Vậy từ nay bạn hãy nhớ thật kỹ 5 mốc vàng dưới đây:
1. Hiểu đề
Đây là bước rất quan trọng để các “sỹ tử” chuẩn bị lâm trận chiến đấu, thế nhưng vì một lý do nào đó mà không ít bạn chỉ nhìn hời hợt, vừa lướt qua đề đã vội vàng "chém" luôn. Đó chính là lý do khiến nhiều bạn lâm vào cảnh dở khóc, dở cười, tá hỏa sau khi làm xong bài thi một cách ngon lành rồi ngó lại đề thi “xanh mặt” vì làm sai đề.
Đề thi Sử có nhiều dạng: ngoài dạng đề đi thẳng vào vấn đề, còn có những dạng đề mang tính chất đánh đố, những dạng đề đố mẹo nếu bạn không đọc kỹ sẽ rất dễ mắc bẫy và làm bài bị lạc đề ngay.
Do vậy, hãy thật bình tĩnh và dành ra khoảng thời gian vừa đủ để đọc và nghiên cứu đề bài thật kỹ vì hiểu sai đề đồng nghĩa với việc “sai một ly đi một dặm”.
2. Dựng khung
Hãy đừng quên gạch ra nháp thật đầy đủ những ý trong câu trả lời, vì bạn rất dễ mắc vào tình trạng chủ quan, cho rằng: câu này mình học nhiều lắm rồi, thuộc lắm rồi và cứ thế mà lôi ra “chém” thôi. Không đơn giản như vậy, khi bước vào kỳ thi bạn sẽ phải chịu những áp lực nhất định và đôi khi chỉ cần “một cái dậm chân” của giám thị thôi thì chữ nghĩa trong đầu bạn cũng chạy đi đâu mất.
Do vậy, hãy ghi ra nháp và lướt qua một lượt, làm như vậy bạn sẽ không lo bị thiếu ý trong bài viết và đương nhiên bạn sẽ không bị mất điểm “oan” vì cái tội “nhanh quá” của mình.
3. Cắm chốt
Đây là thao tác quan trọng tiếp theo sau khi bạn đã dựng khung lên các ý của câu trả lời. Bạn cần phải gạch chân các sự kiện quan trọng nhất, các chi tiết đắt nhất của sự kiện, vấn đề mà câu hỏi hướng tới để triển khai đầy đủ, sâu hơn trong phần trả lời của mình. Điều này giúp bạn tránh được tình trạng “vừa thiếu, lại vừa thừa” : thiếu những thông tin quan trọng, trong khi đó các thông tin mang tính chất “minh họa” lại dài dằng dặc.
4. Viết sạch
Hãy hạn chế tối đa những lỗi như: tẩy xóa, mực dính lem nhem, giấy kiểm tra nhăn nheo,.. trong bài làm của bạn vì những lỗi đó sẽ khiến “tác phẩm” của bạn mất thiện cảm với giám khảo chấm bài.
Trình bày các ý rõ ràng, nếu cần thiết có thể gạch đầu dòng hoặc đánh số thứ tự và tránh tình trạng viết một câu/khổ quá dài vì như vậy sẽ khiến giám khảo rất mệt mỏi: vừa đọc hết hơi, lại phải vừa tìm từng ý trong bài của bạn.
Bài viết phải cân đối, tránh tình trạng phần đầu “hăng viết” quá, bạn viết rất dài; song đến phần sau thì bị “đuối” và không đảm bảo về ý.
5. Đọc lại
Sau khi làm bài xong xuôi, hãy đọc lại bài một lượt và sửa chữa các lỗi về chính tả, câu cú, đặc biệt dò xem mình còn thiếu ý nào không để bổ sung thêm. Nếu bạn nắm chắc và tuần tự thực hiện nghiêm túc 5 mốc vàng trên thì chắc chắn bạn sẽ cải thiện được điểm số trong các lần kiểm tra môn Sử.