Đủ kiểu đi thực tập của sinh viên

Quỳnh Trang, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 14/12/2014
Chia sẻ

Kỳ thực tập là cơ hội thử nghề, rèn nghề vô giá của nhiều sinh viên, nhưng cũng là “kỳ nghỉ” dài hạn của nhiều sinh viên khác.

Cơ hội rèn nghề

Ở hầu hết trường đại học, cao đẳng đều cho phép các sinh viên năm cuối đi thực tập trong thời gian khá dài từ 2-3 tháng. Các sinh viên được nhà trường phân công về cơ quan thực tập, hoặc tự liên hệ cơ quan thực tập từ trước đó 1-2 tháng. Bắt đầu đi thực tập, đa số sinh viên đều cảm thấy khó khăn, bỡ ngỡ với công việc mới của mình.

Thanh Thúy (sinh viên ĐH Ngoại thương) chia sẻ: “Mình chọn đi thực tập tại một công ty kiểm toán. Dù đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng mình cũng không nghĩ là công việc khó, cần căng thẳng và tỉ mỉ như vậy. Trong 3 tháng thực tập, mình đã phải đi thu thập, xử lý số liệu ở 9 tỉnh thành, trong đó có 3 tỉnh ở Đông Nam Bộ. Tuy công việc vất vả, nhưng sau kỳ thực tập mình đã chính thức được ký hợp đồng làm việc ở công ty.”

Đủ kiểu đi thực tập của sinh viên 1

Minh Trang (sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) lại chọn thực tập ở một Đài Truyền hình. “Trong hơn 3 tháng thực tập, hầu như ngày nào mình cũng phải đi ghi hình tại các địa điểm khác nhau trong và ngoài thành phố. Thời gian di chuyển và làm việc nhiều khiến mình hiểu và thấm thía rất nhiều về nghề nghiệp mình đã chọn và sẽ làm trong tương lai. Lúc đầu mình cảm thấy rất khó khăn và áp lực, nhưng sau đó mình cũng quen dần. Khoảng thời gian thực tập đã mang lại cho mình và các bạn cùng lớp những điều mà sinh viên ngồi trên ghế nhà trường không thể biết và hiểu được.” 

Sau thời gian thực tập, bằng sự cần cù, chăm chỉ và năng lực cá nhân, nhiều bạn sinh viên năm cuối đã được nhận vào làm tại chính cơ quan mà mình chọn thực tập. Đây cũng là thành quả cho những năm tháng rèn nghề của các bạn.

Nhưng cũng là cơ hội “nghỉ ngơi”

Tuy nhiên, bên cạnh những bạn sinh viên đang trầy trật học nghề, rèn nghề thì cũng có không ít những bạn sinh viên xin được thực tập ở chỗ người quen hoặc người nhà và coi kỳ thực tập của mình là “thời gian nghỉ dưỡng” hoặc tranh thủ đi làm thêm, học thêm.

Minh Nguyệt ( SV ĐH Công đoàn) chia sẻ: “Mình may mắn xin thực tập tại một công ty của người quen. Trong thời gian thực tập, mình ở lại thành phố để học thêm tiếng Nhật và tranh thủ làm thêm tại 1 quán café. Hết thời gian thực tập thì mình chỉ đến xin dấu vào “báo cáo thực tập” là xong.”

Đủ kiểu đi thực tập của sinh viên 2

Thu Hương (SV ĐH Thăng Long) cho biết: “Mình học kế toán nên cũng khá khó xin thực tập ở các công ty. Phần nhiều các nhân viên ở công ty rất bận, họ không có thời gian cầm tay chỉ việc cho mình, hơn nữa họ không muốn tiết lộ, cung cấp số liệu thực của công ty cho mình làm. Nên trong kỳ thực tập, mình đã về quê “nghỉ dưỡng” 2 tháng”.

Với nhiều bạn sinh viên, kỳ thực tập là cơ hội rèn nghề, cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm trong tương lai, tuy nhiên, với một số khác, kỳ thực tập lại là kỳ “nghỉ dưỡng” hoặc làm quen với công việc một cách “cưỡi ngựa xem hoa”. Tất cả các sinh viên đi thực tập đều có được cơ hội như nhau, quan trọng nhất vẫn là sự cố gắng và nỗ lực của mỗi người. 

Thời gian luôn là vô giá với bất cứ ai và trong bất cứ trường hợp nào. Vì vậy, hãy đừng lãng phí thời gian và cơ hội của mình.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày