10 cách tránh xích mích nơi trường học

Hiến Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 16/04/2014
Chia sẻ

Trường học giống như một xã hội thu nhỏ, chính vì thế sẽ không thể tránh khỏi những lúc xảy ra mâu thuẫn. Điều quan trọng là làm thế nào để hạn chế tối đa những xung đột không đáng có?

1. Sẵn sàng làm hòa

Khi có xung đột bạn hãy chủ động làm hòa, điều này không những thể hiện sự khoan dung, mà còn khiến bạn bè nể trọng hơn.

Tất nhiên để làm chủ cảm xúc khi mất bình tĩnh và có xung đột không phải chuyện dễ, nhưng hãy cố gắng rèn luyện và chủ động trong những tình huống như vậy. Đừng đẩy không khí lên quá căng thẳng, thay vào đó, bạn hãy điều chỉnh lại cơ thể, giúp cơ thể thoải mái hơn (hít thở sâu, mỉm cười,…).

2. Thận trọng để không gây mâu thuẫn

Điệu bộ, vẻ mặt hay giọng nói gay gắt của bạn có thể vô tình khiến cho bạn bè hiểu lầm. Hãy luôn thận trọng để không gây hiểu lầm trong đối thoại, tranh luận. Vì điều này làm mất thể diện cho bạn và “đối phương”, đồng thời gây tò mò, bán tán cho các bạn khác trong lớp, trong trường học. 

Nhưng khi lỡ xảy ra mâu thuẫn vì sự hiểu lầm, hãy chủ động làm hòa, như vậy sẽ tốt hơn cho tất cả và tốt cho cả công việc chung.



3. Giữ thái độ cởi mở khi bất bình

Sẽ có những lúc bạn bè gây cho bạn những khó chịu hay buồn bực. Những lúc như vậy thay vào việc thể hiện sự khó chịu ra mặt, bạn nên thể hiện sự bất bình hay khó chịu một cách cởi mở. 

Đừng nên “ngâm” trong lòng, sẽ khó chịu cho chính bạn mà người kia cũng không “buông tha”. Bạn và “đối phương” hãy ngồi lại với nhau, tháo gỡ tất cả những hiểu lầm hay vướng mắc. Bạn có thể sẽ hiểu hơn về người ta và biết đâu cũng nhận ra lỗi gì của mình chăng?

4. Chân thành trong giao tiếp, ứng xử

Khi giao tiếp với bạn bè, bạn hãy nói rõ ràng, rành mạch những gì muốn nói, đề xuất các kiến nghị hay tiến cử ai đó một cách tích cực. Thiện ý của bạn sẽ dễ dàng thuyết phục được bạn bè và thầy cô.

5. Không nói xấu sau lưng “kẻ thứ ba”

Dù vô tình hay cố ý, nói sau lưng “kẻ thứ ba” là điều không thể chấp nhận được. Điều này không những khiến bạn bị “người thứ ba” căm ghét, mà còn khiến cho người nghe bạn mất lòng tin vào bạn, vì họ sẽ nghĩ: “Bạn nói xấu người khác được thì cũng có thể nói xấu họ được”.


6. Cẩn trọng khi lắng nghe 

Bạn cần cẩn trọng khi lắng nghe người khác. Hãy suy xét xem người đó có mục đích gì khác hay không, mong muốn và quan điểm của người ta thực sự là gì? Nếu không, bạn sẽ bị lợi dụng hoặc trở thành người không có chính kiến, thậm chí có thể mắc sai lầm nếu không tiến hành xác minh thông tin.

7. Khôn khéo khi phủ định quan điểm của người khác

Khi người khác thể hiện quan điểm, bạn có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng cũng đừng tỏ thái độ khó chịu với quan điểm của họ. Hãy mỉm cười và nói thật nhẹ nhàng rằng: “Tôi hiểu những gì bạn suy nghĩ về vấn đề này, nhưng theo tôi thì…” để bảo vệ chính kiến. Sự khôn khéo xử lý sẽ giúp bạn không bị ghét và có thể còn giúp đối phương hiểu ra nhiều điều.

8. Báo cáo thầy cô khi sự việc vượt khỏi tầm kiểm soát

Hãy báo cáo với thầy cô nếu bạn bè gây khó khăn cho công việc mà tự bạn không thể giải quyết được. Đừng nghĩ, việc báo cáo thầy cô là thể hiện sự nhiều chuyện, trẻ con, có nhiều chuyện nếu không được giải quyết ngay sẽ gây ra hậu quả lớn hơn.

9. Im lặng là vàng

Đôi khi, im lặng lại là cách ứng phó hay nhất với những người xỉa xói bạn. Đôi khi sự im lặng của bạn sẽ khiến người ta “chột dạ” hay xấu hổ với bản thân mà tự biết cách điều chỉnh mình.

Lưu ý, đây là sự im lặng chủ động chứ không phải là sợ hãi, khi sự im lặng không thể giải quyết hãy tìm phương án khác.

10. Kết thân với bạn bè trong và ngoài lớp

Mỗi ngày bạn có tới 4 đến 5 tiếng, thậm chí nhiều thời gian hơn thế ở trường. Chừng ấy thời gian được ngồi học và chơi với những người bạn tốt hơn là với “kẻ địch”. Vì thế, hãy chủ động kết thân với càng nhiều bạn bè càng tốt và hạn chế tạo ra những “kẻ thù”.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày