Rao học thuê như ở… chợ
“Bạn là người bận rộn trong công việc, bạn muốn có một kết quả học tập tốt hơn. Hãy đến với chúng tôi, đội ngũ học hộ từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, giá cả hợp lý…” Đấy là một trong những quảng cáo cho dịch vụ học hộ, học thuê được đăng tải công khai trên Internet.
Lần theo số điện thoại đăng tải công khai trên mạng, chúng tôi vờ đăng ký học thêm cho một sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (quận 4, TP.HCM). Đầu dây bên kia là một phụ nữ nói giọng miền Nam. Chủ nhân số điện thoại cần hai bạn gái, một bạn trai học và thi giúp các môn Chính trị, Tin học văn phòng. Người đăng ký chỉ việc đến trường, sẽ có người hướng dẫn vào học cũng như điểm danh giúp. Giá cả cho việc học này là 80.000 đồng/ buổi học. Ngay sau khi đăng tin này, chủ nhân số điện thoại đã tìm ngay được người học thay vì số lượng đăng ký rất lớn.
Theo một số điện thoại khác, chúng tôi tiếp tục liên hệ với người đăng tin thuê học đang có nhu cầu tìm một bạn nữ có thể học và thi môn Kế toán tài chính 3 ở 422 Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Người học thuê sẽ phải học vào các tối thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần với mức thù lao 1,2 triệu đồng/ tháng. Người đăng tin thuê học cũng là một phụ nữ. Cô cho biết: “Hiện mình đã tìm được người học giùm vì tháng này mình rất bận, không thể đến lớp được”. Và khi lần theo địa chỉ này, chúng tôi nhận thấy đây là một trong những cơ sở đào tạo của Trường ĐH Mở TP.HCM.
Không chỉ có các trường hợp trên, chỉ cần gõ cụm từ “nhận học thuê” trên trang tìm kiếm Google, sẽ có hàng nghìn kết quả với các trang thông tin chào mời, có các số điện thoại liên hệ cụ thể, công khai. Có trang còn quảng cáo rất bắt mắt, với đủ thông tin từ người “mua” đến kẻ “bán” như: “Em nhờ quản trị trang và các anh chị giúp đỡ em. Em sẽ nhận học hộ các anh vào buổi sáng, chiều, tối ở Hà Nội, kể cả trời nắng hay mưa. Giá cả hợp lý, điểm danh đầy đủ, đúng giờ, cũng như học hộ lâu dài. Vì em có xe máy nên đi lại cũng thuận tiện. Em tên L, ở Ngã Tư Sở (Hà Nội). Số điện thoại của em là: 0983073xxx…; “Mình cần một bạn nữ thi hộ Toán cao cấp 1 (toán cho các nhà kinh tế 1 – ĐH Kinh tế quốc dân) vào ngày 7/1. Mình cần ít nhất 6 điểm để qua. Bạn nào thi được thì cho mình số điện thoại để liên lạc”…
Đình chỉ một năm nếu thi hộ
Theo bà Thu Hường (Phòng Đào tạo, Trường ĐH Dân lập Hòa Bình), cuối năm là giai đoạn kiểm tra học kỳ của các trường nhưng một số người học do mải mê công việc cuối năm, hoặc một số sinh viên đi làm thêm,… nên dịch vụ thuê người học rầm rộ hơn. Tuy nhiên, nếu các trường quản lý chặt thì khó xảy ra tình trạng học hộ vì nếu học theo tín chỉ, các lớp học chung với nhau thì ban cán sự của lớp ấy đương nhiên phải biết danh sách lớp mình gồm những ai để báo cáo với giáo viên.
Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM chia sẻ: “Đúng là có hiện tượng học và thi hộ ở một số trường. Đặc biệt, với những sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, thường có thi đầu ra môn Ngoại ngữ, Ở môn này, có khi cả nghìn sinh viên thi cùng lúc nên sẽ có trường hợp thi hộ trà trộn vào. Riêng ở Trường ĐH Nông lâm, việc thi hộ được xử lý liên tục bằng cách mời công an vào cuộc. Hầu như năm nào, nhà trường cũng “tóm” được vài ba trường hợp thi hộ. Những trường hợp này sẽ bị đình chỉ học một năm. Vì vậy, sinh viên tuyệt đối không thi hộ hoặc học hộ”.
Đánh giá về việc học và thi hộ dễ xảy ra do hiện nay sinh viên được đào tạo theo tín chỉ, ông Huỳnh Thanh Hùng cho biết, trong suốt quá trình học, sinh viên được quản lý theo mã sinh viên. Ở các giờ lên lớp, giáo viên sẽ có các bài kiểm tra bất chợt để đánh giá trình độ. Nếu học hộ cả tháng như các dịch vụ đang rao trên mạng, e rằng khó thực hiện được. Đặc biệt, các sinh viên trong lớp sẽ giám sát lẫn nhau. Nếu sinh viên phải ghép lớp để học theo tín chỉ, ít nhất có 1/3 số sinh viên của một lớp sẽ tham gia lớp đó. Chắc chắn. lúc ấy các em sẽ phát hiện bạn nào không học lớp mình nhưng có tham gia điểm danh. Ngoài ra, cũng theo ông Hùng, các lớp thường giao phó việc quản lý, giám sát sinh viên cho thành viên ban cán sự lớp. Đây cũng là cách hay để quản lý các sinh viên đang học lớp nào, số lượng bao nhiêu, đi học được mấy buổi…
Tín chỉ được sử dụng để tính khối lượng học tập của sinh viên. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết, 30-45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45-90 giờ thực tập tại cơ sở; 45-90 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khóa luận tốt nghiệp. Khi học tín chỉ, người học được phép tự lựa chọn chương trình học cho mình, miễn sao đáp ứng đủ số tín chỉ với ngành học đó là có thể tốt nghiệp. Học tín chỉ, sinh viên tự đề ra thời khóa biểu cho mình, học giảm bớt số môn trong một kỳ, hoặc học vượt kỳ.