Gỡ rối khi chọn ngành học

Saga, Theo Trí Thức Trẻ 15:30 10/04/2014
Chia sẻ

Chọn một ngành nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Chọn nghề sai lầm là đặt cho mình một tương lai không thật sự vững chắc.

Do đó, tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất trong việc lựa ngành học sau khi đã hoàn thành bậc phổ thông trung học là chọn ngành học theo tính cách và sức học của bản thân. 
 
Chọn ngành học theo tính cách
 
Nếu không phải là người có khả năng giao tiếp tốt, bạn không nên bắt đầu sự nghiệp công danh trong vai trò nhà quản lý. Còn nếu có xu hướng sống nội tâm và rất khó bị kích động, những nghề liên quan đến điều khiển như phi công, tài xế, điều phối viên... sẽ là lựa chọn đúng đắn với bạn. Để chọn một công việc phù hợp với mình, trước hết bạn cần phải xác định mình là mẫu người nào, là người hướng ngoại hay hướng nội? 
 
Các em học sinh trường THPT Trần Phú đang theo dõi thông tin tuyển sinh của Trường ĐH Văn Hiến
 
Cần kết hợp loại cá tính (hướng nội, hướng ngoại) và mức độ kích thích thần kinh, bạn sẽ chọn ra được cho mình một nghề phù hợp. 
Nếu là người hướng nội và có mức kích thích thần kinh cao, bạn không nên chọn những nghề có liên quan đến những tiếp xúc thường xuyên và lâu dài với mọi người như kinh doanh, quản lý, sư phạm, bán hàng… Hãy chọn vị trí đằng sau chiếc bàn viết hay những nơi làm việc theo tính trực quan, ví như nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế, tạo mẫu…
 
Nếu là người hướng ngoại và có mức kích thích thần kinh cao, sẽ không thỏa đáng nếu bạn chọn các nghề liên quan đến điều khiển như phi công, tài xế, điều phối viên… Khi đó bạn sẽ buồn bực vì ít được giao tiếp với mọi người và dễ gây ra những sai lầm, hỏng hóc. Bạn cũng không nên chọn những nghề liên quan đến sản xuất dây chuyền vốn mang tính đơn điệu.
 
Nếu là người hướng nội và mức kích thích thần kinh thấp, bạn nên chọn nghề liên quan đến điều khiển nhưng tránh những công việc cần tiếp xúc với nhiều người (như lãnh đạo, quản lý, sư phạm, phóng viên, hoạt động xã hội…)
 
Nếu là người hướng ngoại và mức kích thích thần kinh thấp, thì những vai trò như quản lý, lãnh đạo, sư phạm, thương gia… rất lý tưởng với bạn. Trong những lĩnh vực yêu cầu mức độ giao tiếp cao với mọi người, bạn sẽ luôn đạt được thành tích tốt.
 
Dù ở bất kỳ cương vị nào và có tính cách gì, bạn đừng nên vội vàng, cũng đừng nên căng thẳng, không nên hồi hộp trước một sự kiện nào đó xảy ra, mà hãy rèn luyện sự tự tin của bản thân luôn tự đánh giá mình từ vị thế của những người xung quanh, luôn cố gắng kiểm soát được hành vi của mình. 
 
Chọn ngành học theo năng lực học tập
 
Các bạn vẫn chưa lựa chọn được cho mình một ngành học thì nên lưu ý trước hết là năng lực, khả năng của mình có phù hợp với ngành dự định lựa chọn hay không. Các bạn thích một ngành nhưng ngành đó mình không với tới được vì điểm quá cao thì nên xem lại. 
 
Ông Đào Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, nói: “Định hướng ngành nghề để học sinh chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường là chủ trương và nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục - đào tạo. Hiện nay nhiều thí sinh chọn ngành không theo năng lực khiến khi học ĐH các em không phát huy được thế mạnh của mình. Chọn trường nào, ngành nào để dự thi, học sinh phải nắm được các thông tin cơ bản về ngành nghề, nhu cầu xã hội cũng như năng lực bản thân và điều kiện kinh tế gia đình”.
 
 
Để xác định năng lực học tập của mình, bạn có thể dùng phối hợp một số cách sau:
 
- Căn cứ vào điểm học tập, nhất là các môn thi tuyển sinh đầu vào của ngành bạn định theo học. Tìm hiểu điểm trúng tuyển của ngành nghề đó ở trường bạn muốn thi vào trong ba năm liên tiếp, từ đó so sánh với sức học của mình cho phép bạn xác định khả năng trúng tuyển của mình vào trường đó như thế nào. Lưu ý bạn rằng cùng một ngành học nhưng có thể thi đầu vào bằng nhiều khối khác nhau. Hãy chọn thi khối nào là sở trường của bạn.
 
- Giải thử đề thi đại học ba năm gần đây và so sánh điểm chuẩn với ngành học ở trường mà mình định thi vào để ước lượng năng lực, khả năng trúng tuyển của mình.
 
- Nhờ thầy/cô, người thân, bạn bè đánh giá, nhận xét.
 
Trên cơ sở đó bạn tự ước lượng và đánh giá năng lực bản thân, từ đó chọn ngành học, trường thi cho phù hợp với năng lực của mình.
Theo ông Nguyễn Hoài Chương, nguyên là Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, mỗi học sinh có một năng lực và sở thích riêng. “Thế nên, khi hướng dẫn cho học sinh chọn lựa con đường tương lai của mình, theo tôi, yếu tố cốt yếu là phải dựa vào năng lực, năng khiếu và sở thích của bản thân học sinh”.
 
Làm bài trắc nghiệm học đường
 
Theo thầy Vương Thanh Long, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh trường Đại học Văn Hiến, trên thế giới, các chương trình định hướng nghề nghiệp đã tiếp cận với các học sinh từ cấp 2 và những năm đầu cấp 3, trong khi đó ở Việt Nam thì phương pháp này chưa thật sự được phổ biến.
 
Các bạn Đại sứ Văn Hiến hướng dẫn các em học sinh trường THPT Trần Phú thực hiện trắc nghiệm học đường trên Ipad
 
Chương trình trắc nghiệm Hướng nghiệp học đường sử dụng bộ câu hỏi của tác giả Katharine Cook Briggs và con gái bà - Isabel Briggs như một công cụ phân loại tính cách một cách chính xác nhất với khoảng 21 ngôn ngữ được dịch ra và được áp dụng rộng rãi trên 60 quốc gia. Cứ mỗi năm lại có hàng triệu người tham gia làm bài trắc nghiệm này. Chương trình hiện đã được dịch sang tiếng Việt và đăng tải tại website http://gochocduong.vhu.edu.vn/trac-nghiem-hoc-duong/. Trắc nghiệm hướng nghiệp học đường giúp bạn tìm ra những khả năng "tiềm ẩn" trong bạn từ đó bạn có thể biết được ngành nào phù hợp với mình nhất.

Cũng trong thời gian này, Trường ĐH Văn Hiến phối hợp cùng Báo Giáo dục Tp.Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Tư vấn Hướng nghiệp học đường 2014 là một chương trình nhằm trang bị kiến thức tâm lý cho học sinh trước ngưỡng cửa đại học, giúp các em học sinh phổ thông trung học sẽ được tư vấn trắc nghiệm tính cách, xác định nghề nghiệp phù hợp bản thân bằng phần mềm trắc nghiệm Hướng nghiệp học đường của Đại học Văn Hiến. Chương trình cũng sẽ mời các chuyên gia tâm lý, các bác sĩ tư vấn cho học sinh về sức khỏe học đường, giải đáp thắc mắc hay các vấn đề liên quan đến kỹ năng như kỹ năng chọn nghề, kỹ năng học và tự học… Các buổi giao lưu với ca sĩ, đại sứ Văn Hiến, các cựu sinh viên Văn Hiến, các thủ khoa là cơ hội để sẻ chia với các em học sinh bí quyết học tập ôn thi đạt điểm cao. 
 
Trường Đại học Văn Hiến với định hướng là một trường ngoài công lập phi lợi nhuận đầu tiên đào tạo nhấn mạnh “tính nhân văn”. Nên bên cạnh chất lượng đào tạo, kiến thức chuyên môn, nhà trường còn hướng cho sinh viên học làm người, để các em sau khi ra trường trở thành người có đạo đức và tri thức đích thực. Và chương trình “Tư vấn hướng nghiệp học đường” năm 2014 là một trong những định hướng mang tính nhân văn đó.

 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày