Bi kịch điểm phẩy cao, vẫn trượt đại học như thường

Duyên Lê, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 10/04/2013

Lúc còn học phổ thông, việc luôn nằm trong top của lớp khiến không ít bạn nghĩ rằng điểm số là tất cả và kiểu gì mình cũng sẽ đỗ đại học.

Không thể chấp nhận điểm 6

Kết thúc năm học 12, điểm trung bình của Thảo Ly là 8,9. Ly buồn thiu vì chỉ thiếu 0,1 nữa là học bạ của mình sẽ đẹp như mơ rồi! Ly suy nghĩ rất nhiều đến việc sẽ xin thầy cô cho làm bài kiểm tra lại nhằm gỡ điểm lên, nhưng thầy cô thường chỉ cho gỡ điểm của những bạn bị điểm kém. Ly ấm ức mãi. 

Trước kì thi tốt nghiệp, Ly đặt mục tiêu phải từ 50 điểm trở lên và chắc chắn phải là bằng loại giỏi. Thế là Ly lao vào học ngày học đêm. Môn Văn là môn khó xơi nhất nên Ly gạo bài ro ro. Những tưởng kết quả sẽ như mong đợi, nhưng Ly rất bàng hoàng khi nhìn kết quả. Tổng điểm của Ly là 52 nhưng môn Văn chỉ có 6.0 và kết quả là bằng tốt nghiệp của Ly loại Khá. Ly thật sự bị choáng váng, đến khi trở về nhà với một tâm trạng của kẻ bại trận. Ly ức vô cùng khi bao nhiêu đứa bạn học không trội bằng tôi, điểm thấp hơn tôi nhưng được xếp loại Giỏi hẳn hoi!

Bi kịch điểm phẩy cao, vẫn trượt đại học như thường 1

Nhất quyết đòi “đổi” điểm số

Ba ngày sau Ly vẫn không thể phục hồi sau cú sốc điểm 6. Ly quyết tâm đi "đòi" đổi điểm, rồi dò đáp án của Bộ Giáo dục - Đào tạo về môn Văn. Thực sự, bài làm cùa Ly chỉ diễn đạt khác ý trong đáp án thôi chứ nội dung vẫn giống. Ly tức tốc sang nhà cô giáo dạy Văn để tìm hiểu nhưng cô lại đi công tác xa. Ly đành tiu nghỉu về nhà, tự mình nghiên cứu và quyết định viết đơn xin phúc khảo điểm môn Văn của mình.

Thời điểm ấy, bạn bè của Ly tập trung ôn tập cho ba môn thi Đại học thì Ly lại ngồi cặm cụi mầy mò những cách diễn đạt của môn Văn. Ly quyết tâm chỉ "nghiên cứu" trong 1 tuần thôi và 2 tuần sau sẽ ôn tập lại bình thường. Nhưng khi bắt đầu ôn tập lại các môn Toán, Lý, Hóa, Ly lại không thể nào tập trung được hoàn toàn. Ly luôn bị phân tâm rằng: mình đã bị thất bại và đó là một nỗi sỉ nhục lớn nhất trong cuộc đời đi học. Ly lo lắng không biết điểm môn Văn phúc khảo thì có nhích lên được tí nào không! Chính vì vậy mà dành 3 tiếng đồng hồ để giải một đề Toán, Ly chẳng thể hoàn thành xong câu đầu tiên là khảo sát hàm số, đầu óc cứ nghĩ mông lung. Lúc ấy Ly nghĩ rằng, chắc vào phòng thi, mọi thứ sẽ ổn thôi mà! 

Đánh đổi 12 năm học quý giá

Kì thi Đại học rồi cũng diễn ra. Ly thật sự lo lắng vì gần một tháng vừa rồi chỉ tập trung vào việc phúc khảo điểm tốt nghiệp. Ly đã vượt qua kì thi Đại học không phải với một tâm lý thở phào nhẹ nhõm mà là sự lo lắng. Nỗi lo chồng chất nỗi lo khi môn Toán Ly làm bài không ổn lắm, còn Lý - Hóa thì dò trắc nghiệm được chừng 8 điểm/1 môn.

Bi kịch điểm phẩy cao, vẫn trượt đại học như thường 2

Mất ngủ trằn trọc nhiều đêm trong tháng chờ kết quả, cuối cùng, điểm phúc khảo môn Văn tốt nghiệp của Ly đã được cải thiện thành 7,0 và cô bạn có thể nhận bằng loại Giỏi. Nhưng điểm thi Đại học của Ly với môn Toán chỉ 6,5 điểm. Cô nàng ngồi bệt xuống đất khi xem điểm thi rồi khóc nức nở cả ngày sau đó. Và kết quả Ly nhận được là 22,5 điểm trong khi điểm chuẩn vào trường là 23,5. 

Đừng bao giờ “thần tượng hóa” điểm số

Ly tâm sự rằng mình đã rút ra được điều ấy sau thất bại. Cô nàng nhận ra mình bị ám ảnh vì điểm số chẳng phải vì ham học, thích tranh luận mà chỉ là để thỏa mãn tính tự kiêu, hiếu thắng của chính mình mà thôi. Lo lắng quá nhiều về điểm số chỉ khiến bản thân stress và dễ quỵ ngã khi thất bại. Và chính điều đó đã khiến Ly nhận một bài học rất đắt.