Nhà đồng sáng lập TechElite: Đừng đến giảng đường chỉ để học kiến thức

Saga, Theo Trí Thức Trẻ 08:01 25/06/2015

Sau 2 tháng thử nghiệm, bộ sản phẩm quản lý sự kiện BigTime.vn của TechElite đã trở thành website có truy cập ấn tượng, với nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Thú vị hơn khi biết “ông chủ” của TechElite là một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học.

Tên cậu là Bùi Thành Đô, sinh năm 1991 – tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Viện Đào tạo Quốc tế (SIE) , ĐHBK HN.

Duyên may và sự lựa chọn

Vì yêu thích công nghệ từ nhỏ, Bùi Thành Đô quyết định chọn ĐH Bách Khoa Hà Nội – ngôi trường tiên phong trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ của cả nước, để thực hiện đam mê. Theo lời em kể lại, ban đầu em định thi vào Khoa Công nghệ Thông tin, nhưng trong một lần vào trang thông tin điện tử của ĐH Bách Khoa Hà Nội, em biết đến các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế. “Ở Viện Đào tạo Quốc tế của Trường có nhiều chương trình hợp tác đào tạo ngành công nghệ thông tin, như: chương trình hợp tác với ĐH Bách Khoa Grenoble của Pháp, với ĐH Victoria Wellington của Niu Di Lân hay với ĐH La Trobe của Úc. Được biết đến những chương trình này, với em, là một mối duyên lớn, một cơ hội lớn để em dần thực hiện ước mơ tiếp cận với những nền công nghệ phát triển trên thế giới.Lúc ấy và đến tận bây giờ, mọi việc đều đang chứng minh lựa chọn của em là chính xác” - Bùi Thành đô chia sẻ.

Bùi Thành Đô - Cựu sinh viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội

Trường đại học cho em nhiều hơn là kiến thức

Đô lựa chọn chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin hợp tác với ĐH La Trobe, Úc với mục đích, ngoài học chuyên môn, em sẽ được học tăng cường tiếng Anh, khắc phục điểm yếu của hầu hết “dân kỹ thuật”. Và, hành trình trở thành “Ông chủ” của Đô cứ thế được thực hiện như một lập trình định sẵn.

Khi là sinh viên năm 2, Đô thành lập công ty J.O.B với Trung tâm tiếng Anh cho trẻ em iSpeaking.Sau đó, Đô tham gia vào nhóm ZooStudio –một startup công nghệ với sản phẩm Money Lover được hàng triệu người tải về.Ngoài ra,trong quá trình này, em còn tham gia rất nhiều tổ chức NGO, các CLB về truyền thông để học hỏi thêm kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác, cũng như các cuộc thi về công nghệ của Microsorf và các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học của ĐH Bách Khoa Hà Nội. Đến năm thứ 4, Đô vinh dự trở thành một trong những Đại sứ Công nghệ của Microsorf, rồi được tuyển làm kỹ sư của công ty Seta International, Nhật Bản. Và “song hỷ lâm môn”, vào cuối năm học, Đô vừa đạt thủ khoa điểm Hội đồng Bảo vệ Tốt nghiệp với Đề tài mới lạ “Hệ thống ứng dụng trên Windows 8 đồng bộ với Office 365”, vừa cùng một số bạn từng học tập và làm việc ở Stanford, Google, M.I.T chính thức xây dựng công ty công nghệ TechElite với sản phẩm Hệ thống Quản lý Sự kiện Trực tuyến BigTime.vn.

Bùi Thành Đô (đứng thứ 2 từ trái sang) tại Diễn đàn “Cạnh tranh toàn cầu và hướng đi cho người khởi nghiệp”

Đô tâm sự: “Để trở thành người sáng lập và Giám đốc hoạt động của một công ty công nghệ như TechElite hiện nay, em thực sự biết ơn môi trường em đã học tập. Ở đó, các thầy cô không chỉ cung cấp cho em những kiến thức về việc làm ra các sản phẩm công nghệ. Họ biết cách nuôi lớn đam mê của mỗi sinh viên chúng em, biết làm cho chúng em tin là mình có thể làm được bất cứ điều gì, chỉ cần mình kiên định với mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, việc học tập và làm việc với các chuyên gia nước ngoài một cách định kỳ cũng giúp chúng em nâng cao ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như: kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, tổ chức…”.

Đại sứ Công nghệ Microsoft Bùi Thành Đô đang thuyết trình

Đô cũng chia sẻ thêm: “Các bạn sinh viên hiện đại cần chủ động hơn nữa trong việc học, không nên đến lớp chỉ đơn thuần là để tiếp nhận kiến thức. Việc học tập kinh nghiệm từ thầy cô, bạn bè hay mở rộng mối quan hệ với cộng đồng sinh viên cũng rất cần thiết. Ngoài ra, sinh viên, đặc biệt là sinh viên công nghệ, đôi lúc cần “liều lĩnh” thử nghiệm bản thân với những dự án khởi nghiệp hoặc làm thêm để có cơ hội thực tập, cọ sát. Dũ có vấp ngã hay thất bại thì đều là thành công vì sẽ học được nhiều điều bổ ích, sau khi ra trường sẽ trưởng thành hơn.”

Thông tin thêm về Viện Đào tạo Quốc tế:

Qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Viện Viện Đào tạo Quốc tế với chức năng là đơn vị tổ chức và quản lý các chương trình liên kết đào tạo quốc tế của Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, đã trở thành cơ sở đào tạo hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực liên kết đào tạo quốc tế bậc đại học và sau đại học và trở thành đối tác tin cậy của nhiều trường đại học uy tín trên thế giới.

Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Đào tạo Quốc tế (năm 2013).

Viện ĐTQT đã và đang triển khai hàng chục chương trình liên kết đào tạo bậc đại học và sau đại học với các trường đại học có uy tín của CHLB Đức, Hoa Kỳ, LB Nga, Nhật Bản, New Zealand, CH Pháp, Úc, Séc… đào tạo các chuyên ngành Cơ khí, Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Khoa học máy tính, Kỹ thuật cơ điện tử, Quản trị kinh doanh, Tài chính-Ngân hàng… Các chương trình và khóa học do Viện tổ chức đáp ứng yêu cầu của nhiều tổ chức kiểm định quốc tế về chất lượng đào tạo.

Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy tại Viện ĐTQT là các giảng viên của trường đại học đối tác nước ngoài, trường đại học Bách Khoa Hà Nội và giảng viên thỉnh giảng trong nước và quốc tế. Các giảng viên đều có trình độ chuyên môn cao, thông thạo ngoại ngữ và đáp ứng các yêu cầu của trường đối tác nước ngoài và của trường đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trong thời gian qua, đã có gần 4.000 sinh viên và học viên theo học tại Viện ĐTQT, trong đó đã có gần 300 sinh viên chuyển tiếp sang trường đối tác và hơn 2.000 cử nhân, 300 thạc sỹ đã tốt nghiệp. Các cử nhân, thạc sỹ đã tốt nghiệp tại Viện ĐTQT đang công tác tại nhiều lĩnh vực như các trường đại học, các bộ, ban, ngành của Chính phủ, các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước, một số tiếp tục theo học bậc Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ tại các trường đối tác.