Điểm số có quá quan trọng?

Zet, Theo 00:00 01/05/2011
Chia sẻ

Và nhiều bạn vẫn luôn đặt nó làm tiêu chí hàng đầu!

Hiện nay, tình trạng chạy đua theo thành tích điểm số không phải quá lạ lẫm. Từ học sinh, sinh viên đều có xu hướng đề cao về việc này. Khi hỏi thăm ý kiến mọi người, không ít lần nhận được những ánh nhìn “khó hiểu” của người xung quanh. Các bạn í cho rằng chúng tớ “giỡn chơi” nên mới hỏi những chuyện “rõ rành rành” như thế (?!)

Ngàn vạn lý do được đưa ra

Điểm số là cơ sở cho người khác đánh giá mình. Bạn M. Nhật (THCS Quang Trung – Lâm Đồng) chia sẻ: “Khi đạt điểm cao mình sẽ được bạn bè nể trọng, thầy cô yêu mến hơn. Ai mà không muốn như vậy? Phải cố đạt điểm cao chứ!”

Cách hữu hiệu để đặt mục tiêu phấn đấu cho bản thân, bạn L. Duy (THPT Bảo Lộc– Lâm Đồng) bộc bạch: “Điểm số là cách để đặt mục tiêu cho bản thân. Phải có một định mức nào đó, giống như bán hàng cũng cần có doanh số phải đạt được hàng tháng thôi!”



Nhiều bạn khác kỳ vọng vào điểm số vì một số tác nhân kích thích và điểm là thước đo. Hầu hết là những “giải thưởng” bố mẹ treo lên. Chẳng hạn như bạn T. Thảo (ĐH Marketing – TP HCM) thật thà: “Bố mình ra chỉ tiêu là 7.0 sẽ cho mình chuyến du lịch Singapore. Mình chưa được ra nước ngoài bao giờ, rất háo hức, nên phải cố thôi!”

Theo thầy Nguyễn Anh Trang (giáo viên trường THPT Bảo Lộc – Lâm Đồng), nhiều phụ huynh học sinh quá kỳ vọng vào con cái nên vô tình tạo ra áp lực cho các em phải đạt điểm cao. “Sau mỗi giờ họp phụ huynh để thông báo kết quả học kỳ của các em, tôi nhận thấy rõ sự hoan hỉ ra mặt của những vị phụ huynh có con cái đạt kết quả cao. Con cái được họ đưa ra để so kè.” thầy Trang kể.

Ngược lại, cũng không ít bạn cho rằng chạy đua theo thành tích, câu nệ chuyện điểm số dễ khiến chúng ta quên đi cái mục tiêu chính yếu của việc học là phải đi đôi với hành. 

Một bảng điểm cao chưa chắc tỉ lệ thuận với kỹ năng giỏi trên thực tế. Và một vài điểm số thấp cũng không hẳn là kém cỏi, bỏ đi. Chị V. Uyên (Cựu sinh viên ĐH Khoa Học Tự Nhiên – TP HCM) cho biết: “Công ty mình cũng gặp nhiều trường hợp nhận sinh viên có hồ sơ và bảng điểm khá tốt. Nhưng rồi thất vọng, vì làm không được việc gì, dù đã được chỉ dạy cả nửa năm trời! Mình không hiểu vì sao các bạn đó được điểm cao!?” 

Chương trình học quá nhiều môn, không thể nào nhớ hết một lượng kiến thức khổng lồ như vậy. Bạn H. Vân (ĐH Văn Lang – TP HCM) nhận định: “Môn nào học xong, thi xong mình cũng quên gần phân nửa. Học kỳ sau lại học thêm một đống môn khác, thì coi như phần kiến thức còn lại của mấy môn trước cũng biến mất luôn.”



Giống như Vân, Vy (ĐH RMIT TP HCM) cũng cho rằng: “Khi đi làm, bạn hoàn thành dự án cũng có bao giờ được xếp cho điểm đâu, nhưng người ta vẫn đánh giá được năng lực củ mình đấy thôi! Chủ yếu là năng lực, kỹ năng của mình.”

Th.s Nguyễn Hoài Ân, chủ khảo các kỳ thi IELTS tại Việt Nam, làm việc tại Trung tâm Anh ngữ Hội Đồng Anh khi được chúng tớ hỏi về việc “Điểm số có quan trọng không?” đã hỏi lại chúng tớ: “Khi bạn được bao nhiêu điểm thì bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc? Hay bạn chỉ hạnh phúc khi thấy “hơn” bạn mình, được đứng đầu? Nếu như vậy thì cái bạn muốn không còn là điểm, mà là ánh hào quang” thay câu trả lời.

Ân nhận định: “Điểm số không phải hoàn toàn vô dụng, nhưng nó phải áp dụng đúng. Vì thực tế cho thấy, điểm kém không phải là anh kém cỏi, mà chỉ là chưa hoàn hảo. Chưa hoàn hảo thì vẫn có thể thành công. Vấn đề là anh đã cố gắng hết sức để làm, nên không có gì phải hối tiếc hay chán nản vì kết quả đạt được. Anh luôn có cơ hội để hoàn thiện bản thân miễn là anh vẫn còn niềm tin.”
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày