Các kiểu chọn khối học của teen cấp 3

lethuy248, Theo Trí Thức Trẻ 00:23 08/02/2012
Chia sẻ

Khi còn nhỏ teen thường được bố mẹ hướng cho học những môn được coi là “chính” như Tiếng Việt, Toán và Ngoại ngữ. Tuy nhiên khi bắt đầu bước vào cấp 3 thì việc chọn cho mình một khối học quả thực là rất khó.

Khi teen chọn khối học theo sở thích

Một khi chúng ta đã xác định mình thích học môn gì thì việc đầu tư thời gian, công sức cho những môn đó là điều dĩ nhiên và teen cảm thấy rất hào hứng, thú vị. Nhiều bạn - không chỉ con trai mà ngay cả con gái cũng vậy - thích học khối A - vốn được coi là khô khan và “khó nhằn” - nhưng chính điều này lại là một lợi thế cho các bạn khi chọn trường để thi đại học. Bên cạnh đó cũng có không ít bạn nam lại đam mê theo nghề văn chương hoặc viết lách đã xác định ngay từ đầu là mình phải học 3 môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lí.

Hòa (17t) nói: “Từ bé mình đã thích vẽ. Vì vậy mà khi mới bước vào cấp 3, mình đã quyết định theo học khối V gồm các môn Toán, Lí, Vẽ mỹ thuật để sang năm sẽ thi vào trường Kiến trúc.”

Tương tự như Hòa, mặc dù là con gái “liễu yếu đào tơ” và tâm hồn hết sức lãng mạn nhưng có lẽ theo gen di truyền của bố mẹ đều là những người trong ngành Y, nên Mai (16t) lại rất thích làm bác sĩ giải phẫu. Chính vì thế mà không có gì ngạc nhiên khi cô bạn này đam mê môn Sinh học và không có gì là lạ khi khối B là khối mà bạn ấy theo đuổi.

Theo “sự đàm phán” của bố mẹ

Có lẽ việc lựa chọn giữa đam mê của bản thân và nguyện vọng của bố mẹ là điều không phải dễ dàng, nhất là khi chúng ta chưa thực sự đủ chín chắn. Rất nhiều teen thích học cái này nhưng bố mẹ lại muốn con cái học cái kia. Tất cả cũng chỉ vì sợ con đi sai đường, sau này sẽ khổ.

Hạnh (17t) cho hay: “Mình yêu Văn, mình thích viết, thích học những trận đánh lịch sử để cảm thấy tự hào về dân tộc, thích khám phá những miền đất mới lạ. Ngay từ khi học tiểu học mình đã thích Văn và Lịch sử rồi. Nhưng bố mẹ mình thì cứ bắt học khối A. Bố mình còn bảo: “Con gái học khối C khó chọn trường lắm. Sau này xin việc cũng khó nữa, lương thì ít. Tốt nhất là học khối A, rồi thi vào trường Kinh tế nào đó. Sau này bố mẹ đã có chỗ cho con vào đó làm rồi.” Bố mẹ mình rất nghiêm khắc và mình cũng không đủ dũng cảm để “đứng lên đấu tranh” với bố mẹ nên đành từ bỏ giấc mơ làm phóng viên.”


Rất rất nhiều teen rơi vào trường hợp tương tự của Hạnh, thích học khối C nhưng “phụ vương”  và “mẫu hậu” ra lệnh phải học bằng được khối này hay khối kia. Có những teen như Dương (18t) can đảm “đàm phán”, tỉ tê hết cách với bố mẹ hàng tháng trời mà không thay đổi được kết quả. Lại có những teen cố gắng học những môn mình không thích theo ý bố mẹ mà tạm gác nguyện vọng của bản thân sang một bên, lại có không ít teen ngày đêm “cày cuốc” cả hai khối, một là do mình chọn, một là do bố mẹ chọn.

Thanh (18t) tâm sự: “Năm nay cuối cấp rồi mình thì thích học khối B sau này thi vào ngành Y, còn bố mẹ mình thì cứ bắt học khối A để thi vào Kinh tế. Không muốn từ bỏ ước mơ nhưng cũng không dám không nghe lời bố mẹ, mình đành phải cố học cả hai khối vậy. Mình chỉ lo mấy tháng nữa thi rồi lại trượt cả hai.”

Còn những teen khác thì sao?

Một bộ phận teen chưa biết mình học được những môn gì, nghiêng về môn nào nhiều hơn, mình thích ngành gì để chọn khối học. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho nhiều teen rơi vào hoàn cảnh: “thôi thì các bạn học khối gì thì mình học khối đấy”, tâm lí chạy theo số đông, khối nào nhiều người học, nhiều trường thi thì mình học khối đó vậy. Chính vì thế mà nhiều teen lớp 10 đăng kí ban A học Toán, Lí và Hóa. Trong khi đó ban Cơ bản lại vắng bóng học sinh. Vì theo tâm lí số đông học khối A sau này cho dễ chọn trường. 

Lại không ít teen chọn cho mình khối C (Ngữ văn, Lịch sử và Địa lí) để học. Đơn giản chỉ bởi mình không thể học được môn gì, đành chọn 3 môn được gọi là phải học thuộc lòng nhất. 

Kì thi đại học đã sắp tới, cũng chỉ còn khoảng một tháng nữa là teen bắt đầu vào công cuộc làm hồ sơ, chọn trường thi cho mình. Thế nên ngay từ bây giờ teen hãy xác định cho mình một khối học thật rõ ràng, cụ thể, hợp với sức và nguyện vọng của bản thân cũng như gia đình, đừng để “đâm lao thì phải theo lao.”
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày