Thi thêm để cầu may
Đó là tình trạng của nhiều học sinh khi nộp hồ sơ tuyển sinh vào đại học. Nhiều học sinh đã lựa chọn nộp thêm hồ sơ vào khối thi khác, trường khác, không trùng ngày thi với khối thi chính của mình để lấy kinh nghiệm và “cầu may”, “biết đâu lại đậu”.
Phương Thu (học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo) cho biết, bạn ôn thi khối D nhưng vẫn đăng ký thêm 1 trường khối A1 để thi và thử sức: “Mình không ôn thi khối A1 nhiều lắm nhưng vẫn sẽ kinh nghiệm trước khi bước vào kỳ thi đại học đợt 2 của mình.”
Nhiều bạn học sinh còn chọn thi những khối thi thi có môn trắc nghiệm để dễ dàng “khoanh bừa”. Thúy Vi (học sinh THPT Quang Trung) chia sẻ: “Mình ôn thi khối C. Tuy nhiên mình vẫn chọn thi thêm 1 trường khối A. Mình học không giỏi khối A nên chỉ đăng ký thi một trường có điểm chuẩn bằng với điểm sàn.”
Tâm lý thi thêm, cầu may, lấy kinh nghiệm đã khiến rất nhiều học sinh đều nộp ít nhất 2 bộ hồ sơ trở lên. Cá biệt có một số bạn học sinh còn nộp từ 8-10 bộ hồ sơ.
Và những hệ lụy
Việc cùng lúc ôn thi hai khối là khá khó khăn với nhiều bạn học sinh. Vì các môn học đòi hỏi phương pháp và kỹ năng khác nhau để có thể học tốt và đạt điểm cao trong kỳ thi đại học. Nếu chọn thi hai khối, các bạn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về việc chia nhỏ thời gian và phân tán tư tưởng khi ôn luyện. Chưa kể, để thi một môn thi trong kỳ thi đại học cần phải nắm chắc kiến thức trong cả 3 năm học THPT, nếu chỉ “đọc qua” “xem qua” thì chắc chắn bạn đó không thể giành điểm cao trong môn mình dự thi.
Hoài Thu (sinh viên năm 3 ĐH KDCN) đã thi đỗ đại học khối D, bùi ngùi kể về kỷ niệm của mình khi chọn thi thêm khối A để “lấy kinh nghiệm”: “Khi đi thi, mình cũng mong được biết không khí phòng thi, thủ tục dự thi cũng như cách làm bài để làm bài thi khối D tốt hơn. Kết quả là do không ôn thi kỹ về khối này nên mình đã trượt. Mình khuyên các bạn học sinh không nên thi thêm, vì nếu không có kiến thức chắn chắn thì chẳng bao giờ đỗ được nhờ vận may cả.”
Không những thế, đi thi thêm một khối, bạn phải mất thêm thời gian, công sức và tiền bạc của bạn và của người thân. Nhất là vào những đợt thi đại học, chi phí ăn ở tại thủ đô và các thành phố lớn có nhiều trường đại học đều được đội lên cao ngất ngưởng. Nhiều bạn học sinh ngán ngẩm vì đi thi thêm, mất công sức, tiền của mà kết quả vẫn trượt!
Trung Nghĩa (sinh viên năm 2 ĐH Công Nghiệp) chia sẻ quan điểm: “Rất nhiều bạn có tâm lý thi thêm một khối nữa để lấy kinh nghiệm, hoặc là sợ trượt khối này còn có khối kia. Mình cũng gặp một vài trường hợp không đỗ khối chính mình dự thi mà lại đỗ khối thi thêm. Tuy nhiên, trường hợp đó không phải là nhiều, và dù có đỗ thì cũng không phải là trường học, ngành học mà bạn ấy yêu thích và muốn theo đuổi.”
Thi thêm khi không ôn thi, cũng như không chắc đậu, dẫn đến lãng phí rất nhiều tiền bạc, công sức và của cải của xã hội. Rất nhiều nhà trường đã phải chuẩn bị cơ sở vật chất để đón những thí sinh dự thi hụt hoặc những thí sinh dự thi không đạt chất lượng!