Ở rẻ, ăn đắt
Sinh viên được ở KTX phải nằm trong số những trường hợp như: có hoàn cảnh gia đình khó khăn, con em gia đình có công cách mạng, con em dân tộc thiểu số… Nhằm giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên thuộc vào các diện nêu trên trong việc ăn ở để an tâm học tập. Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong việc đi lại an toàn và thuận tiện như xây dựng khu KTX gần với trường học (thậm chí nhiều trường có KTX nằm ngay trong khu vực của trường) thì sinh viên còn được ưu đãi trong việc nộp tiền phòng với giá rẻ.
Vì vậy, với những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì KTX là sự lựa chọn hàng đầu, vì một học kỳ (5 tháng) mỗi bạn chỉ nộp số tiền 425.000 đồng, trong khi đó nếu ở trọ thì có lẽ số tiền này chỉ đủ để trang trải trong một tháng.
Tuy nhiên, nó cũng chưa phải là sự lựa chọn số một của sinh viên nghèo bởi một quy định “ngặt nghèo” là nhà trường không cho phép tổ chức nấu ăn trong KTX vì lý do dễ xảy ra tình trạng cháy nổ.
Điều này đồng nghĩa với việc buộc sinh viên phải lựa chọn một trong hai phương án: Một là chấp nhận “ở rẻ ăn đắt”, hai là chọn ở trọ tuy tiền có đắt hơn nhưng bù lại các bạn sẽ được tự do nấu ăn. Nhưng đa số các bạn không lựa chọn dứt khoát một phương án nào mà nhập cả hai thành một: vừa ở rẻ, vừa “được” nấu ăn (thực ra là sinh viên trốn ban quản lý KTX để nấu). Chính vì vậy mà phong trào nấu ăn lén đã “lên ngôi” mạnh mẽ.
1001 chiêu nấu lén
Để có thể nấu ăn ngoài “biên chế”, các bạn sinh viên đã nghĩ ra rất nhiều cách nhằm “che mắt” ban quản lý KTX. Từ khâu đi chợ đến khâu cất giữ “bảo bối” được thực hiện công khai mà kín đáo, sao cho ban quản lý không thể phát hiện.
Bạn Ng. A (khoa Văn, sinh viên trường Đại học Sư phạm) chia sẻ: “Vì gia đình khó khăn nên khi đăng ký vào ở KTX với số tiền nộp rẻ hơn rất nhiều so với ở trọ, mình rất vui vì như vậy sẽ đỡ được phần nào cho bố mẹ. Nhưng vui chưa hết thì lại thấy lo ập đến khi được biết quy định của nhà trường là không cho sinh viên tổ chức nấu ăn. Sau đó vào phòng được mấy chị năm 2, năm 3 bày cho “vài chiêu” nấu chui nên mình cũng không tốn nhiều tiền cho việc đi ăn ngoài”.
Khi đi mua thức ăn bạn phải mang theo túi xách hoặc xin cô bán hàng túi bóng màu đen bọc bên ngoài để ban quản lý không phát hiện. Dụng cụ ăn uống nên sắm sửa vài cái cần thiết nhất và được cất giữ ở khắp mọi nơi từ gầm giường, thoại tủ, nhà tắm cho đến việc dùng cả quần áo để phủ lên trên.
Một dụng cụ nấu ăn được các bạn sinh viên gắn thêm công dụng cho nó mà có thể nhà sản xuất cũng không ngờ tới đó là chiếc nồi cơm điện. Chắc các bạn sẽ không ngờ tới ngoài công dụng dùng để nấu cơm nồi cơm điện còn “kiêm” luôn cả phần chiên, xào, kho… thức ăn. Các bạn chọn giải pháp an toàn tuy thời gian nấu lâu hơn một tý thay vì dùng bếp ga mini nấu thức ăn nhanh chín nhưng nguy cơ cháy nổ cao và đặc biệt là nếu bị bắt thì hình thức xử phạt khi dùng nồi cơm điện sẽ nhẹ hơn. Khi nấu không để dầu nóng quá và tránh khử tỏi, hành vì mùi của chúng rất hăng và bay xa… Đó là một trong số rất nhiều chiêu được các bạn sử dụng để có thể nấu ăn.
Bạn T.X (sinh viên khoa Mầm non, trường ĐH Sư phạm) chia sẻ: “Lúc mới nấu chân tay run lập cập, mắt mũi thì cứ lóng ngóng ra cửa, tư thế thì luôn sẵn sàn để dọn dẹp một cách nhanh nhất trước khi ban quản lý vào kiểm tra phòng”.
Còn bạn Đ.T.T( sinh viên khoa Tâm lý, trường ĐH Sư phạm) chia sẻ vui rằng nếu muốn biết “đa cảm giác” (lo lắng, sợ hãi, vui vẻ, hồi hộp…) thì vào KTX nấu ăn là có thể cảm nhận được ngay.
Lắm chuyện bi hài
Một vấn đề không thể không đề cập đến trong việc nấu ăn chui của sinh viên đó là “tai nạn nghề nghiệp”. Chính vì tâm lý lo sợ bị ban quản lý phát hiện nên nhiều bạn đã gặp những rủi ro trong quá trình nấu ăn. Phần nhiều sinh viên giấu những tai nạn mình gặp phải vì theo nguyên tắc các bạn đã vi phạm quy định của nhà trường nên chỉ biết lẳng lặng chịu đựng. Bạn M.H (khoa Mầm non, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ: “Có lần chị Thúy đang nấu canh nghe ban quản lý đi ngoài hành lang, vội quá làm đổ luôn nồi canh lên người, thế là phải vào bệnh viện nằm một tháng dù lúc đó đang vào mùa thi. Tụi em thấy thương chị lắm và dặn mình phải cẩn thận hơn chứ chưa bỏ ý định thôi không nấu nữa. Không ai muốn vi phạm nội quy nhưng vì khó khăn quá nên tui em đành phải liều”.
Một trường hợp khác: “Lúc ấy phòng mình đang tổ chức sinh nhật, thức ăn được bày ra khắp sàn nhà thì bất chợt nghe tiếng ban quản lý ở phòng bên, không ai bảo ai mỗi người một tay cho tất cả thức ăn vào thau giặc đồ úp lại, còn chén bát soong nồi thì cho hết vào nhà tắm . Nhớ nhất là cái thau nước của mình chuẩn bị tắm không biết vì vội hay sợ quá mà bạn nào bỏ luôn vào đấy. Thế là cả bọn được một phen cười vỡ bụng trong ngày sinh nhật đáng nhớ của thời sinh viên”. Chị L (sinh viên khoa Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ.
Thầy Trần Thành (một giáo viên đã về hưu nay đang làm việc tại phòng công tác sinh viên) là một trong những người trực tiếp tham gia vào việc giám sát các hoạt động của sinh viên trong KTX cũng chia sẻ với thái độ hết sức cảm thông: “Đứng về mặt tình cảm thì chẳng ai muốn bắt sinh viên phải lập biên bản việc vi phạm nội quy của nhà trường. Tuy nhiên đây là quy định và thầy cũng chỉ là làm theo trách nhiệm dù có muốn hay không”.
Khi được hỏi về nguyện vọng của sinh viên là xây nhà nấu ăn riêng để các bạn có thể nấu ăn “đường đường chính chính” thì thầy cũng chia sẻ rất thật lòng: “Là một trong những người làm công tác quản lý sinh viên, chứng kiến và lập biên bản nhiều vụ vi phạm, thầy cũng rất thương cho các em vì thầy biết các em ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn. Đây là nguyện vọng rất chính đáng của sinh viên vì cái ở phải đi liền với cái ăn. Thầy cũng như các thầy nằm trong ban quản lý KTX đều mong muốn nhà trường có thể xây khu nấu ăn riêng để các em có thể tự do nấu ăn”.
Nếu được hỏi một câu về mong ước của sinh viên KTX hiện nay thì bạn sẽ nhận được câu trả lời là: Hy vọng trong thời gian sớm nhất có thể, một nơi nấu ăn riêng dành cho sinh viên có thể được xây dựng để các bạn không còn phải lo nghĩ cách đối phó với miếng ăn hằng ngày.