Vượt lên định mệnh bất hạnh
Đúng 13 năm trước, trong một đêm mưa tối trời, chị Đinh Thị En (SN 1976, làng Krối, xã Kong Krong (nay là xã Đak Smar, huyện K’bang, tỉnh Gia Lai) trở dạ sinh bé gái Đinh Thị Honh bên vách nhà sàn. Như bao người mẹ khác, En nở nụ cười hạnh phúc đón đứa con đầu lòng chín thàng mười ngày mang nặng đẻ đau. Nhưng niềm vui của người mẹ trẻ đã chợt tắt ngay sau đó ít phút, khi chị phát hiện đứa con vừa sinh không có 2 cánh tay. Ngỡ sinh ra “quái thú”, En thét lên một tiếng rồi ngất lịm.
Nghe tiếng thét, chồng chị là anh Đinh Đeng (SN 1971) liền chạy đến bên vợ thì tá hỏa khi thấy hình hài dị thường của con. Quá hoảng sợ, anh Đeng cũng tháo chạy một mạch giữa đêm mưa, báo cho buôn làng biết vợ mình vừa sinh ra “con ma”. Nghe tin, từ người già chí trẻ tập trung về đầy vách nhà Đeng. Bên trong, người mẹ đã tỉnh ôm đứa con khóc òa khóc. Sau khi xem mặt và hình hài cháu bé “quái dị”, nhiều người cho rằng do kiếp trước vợ chồng anh Đeng ở ác, nên kiếp này bị Yàng (Trời) phạt phải sinh ra “con quỷ”. Phải rất lâu, già làng đến khuyên nhủ thì vợ chồng Đeng mới hiểu ra cơ sự, rằng đứa bé đang khóc oa oa vì khát sửa kia là người chứ không phải là con ma rừng.
Suốt 3 ngày đêm sau đó, En rấm rức khóc nghĩ về tương lai đứa con bất hạnh. Đeng, mặc dù chưa hết bàng hoàng nhưng anh hiểu ra một điều rằng, đó là “hòn máu cắt”, vợ anh đã chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau mới sinh ra. Thương vợ, Đeng luôn ở bên cạnh lo và an ủi chăm sóc. Nhưng nhìn con nằm thuồn thuột, rồi lại nghĩ đến những đứa trẻ trong làng này ai cũng đủ tay chân, anh lại thấy sống mũi cay cay. Giữa mảnh đất núi rừng này, không có tay thì sau này làm sao đi rẫy, cuốc đất trồng khoai mì, đốn củi được. Nghĩ rồi buồn, nhưng anh cũng chẳng biết làm sao hơn.
Thời gian qua mau, Honh lớn lên trong vòng tay yêu thương và sự chăm sóc chu đáo của cha mẹ. Bé phát triển như bao đứa trẻ bình thường khác, ngày càng xinh xắn ngoan ngoãn. Tuy nhiên khi Honh được 3 tuổi thì xuất hiện dấu hiệu bị gù, tấm lưng dần còng gập như người già. Quan sát kỹ, mọi người thấy giống hệt như 2 bàn tay được giấu vào mạng sườn sau lưng vậy. Mọi sinh hoạt đều khó rất khó khăn, những công việc buổi đầu đời, Honh đều phải tập làm bằng đôi bàn chân, mọi thứ từ bỡ ngỡ dần đến thành thục theo năm tháng. Đôi chân thay thế cánh tay lúc nào không hay. Và giờ đây, em đã làm được tất cả mọi công việc như một đứa trẻ bình thường.
“Viết” tương lai bằng đôi chân
Không những đảm đang việc nhà như cô Tấm trong chuyện cổ tích, “cô bé chim cánh cụt” còn có thể hiện khả năng tự học dù không một ngày được tới trường. Cha mẹ em kể, năm Honh lên 8 tuổi, vào một buổi trưa thấy anh trai (lúc này học lớp 2) lấy vở ra làm bài tập, thì bé chạy đến mượn bút vở của anh và dùng chân viết chữ o, chữ a, chữ e, rồi chữ u, chữ i… và nhiều chữ cái khác. Thấy vậy, nhưng cả nhà không ai tin vào mắt mình. Mãi sau, biết cô bé sáng dạ ở nhà tự học lỏm, cha mẹ bé quyết định dẫn đến trường, xin cho bé vào lớp mẫu giáo. Được đến trường cùng các bạn, bé Honh rất vui, đặc biệt lễ phép với người lớn và thầy cô giáo. Dù bất hạnh về thân thể, nhưng Honh được trời phú cho trí thông minh, sáng dạ lạ thường. Nghe cô giáo giảng đến đâu bé nhớ đến đó, học một biết hai, đặc biệt bé chăm tìm tòi học hỏi, luôn là tấm gương cho các bạn cùng lớp noi theo.
Do gia cảnh nghèo khó, ngoài thời gian đến trường, những ngày nghỉ em thường phụ bố mẹ lên rẫy mót bắp, vào rừng lấy củi để đỡ đần cha mẹ. Khi lên rẫy bẻ bắp, đối với những cây cao to, em cũng không chịu thua mà dùng chân đạp ngã xuống, rồi chân kia khéo léo bứt từng quả bỏ vào gùi mang về. Những ngày cha mẹ đi làm xa, Honh ở nhà chăm sóc em trai 3 tuổi của mình ra ngoài bể nước tập thể của làng (cách nhà 50 mét) để tắm rửa, rồi giữ em bé 8 tháng tuổi. Những việc khó khăn hơn như chăn bò, chẻ củi, cuốc cỏ em đều cấp soát làm hơn cả sự mong đợi của cha mẹ.
Từ lúc được cha mẹ cho đến trường đi học đến nay, năm nào Honh cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi của lớp, của trường. Hiện nay, Honh đang là một trong ba học sinh giỏi nhất của lớp 5B Trường tiểu học Đak Smar, huyện Kbang. Không chỉ học giỏi, em có khả năng vẽ bằng chân rất đẹp. Chỉ cần nhìn vào một bức tranh nào đó, Honh có thể kẹp bút vào ngón chân, vẽ lại y như bức tranh trước đó. Honh còn viết chữ trên bảng giáo viên rất đẹp, hát hay. Cô Lê Thị Tuyết, chủ nhiệm lớp 5B Trường tiểu học Đak Smar, cho biết: “Dù bị khiếm khuyết, nhưng Honh rất vô tư và không bao giờ mặc cảm với bản thân mình. Không những thế, Honh là học sinh rất chăm ngoan, học lực không thua kém bất kỳ bạn nào trong lớp. Thậm chí, có những môn, em luôn là người đứng đầu”.
Chính vì chăm ngoan, học giỏi và đầy nghị lực vươn lên, Honh được nhiều người biết đến như một tấm gương vượt khó. Chị Nguyễn Thị Phương, cán bộ lao động TBXH xã Đak Smar, huyện Kbang, cho biết: “Gia cảnh của bé Honh nghèo khó nên luôn được các ban ngành, đoàn thể của huyện quan tâm để khuyến khích tinh thần học tập của em. Năm nào Honh cũng được nhận học bổng trẻ em nghèo vượt khó của tỉnh Gia Lai. Năm 2013, Honh đã được nhận thêm học bổng Việt – Nhật. Nhiều người đã đến xã liên hệ với gia đình để xin bé Honh về nuôi nhưng gia đình nhất quyết không cho”.
Nói về cô bé được ví như Nguyễn Ngọc Ký của buôn K’rối, ông Đinh Tông (51 tuổi, Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh xã Đak Smar), không khỏi tự hào và ngưỡng mộ: “Địa bàn xã có 3 trường tiểu học, ngày nào tôi cũng phải đến từng nhà để đôn thúc, nhắc nhở các cháu đi học. Mỗi năm có đến 40% em học sinh bỏ học giữa chừng, số còn lại mỗi tuần chỉ đi học từ 2- 3 ngày, rồi lấy cớ xin phép nghỉ để trốn học. Thế nhưng trường hợp bé Honh thì ngược lại”. Dù ngày nắng hay mưa, con đường làng vẫn in dấu chân của bé. Chính vì thế, mỗi lần đi họp trên huyện, trong xã ông Tông thường đem Honh ra làm tấm gương về sự hiếu học và nghị lực vượt khó của em để các em khác noi theo.
Tâm sự với chúng tôi, chị En cho biết, dù gia cảnh nghèo khó, nhưng với lòng hiếu học, bản tính chăm chỉ, chịu thương chịu khó của Honh gia đình sẽ tạo điều kiện hết sức để bé được học tới nơi tới chốn. Vợ chồng chị hi vọng, với niềm yêu thương và mong mỏi của mình, sau này Honh sẽ trở thành niềm tự hào của gia đình.
Ước mơ trở thành cô giáo
Khi hỏi về ước mơ của mình, Honh bẽn lẽn cho biết, em sẽ cố gắng học để sau này trở thành cô giáo, giống như thầy Nguyễn Ngọc Ký, để dạy lại cho học sinh như cô giáo của mình bây giờ. Chị En, mẹ bé Honh tự hào khoe: Từ lúc học lớp 1 đến nay, Honh chưa nghỉ học ngày nào. Bao giờ Honh cũng đi học sớm hơn các bạn để lên lớp lấy chổi vệ sinh lớp học sạch sẽ. Ngày nào đến lớp sau các bạn, em cảm thấy xấu hổ với bạn bè và cô giáo.