hết sức tâm lý và cũng đã quá quen thuộc với các bạn học sinh TP.HCM.

Hoài niệm về thời đi học của các thầy

Kỷ niệm đáng nhớ nhất thời đi học của thầy là gì?

Thầy Khắc Hiếu: Đó là vào một dịp 20/11 thầy cùng đứa bạn đã mang theo một trái đu đủ và bọc mứt dừa đến tặng cho cô. Nhưng không ngờ là quà mình định tặng cho cô cuối cùng lại bị thầy và thằng bạn ăn sạch, đã vậy còn ăn luôn cả nồi cháo gà của cô nấu đãi. Giờ thầy nhớ lại ngượng thấy sợ luôn mà cũng vui vui.

"Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" - câu này có đúng với thầy hồi xưa?

Thầy Khắc Hiếu: Hồi xưa thầy hiền lành, hồn nhiên ngây thơ và trong sáng lắm! Chỉ thỉnh thoảng hay bị vi phạm nội quy thôi (Cười lớn).

Thầy Hiệp: Không phải đúng mà là "rất đúng". Hồi đi học, thầy rất phá phách và ngỗ nghịch, cũng hay chơi mấy trò như tụi học sinh bây giờ. Nhưng bù lại thầy rất được thầy cô mến vì thầy luôn kính trọng thầy cô. Dù giỡn thì thầy cũng chỉ giỡn với bạn bè chứ không dám làm thầy cô của mình buồn hay khó chịu.

Thầy có từng bị thầy cô phạt thời đi học?

Thầy Khắc Hiếu: Liên tục bị trừ điểm thi đua và bị phạt vì chuyên gia ăn vụng trong giờ học. Nhất là thầy hay ăn kẹo viên socola và kẹo bạc hà.

Thầy Hiệp: Rất nhiều lần, từ hình thức chép phạt cho tới bị ăn roi mây, mấy lần thầy còn bị làm kiểm điểm (cười).

Nghe 2 thầy giáo cực "hot" với teen chia sẻ kỉ niệm ngày 20/11 3
Thầy Khắc Hiếu ngày xưa là "vua ăn vụng" ở lớp

Nghe 2 thầy giáo cực "hot" với teen chia sẻ kỉ niệm ngày 20/11 4
Riêng thầy Hiệp thì khá quậy phá và nghịch ngợm hồi học cấp 3.

Hình phạt mà thầy nhớ mãi cho đến bây giờ?

Thầy Khắc Hiếu: Hồi đó thầy làm Liên đội trưởng mà bị đọc tên ngay dưới cột cờ trước mặt cả trường vì cái tội ăn vụng nên… cũng hơi quê quê.

Thầy Hiệp: Nhớ mãi cái năm lớp 7 của thầy bị cô Nga giáo viên chủ nhiệm lấy thước khẽ tay vì quá quậy phá trong lớp. Cô vừa đánh vừa khóc vì thầy quá lì lợm. Còn thầy thì cũng khóc nhưng không phải vì đau mà vì thương cô. Nhờ thế mà sau đó thầy đã bớt quậy hơn đấy.

Thầy nghĩ và làm gì vào "ngày của chính mình"

Theo thầy ý nghĩa của ngày Nhà Giáo Việt Nam là gì?

Thầy Khắc Hiếu: Là ngày để thầy trò cảm ơn nhau. 

Thầy Hiệp: Đây là dịp để những người học sinh cần thể hiện lòng tri ân kính trọng vì đã nuôi dưỡng trí tuệ và tâm hồn mình. Ngược lại, đây là dịp để thầy cô nghĩ về nghề, về học trò, và cảm ơn học trò vì đã luôn giúp mình ý thức được rằng mình là một người thầy, người cô và sống sao cho phù hợp với vị trí ấy.

Hành động/biểu hiện gì theo thầy là ý nghĩa nhất trong ngày này?

Thầy Khắc Hiếu: Về thăm thầy cô cũ.

Thầy Hiệp: Được về thăm lại thầy cô cũ.

Điều đầu tiên thầy nghĩ đến trong ngày 20/11 là gì? Vì sao?

Thầy Khắc Hiếu: Điều đầu tiên thầy nghĩ đến không phải là ai sẽ đến thăm mình hay mình sẽ nhận được gì mà là thầy sẽ đến thăm thầy cô nào và làm sao để thể hiện tình cảm của mình với các thầy cô ấy.

Thầy Hiệp: Thầy muốn sau khi tham dự lễ tại trường sẽ đích thân đến thăm và báo cáo cho thầy cô của mình biết được những thành tích mà bản thân thầy đạt được trong một năm qua. 

Những điều thầy thường làm vào mỗi năm khi đến dịp này?

Thầy Khắc Biếu: Thầy hay đi mua một số chậu hoa tươi và mang đến để thăm và tặng thầy cô cũ của mình.

Thầy Hiệp: Thầy thường dậy thật sớm để chuẩn bị hát trong ngày lễ mỗi năm tại trường.

Thầy có hay về thăm thầy cô cũ của mình vào ngày này không? Đó là ai?

Thầy Khắc Hiếu: Mỗi năm thầy đến một thầy cô khác nhau. Tuy nhiên người thầy đến thường xuyên nhất là cô giáo hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp đại học và cao học của thầy ngày xưa.

Thầy Hiệp: Vì thầy bây giờ cũng làm nghề giáo nên ngày này thầy thường dành trọn vẹn cho học trò của mình. Còn thăm thầy cô cũ thầy thường thăm vào dịp Tết.

Nghe 2 thầy giáo cực "hot" với teen chia sẻ kỉ niệm ngày 20/11 5

Ai đã giúp thầy có quyết tâm theo nghiệp Nhà giáo? Lý do?

Thầy Khắc Hiếu: Mỗi thầy cô đều tiếp cho thầy một ngọn lửa. Riêng cô Mỵ Nương chủ nhiệm năm lớp 8 và thầy Võ Văn Nam giảng dạy thời đại học đã ảnh hưởng đến quyết tâm nhà giáo của thầy khá nhiều. Bởi thời lớp 8, thầy được làm lớp trưởng và cô Mỵ Nương đã có phương pháp chủ nhiệm rất hiện đại, thường xuyên tổ chức đối thoại giữa Ban cán sự và lớp học, tập cho thầy biết bản lĩnh và tự tin hơn. Riêng thầy Nam là người đã dạy thầy những tư tưởng giáo dục tiến bộ và dạy thầy biết xem học sinh là người quan trọng nhất trong lớp học, là “vai chính” còn thầy cô phải là “vai phụ”.

Thầy Hiệp: Đó là Cô Hoàng Dung dạy Văn đồng chủ nhiệm năm 12 của thầy đã nghỉ hưu và cô Nhựt dạy Lý lớp 10. Thầy đã xem 2 cô như người mẹ và là tấm gương cho thầy noi theo trong nghề giáo. Và bởi vì thầy cảm nhận được tình yêu thương học trò của hai cô ấy là rất thật lòng.

Điều khiến thầy tự hào nhất về công việc hiện tại của mình?

Thầy Khắc Hiếu: Thầy tự hào nhất về tình cảm của học sinh dành cho mình. Dù thầy đi trường nào, ở tỉnh nào đi chăng nữa thì cũng có rất nhiều bạn cũng đón tiếp vô cùng nhiệt tình và cực kỳ dễ thương. Ngoài ra, với vai trò là thầy giáo giảng dạy cho các giáo sinh ở trường Sư phạm – đào tạo nên các thầy cô giáo tương lai, rồi các thầy cô này lại về giảng dạy cho các thế hệ học sinh – đó chính là “hiệu ứng lan tỏa” của công việc mà thầy làm.

Thầy Hiệp: Thầy tự hào vì luôn nhận được sự yêu mến và động viên của học trò cũ và mới. Các em rất yêu quý và thần tượng thầy, chính vì vậy mà thầy cần cố gắng nhiều hơn nữa. 

Có điều gì từng khiến thầy lo lắng hoặc buồn nhất không? Vì sao?

Thầy Khắc Hiếu: Thầy buồn nhất là người ta cứ nói cái nghề này nghèo. Mà thực tế thì đâu đến nỗi như vậy.

Thầy Hiệp: Thầy là người may mắn vì đã làm được công việc mà mình yêu thích nên hiện tại thầy rất hạnh phúc.

Nghe 2 thầy giáo cực "hot" với teen chia sẻ kỉ niệm ngày 20/11 6

Nếu được chọn lại một lần nữa, thầy có nghĩ mình sẽ chọn một nghề khác?

Thầy Khắc Hiếu: Thầy sẽ trả lời liền – ngay và lập tức là không, vì chọn nghề giáo là "đăng ký kết hôn" quá đúng rồi nên thầy không có lý do gì để hối hận cả (cười).

Thầy Hiệp: Thầy chẳng có lý do gì phải từ chối hay phải chọn lại cả.

Bí quyết của thầy là gì để được rất nhiều học sinh yêu mến như hiện nay?

Thầy Khắc Hiếu: Thầy không dám nhận là rất nhiều học sinh yêu mến đâu. Nhưng châm ngôn nghề nghiệp của thầy là: Người thầy giáo không chỉ là người đứng trên bục giảng. 

Học trò ngày nay có rất nhiều băn khoăn, cuộc sống có rất nhiều ngõ ngách. Do đó, người thầy có thể hóa thân thành những vai khác nhau để làm chỗ dựa cho trò. Người thầy khi cần thì là một nhà tham vấn tâm lý, khi là một người nghệ sĩ, khi là bác sĩ, khi là một nhà khoa học, khi là một người anh, khi là một người bạn để có thể giúp cho học trò ở nhiều khía cạnh khác nhau. 

Để bắt sóng với trò, mình chọn cách dạy trẻ trung, nói bằng ngôn ngữ xì-tin của các bạn, bằng những phương pháp các bạn thích, bước vào thế giới online của các bạn và cùng chuyện trò như một sư huynh gần gũi.

Thầy Hiệp: Thầy thì chẳng có bí quyết gì cả. Thầy chỉ yêu thương và dạy các em bằng cái tâm của người thầy nên thế nào thầy cũng sẽ nhận lại được lòng yêu mến của các em mà thôi.

Điều thầy muốn nhắn gửi đến các bạn học sinh ngày nay là gì?

Thầy Khắc Hiếu: Thầy muốn nói cảm ơn các em nhân ngày 20/11. Ông bà ta dạy: đứa con dạy người đàn ông làm bố, đứa trẻ dạy người phụ nữ làm mẹ, và giữa thầy với trò cũng thế. Không có các em, thầy cũng chẳng được gọi là thầy. Chính nhờ các em, thầy cô cố gắng chỉnh sửa mình, bỏ bớt các điều chưa tốt để sống sao cho xứng đáng với hai chữ “người thầy”, với tình cảm của các em. 

Xin cảm ơn những người học trò nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam.

Thầy Hiệp: Nhân ngày 20/11 này, thầy muốn nhắn gửi đến các em là hãy cố gắng sống xứng đáng với những gì mà cha mẹ và thầy cô đã chăm sóc và dạy dỗ các em nên người. 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày