Dự định tương lai
Đối với cấp ba: Khi đó bạn đang miệt mài ôn thi, lịch học kín mít từ sáng cho đến chiều tối, ước mơ vào Đại học luôn cháy bùng trong tâm trí. Lúc này bạn vẽ ra rất nhiều dự định cho tương lai, học trường gì, thi khoa nào, sau này tốt nghiệp làm gì, những hoạt động cực oách mà mình sẽ tham gia… Bạn thấy mình tràn đầy nhiệt huyết và cố gắng không ngừng nghỉ về tương lai tươi sáng sau này.
Lên đến Đại học: Sau khi học Đại học một thời gian bạn bắt đầu giật mình về tương lai và lý tưởng sống của mình. Có lẽ bạn đang mất phương hướng ở những năm tháng tuổi 20, bạn không chắc chắn về thứ mình đang học và tương lai sau này. Nhìn ra xung quanh, bạn thấy hoảng hốt vì mình chưa làm được gì trong khi thời gian cứ vùn vụt trôi, khi được hỏi dự định trong 2 đến 3 năm tới là gì, bạn suy nghĩ và trả lời “không biết”.
Cạnh tranh học tập
Đối với cấp ba: Bạn thấy mình học thế nào cũng vẫn chưa đủ và luôn có cuộc cạnh tranh ngầm về kết quả học tập đối với những đứa bạn cùng lớp. Bạn một lòng chăm chỉ học tập để có kết quả vượt trội, để vào được Đại học hoặc có một bộ hồ sơ đẹp để đi du học. Lúc này bạn chỉ muốn mình thật giỏi hơn hẳn những đứa khác cả ở lớp học thêm cũng như học chính.
Lên đến Đại học: Vào được Đại học rồi bạn tự cho phép mình một khoảng thời nghỉ ngơi xả láng sau những tháng ngày ôn luyện vất vả. Bạn không còn quan trọng việc giữ thành tích cao nhất như trước nữa, miễn làm sao không phải thi lại, nợ môn hay học vét là ổn đối với bạn rồi.
Bạn bè
Đối với cấp ba: Bạn luôn có 1 đến 2 người bạn thân thiết làm gì cũng có nhau và chia sẻ mọi chuyện. Những người bạn này thường là làm quen lúc đầu năm hoặc đã biết nhau từ cấp hai và học chung lên đến hết cấp ba.
Lên đến Đại học: Mối quan hệ bạn bè của bạn được mở rộng hơn nữa, lần này bạn sẽ gặp được những người bạn thú vị đến từ khắp nơi trên đất nước, thậm chí là có một số trường có sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, cũng có những người thấy lên Đại học khó tìm được bạn hơn và tình bạn cũng trở nên phức tạp hơn.
Các mối quan hệ xã hội
Đối với cấp ba: Thời gian này bạn lấy việc học hàng đầu và cũng chưa hiểu “quan hệ xã hội” là gì. Các mối quan hệ thân thiết nhất là bạn bè, thầy cô ở lớp hay những chỗ dạy học thêm.
Lên đến Đại học: Ở Đại học bạn có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, bạn có thể vừa cân bằng việc học lẫn việc làm thêm hay các hoạt động ở trường. Lúc này bạn sẽ chủ động đi tìm những cơ hội khác đến với mình thay vì chờ đợi như trước.
Tự lập
Đối với cấp ba: Bạn vẫn còn đang phụ thuộc vào bố mẹ rất nhiều thứ và chỉ biết một việc duy nhất là học. Mọi việc đều đã có cha mẹ lo lắng hoặc thầy cô giảng giải, giúp đỡ.
Lên đến Đại học: Đây là một bước ngoặt lớn. Lần đầu tiên bạn phải xa gia đình đến một nơi xa lạ, tự mình lo và xoay xở tìm chỗ ở, tính toán những khoản chi tiêu hàng tháng, những công việc phát sinh hàng ngày. Có những bạn còn đi làm thêm để có thêm thu nhập trang trải. Ngay cả việc học bạn cũng phải tự mình cố gắng, không còn chuyện được chỉ bảo tỉ mỉ như hồi cấp 3, bạn phải tự mình đăng kí môn học, tự ôn luyện để đi thi, không thể chờ đợi người khác giục giã, nhắc nhở được. Nếu không chỉ còn cách thi lại với nợ môn mà thôi.