Tập làm văn và những bức thư tình
Hai thứ này có liên quan gì tới nhau nhỉ? Ừ thì có cái gì đó gọi là văn chương, lãng mạn, cảm xúc… Thế nhưng với môn Văn thì học sinh chúng mình cứ phải gọi là kêu trời đất, bởi để tạo nên những “tuyệt tác văn học” thì các bạn ấy cứ phải là nghĩ nát óc mà cũng không thể viết được một mặt giấy kiểm tra. Cố gắng lắm mới sang được trang thứ hai, rồi thì chữ vừa to, vừa xấu, chữ cách chữ đến hàng “cây số” để nhìn cho nó được dài dài chút.
Thế nhưng điều ngược lại, các bạn lại có vẻ khá dễ dàng, thoải mái thả hồn sáng tác những bức thư tình với lời văn giàu hình ảnh, cảm xúc, và rất sống động. Ai đọc cũng phải khen hay. Khuôn mặt thì có vẻ rất hào hứng và sung sướng. Ngược lại hoàn toàn với vẻ khổ sở, nhăn nhó khi chúng ta làm bài kiểm tra tập làm văn.
Sự đối nghịch khi thầy cô giáo đặt câu hỏi
Khi thầy cô đặt câu hỏi và “ai có thể trả lời câu hỏi này?” hoặc kiểm tra miệng đầu giờ thì dường như không ai bảo ai đều cúi đầu im lặng, hoặc mắt “giả vờ” chăm chú vào sách. Cả lớp lặng như tờ. Ai cũng hồi hộp xem người bị gọi tên là ai? Cánh tay nào giơ lên? Đôi khi không phải vì các bạn không biết câu hỏi đó mà nó như một kiểu phản xạ có điều kiện của học sinh rồi. Và trong hoàn cảnh như thế này có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với câu nói “cái lớp này hay thật đấy, biết cũng không nói mà không biết cũng không nói.”
Nhưng khi có một “anh hùng” xuất hiện cứu cả lớp hoặc chẳng may một ai “dính chưởng” bị gọi lên trả bài thì ở phía, học sinh chúng mình lại nhao nhao lên “như một cái chợ vỡ”. Học sinh ngồi dưới lại thi nhau nói leo, nhắc bài cho bạn. Đến lúc này thì các thầy cô lại phải “kêu” lên “Cái lớp này hay thật đấy, lúc hỏi thì không ai trả lời, khi bạn đứng lên trả lời thì lại thi nhau nói.”
Kiến thức và giải trí
Rất nhiều bạn học sinh trong chúng ta đã và đang rơi vào hoàn cảnh, vừa học xong môn này, ra chơi xong, vào chẳng nhớ mình đã học cái gì, vừa đọc sách xong chẳng biết mình đã đọc cái gì. Rồi thì bài vừa học lúc sáng nhưng tối về học thuộc để chuẩn bị mai kiểm tra bài cũ mà không hiểu sao học mãi không thuộc, dù cho mình đã cố gắng tập trung lắm lắm, tìm mọi cách mà kiến thức vẫn không thể lọt vào đầu được. Hay như có những bài học thuộc hôm nay xong, đủ để làm bài kiểm tra, mấy hôm sau đó học bài mới, không đọc lại thì sẽ quên mất. Nhiều khi các bạn học sinh không thể nhớ nổi tên các vị vua, triều đại hay diễn biến các trận đánh hào hùng trong lịch sử.
Vậy nhưng, với những bộ phim 1 tập hay dài hàng chục tập thì bạn lại có thể nhớ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Bạn nhớ từng câu, từng chữ nữ diễn viên này đã nói gì với nam chính khi nhân vật nam chính bị tai nạn, khi hai người cãi vã… Bạn có thể kể vanh vách diễn biến từ tập đầu cho tới tập cuối cùng của những bộ phim đã cách đây vài năm. Bạn nhớ nữ diễn viên này đóng những phim gì, trong phim đó, cô ấy có số phận ra sao? Thậm chí bạn có nhớ cả những mốt thời trang ngày đó nữa. Bạn có thể nhớ tên hàng chục ca sĩ Hàn Quốc hay cả một đội tuyển bóng đá, đội đó đã vô địch ở những giải nào…
Có lẽ cái những thứ mà ta bắt buộc phải “thích” thì sẽ không nhớ lâu bằng những thứ ta tự “thích”.
Toán học và tiền bạc
Mới nghe tưởng chừng như hai khái niệm này chẳng có gì liên quan tới nhau cả. Nhưng có một điều khá thú vị là, bạn có thể không biết cách làm một bài toán tính nhanh hay học sinh hiện nay tính nhẩm khá chậm, hoặc một bài giải có bản chất giống với việc mua bán. Có khi bạn loay hoay mãi mới tính ra kết quả một bài toán giải.
Nhưng nếu biến những con số đó thành tiền, chẳng hạn như vẫn là phép tính đó nhưng cho thêm chữ nghìn đồng nữa vào thì bạn lại tính một cách cực kì dễ dàng, thậm chí là còn rất nhanh và rất “thông minh” nữa. Bạn có thể cộng, trừ, nhân, chia tiền thừa thiếu, với những dữ kiện y như trong đề bài của một bài toán giải. Thực là rất liên quan đấy chứ phải không nhỉ?