Nịnh giáo viên
Đặc điểm nhận dạng đầu tiên là những nhân vật mà tần suất ở quanh bàn giáo viên, loanh quanh khu phòng giáo viên rất cao.
Nhắc tới N.M (THPT TP) thì bạn bè cũng phải chào thua vì độ… "trơ" của cậu bạn. Ngồi ở bàn đầu, nhỏ thó và khuôn mặt không nổi bật nhưng hầu như không có giáo viên nào là không biết về M cả. Lợi dụng ưu thế về… "địa lý", nên N.M thường có những lời khen rất “tinh tế” với giáo viên, đặc biệt là các giáo viên nữ. Chẳng hạn như cô dạy Sử tuần trước có một chiếc áo dài mới, lúc cô đứng gần bàn của M cậu ta “vô tình” thốt lên: “Ủa, cái áo dài này giống của cô dạy Tin ghê, mà cô mặc đẹp hơn nhiều!”.
Nịnh bạn bè
Các Hòa thân không chỉ giới hạn ở khu vực xung quanh thầy cô mà còn cả ở những người bạn là trung tâm, là nhân vật cộm cán, là ngôi sao hoặc là người có ảnh hưởng trong lớp nữa. Kiểu này vẫn được các bạn “ngứa mắt, chối tai” gọi là “sống bám”, dựa hơi người khác. Hòa thân kiểu này thường rất ba phải, gió chiều nào xoay chiều ấy. Nhân vật ngôi sao cứ mặc nhiên tỏa sáng, nhân vật phụ cứ hồn nhiên… nịnh nọt.
Hoàng Vân (17t) là bạn thân của Ngọc – 1 ngôi sao sáng của trường, học giỏi, hát hay. Vân cứ kè kè bên cạnh Ngọc, Ngọc mới nói thèm ăn cái gì, chiều đã thấy Vân qua làm tài xế không công chở đi ăn, Ngọc mới nói chưa hết câu, Vân đã chen vào “Ừ, đúng rồi, Vân cũng thấy thế đó”. Dần dà, bạn bè cũng biết đến cái cô bạn cao cao gầy đét hay đi cạnh siêu sao của trường là ai, nhưng với những biệt danh không hay ho cho lắm như là “Vân bọ chét” hay “Vân tầm gửi”.
Nếu các bạn cứ bắt chước giống "Hòa thân" thì sẽ không tốt đâu. (Ảnh minh họa)
Nỗi niềm người trong cuộc
Chúng ta nhìn vào các Hòa thân thì quả thật là rất đáng ghét đúng không nào? Thật không công bằng khi có những người chỉ biết dựa vào những mối quan hệ, xu nịnh và tán dương để thành công, để được người khác chú ý tới. Nhưng đã bao giờ các bạn thử lắng nghe tâm sự của người trong cuộc chưa nhỉ?
N.M chia sẻ: “Tớ cũng không bao giờ nghĩ là mình sẽ trở thành người như thế này. Thật ra do tớ vốn xí trai, lại nhỏ thó, không có gì nổi bật nên tớ chỉ muốn dùng mồm mép để bù lại, để tạo ấn tượng với mọi người là tớ quen nhiều thầy cô. Không ngờ càng lúc càng lấn sâu, càng bị bạn bè ghét bỏ. Được thầy cô nhớ mặt cũng đâu có gì hay, vì điểm chác thì đâu có ăn gian được”.
Chuyện của Vân và Ngọc nói trên cũng kết thúc không hay ho gì cho lắm. Đó là một ngày khi Vân vô tình nghe được mọi người khuyên Ngọc nên cẩn thận với Vân vì cô nàng xu nịnh lắm, Ngọc đã trả lời như tát vào mặt Vân: “Con nhỏ đó nó bu quanh Ngọc chỉ để “hưởng xái” thôi, Ngọc không bao giờ coi nó là bạn thân đâu”. Vân nức nở: “Ít ra bạn cũng phải có lòng tự trọng chứ, mang những biệt danh xấu đã đành giờ lại bị chính Ngọc nói như vậy. Vốn dĩ mình rất sợ lạc lõng, không dám có ý kiến mà cũng không muốn bị tách riêng, nên mới chơi với Ngọc. Không ngờ…”
Hãy nhớ rằng chúng ta đang ở trong độ tuổi vui vẻ, hồn nhiên của thời học sinh. Hãy tự tin khẳng định mình bằng kiến thức và tính cách của bản thân, chứ đừng để một thời học sinh đáng nhớ lại bị vấy bẩn bởi những kí ức không đẹp nhé.