“Ở riêng" để được đi học
Đòa sinh ra và lớn lên trong một gia đình người dân tộc Thái tại một bản miền núi heo hút. Từ nhà đến trường học, em phải đi qua 5km đường rừng khó khăn và hiểm trở, nếu đi bộ phải mất gần nửa ngày trời mới có thể đến trường.
Giấc mơ được đến trường luôn cháy bỏng của cô học trò Ngân Thị Đòa.
Ở bản Chiềng nơi Đòa sinh ra, hầu hết những đứa trẻ đều học hành dang dở rồi theo cha mẹ lên rừng lên rẫy. Nơi bản làng ấy, cái đói nghèo vẫn còn đeo bám vì thế khi cái bụng còn chưa no thì việc học chữ vẫn là một điều gì đó xa xỉ lắm. Ấy thế mà chẳng hiểu sao khát khao được đến trường đi học lại luôn đau đáu trong lòng cô học trò nhỏ bé này.
Những ngày đầu mới bước vào lớp 1 rồi lớp 2, có những hôm Đòa được bố mẹ đưa đi học nhưng cũng có những hôm Đòa phải một mình vượt 5 cây số để đến lớp. Đằng đẵng 2 năm trời, cô bé Đòa đều đặn đến lớp. Cho đến năm học lớp 3, khi cô em gái thứ 2 của Đòa bước vào lớp 1, cô em út vào mẫu giáo, bố mẹ Đòa không thể một lúc đưa đón 3 chị em Đòa được nữa. Lúc đó, Đòa không còn sợ đói, sợ khổ, chỉ sợ bố mẹ không còn cho đi học, thế là cô bé năn nỉ xin bố dựng một căn lều tạm bên cạnh ngôi trường, nơi em đang học để bố mẹ không phải đưa mấy chị em đi học mà Đòa và các em vẫn được theo con chữ.
Chiều theo ý con, bố của Đòa đã vào bản Cò Cài, xã Trung Lý dựng tạm một căn lều bằng tre nứa rộng 9m2 bên cạnh Trường tiểu học Trung Lý 2, cho ba chị em Đòa ở. Mỗi tháng, bố mẹ cấp cho 3 chị em từ 20.000 đến 30.000 đồng để chi tiêu. Vậy là mới 7 tuổi, cô bé Đòa đã phải ra “ở riêng” và chăm sóc cho hai cô em của mình nữa.
Đòa chăm sóc cho các em của mình như một người mẹ.
Cũng từ ngày ở riêng, mọi sinh hoạt hằng ngày và chăm sóc các em đều do một tay Đòa lo toan như một người lớn. Hằng ngày, khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy, Đòa đã phải dậy lo vệ sinh cá nhân, rang cơm cho em ăn để đi học. Khi các em đã lên lớp, Đòa bắt tay vào công việc của mình đó là lên rừng hái rau, măng và kiếm củi nấu. Trưa trở về lều,Đòanấu cơm trưa rồi thu xếp đến lớp. Buổi chiều, sau khi tan học trở về, Đòa lại như một người mẹ làm những công việc cho đến đêm, khi các em đi ngủ, Đòa mới bắt đầu giở những trang sách ra để học bài bên ánh đèn dầu leo lét trong căn lều chật hẹp.
Những ngày hết gạo, Đòa lại một mình băng rừng, băng suối, một mình đi bộ về nhà lấy gạo rồi lại đưa vào gùi cõng đi. Cứ thế hết năm này sang năm khác, cho đến nay cũng được 3 năm rồi, vì ham con chữ, cô bé Đòa không còn biết đến khó khăn, khổ cực. Mọi công việc hằng ngày vẫn cứ diễn ra như thể em sinh ra là phải như vậy. Giờ đây, cô em thứ 2 của Đòa cũng đã học lớp 3 còn Đòa đã chuẩn bị hết cấp I.
Ước mơ giảng đường
Một điều đáng khâm phục là mặc dù khó khăn là vậy, vất vả là vậy nhưng năm nào cô học trò nhỏ này cũng đều đạt học sinh tiên tiến của trường. Khát khao về con chữ, về việc được học cao hơn nữa lại càng cháy bỏng đối với cô bé Đòa.
Sinh ra giữa cái đói nghèo, ở một nơi chỉ biết đến sự heo hút của rừng núi nên đối với Đòa, việc vượt ra khỏi cái âm u của núi rừng, của ánh đèn dầu leo lét nơi bản nghèo để ra với ánh sáng của đèn điện của giảng đường đại học luôn là giấc mơ trong trái tim non nớt của em.
Có lẽ vậy mà khi được hỏi, ước mơ của mình sau này, Đòa không ngại ngần thổ lộ: “Con chưa bao giờ được đi xa, chưa được thấy ánh điện sáng, nhưng con nghe thầy, cô giáo kể nhiều nên con ước sau này sẽ được học lên đến lớp 12, con sẽ cố gắng để được học đại học, về dạy chữ cho các em nhỏ ở bản để chúng nó biết đọc, biết viết. Con chỉ ước thế thôi ạ”.
Nhưng nói đến đó, bỗng nhiên gương mặt cô bé chùng xuống, em buồn rầu cho biết: “Không biết bố mẹ có tiền cho con theo học đến hết không nữa. Nhà con nghèo, bố mẹ chỉ quanh năm lên nương lên rẫy kiếm gạo đủ ăn trong ngày thôi. Nhà con có 4 chị em gái thì một đứa đã bỏ học từ năm lên lớp 4 rồi…”. Dừng lại đó, cô bé đưa tay quệt giọt nước mắt đang chực chảy trên khóe mắt.
Buổi sáng sau khi các em đến lớp thì Đòa lên núi hái rau lấy măng và kiếm củi.
Cô Lê Thị Hương - giáo viên chủ nhiệm lớp của Đòa cho biết: “Mặc dù, cònnhỏ tuổinhưng Đòa đã sớm biết lo toan. Em đã làm những việc mà chính giáo viên chúng tôi ở đây cũng phải ngỡ ngàng. Mặc dù cuộc sống khó khăn, vất vả là vậy nhưng Đòa rất ham học, luôn học thuộc bài cũ trước khi lên lớp. Năm nào, Đòa cũng đạt học sinh tiên tiến của trường”.
“Tuy khó khăn như thế, nhưng em Đòa lại có tính khảng khái lắm. Nhiều hôm, các thầy, cô giáo trong trường muốn cho em út của Đòa cái bánh, hay miếng thức ăn ngon, thì mọi người phải nịnh mãi, Đòa mới đồng ý cho em nhận. Ở trường này, bản này những người lớn tuổi ai cũng phải khâm phục ý chí kiên cường của cô bé, vừa chăm học, lại siêng năng, cần cù và lễ phép lắm”, cô Hương tâm sự.
Chia tay chị em Đòa, chúng tôi nhớ mãi gương mặt lấm lem cơ cực lật giở những trang sách dưới ánh đèn dầu leo lét mà thầm khâm phục một nghị lực phi thường trên chuyến hành trình nuôi giấc mơ con chữ của cô học trò người dân tộc Thái này.