Bạn có biết hơn 80% học sinh không cảm thấy hứng thú với môn Lịch sử và cho là môn khó nuốt nhất. Trong các kì thi Đại học, môn Lịch sử là môn thấp điểm nhất. Thậm chí vào kì thi Đại học 2011 có hơn 90% bài thi môn Lịch sử dưới điểm trung bình. Vậy làm sao để chúng ta có thể học thật tốt môn Lịch sử. Bài viết này có thể sẽ giúp bạn giải quyết được một vài vấn đề.
Điều cần nhất khi học môn Lịch sử là phải có hứng thú và yêu thích môn học. Ngoài ra còn cần có những phương pháp học sáng tạo mới lạ, không nên áp dụng phương pháp học vẹt vì nó không những không tạo cho bạn hứng thú mà càng làm cho bạn không nhớ nổi những kiến thức cần thiết.
Sơ đồ tư duy là một trong những cách để bạn học
môn Lịch sử dễ dàng. Không ai ngăn bạn chép tất tần tật những gì giáo viên
giảng dạy vào vở. Nhưng bạn có biết nếu làm thế thì bạn sẽ càng ngao ngán khi
nhìn vào quyển vở và mình đảm bảo là bạn chẳng thèm đụng đến nó.
Áp dụng từ lý thuyết chuyển vào cuộc sống thực tế. Điều này có nghĩa là, bạn có thể trực tiếp vào các viện bảo tàng, trung tâm trưng bày để có thể xem tận mắt, sờ tận tay từ những sự kiện lịch sử. Và việc bạn được các hướng dẫn viên hướng dẫn, giải thích chắc chắn sẽ thú vị hơn là việc bạn ngồi một chỗ nhìn chằm chằm vào quyển sách một cách nhàm chán. Với cách học này, bạn hoàn toàn có thể ghi nhớ rất lâu và dễ "thấm" vào não, mà chẳng cần phải ngồi đọc tới đọc lui vừa mất thời gian mà lại không mấy hiệu quả.
Cách học này thật sự đã được rất nhiều bạn học sinh áp dụng.
Sơ đồ tia là phương pháp được khuyên sử dụng khi khái quát các sự kiện của một giai đoạn lịch sử dài. Sơ đồ trung tâm với các nhánh thì hợp hơn để ghi nhớ chi tiết từng sự kiện lịch sử riêng biệt. Còn các bảng sẽ giúp teen trong việc kiểm tra kiến thức về hoàn cảnh, diễn biến, kết quả, ý nghĩa… từng sự kiện trong một chuỗi các sự kiện lịch sử. Quan trọng là các bảng và sơ đồ ngắn gọn, trực quan, đảm bảo trông dễ thương hơn nhiều so với những trang giấy đầy chữ trong sách giáo khoa. Và tự tay mình vẽ ra, cũng thấy yêu yêu hơn tẹo, và thế nào chả thuộc nhanh hơn cơ chứ!
Khi học bài, bạn không nên học vẹt, thuộc từng câu từng chữ mà nên rút ra những ý chính, đúc kết thành những câu ngắn gọn để bạn dễ học hơn.
Tích cực phát biểu cũng sẽ giúp bạn học môn Sử được tốt hơn, bởi khi phát biểu cũng đồng nghĩa với việc bạn xem câu trả lời 1 lần, khi nói 1 lần là 2 lần… Cứ tích cực phát biểu thì bạn sẽ nhanh nhớ bài hơn. Tránh việc ngồi học thụ động bởi nó sẽ làm cho tiết học càng nặng nề và bạn càng chán học hơn.
Học theo nhóm cũng là một phương pháp không tồi, bạn có thể lập ra một nhóm học khoảng 4 đến 6 người học cùng nhau, sau đó tự dò bài và đặt câu hỏi cho nhau, hãy tạo ra không khí vui vẻ để học dễ dàng hơn. Nhưng nhớ tránh việc lợi dụng họp nhóm để tám nhé.
Đôi khi những chi tiết nhỏ trong bài bạn không nhớ cũng không sao nhưng các sự kiện quan trọng thì phải nhớ đúng ngày tháng năm của nó. Các sự kiện nhỏ, không quan trọng có thể chỉ cần nhớ tháng và năm, hoặc các trận đánh chỉ có duy nhất 1 lần thì nhớ năm thôi cũng được.
Khi hỏi một số bạn giỏi Sử, thì được biết là ngoài học trong sách vở, các bạn ấy còn xem những clip lịch sử hay bộ phim lịch sử trên internet, vừa giúp bạn giải trí vừa giúp bạn có được kiến thức.