Xách ba lô lên và đi – không phải xu hướng mới
Những diễn đàn như phuot, hoidulich hay một số fanpage trên FB đăng tải những bài viết, bức ảnh ghi lại lịch trình chuyến đi, kể lại những kỉ niệm đáng nhớ với những con người dễ mến hay xấu bụng, đều được các bạn trẻ đón nhận nhiệt tình.
Trong đó, một nhân vật được hầu hết giới trẻ yêu du lịch biết đến đó là Huyền Chip - người từng đi đến 25 quốc gia trên thế giới đã chia sẻ, 700 USD chỉ là vốn “khởi nghiệp” còn trên đường đi, Huyền đã làm rất nhiều công việc khác để kiếm tiền, bao gồm cả việc viết bài du lịch cho các tờ báo ở Việt Nam. Một ví dụ khác là cây viết Ngô Thị Giáng Uyên, tác giả của cuốn sách “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương” đã sở hữu rất nhiều bài viết được đăng trên báo Tuổi trẻ trước khi chúng được tập hợp và in thành sách.
Ở họ có nhiều sự tương đồng đó chính là cùng mê du lịch, cùng được thỏa đam mê, cùng kiếm được tiền nhờ vào kinh nghiệm trong mỗi chuyến đi của mình. Từ đó, nó vô tình trở thành một trong những công việc không thể từ bỏ của hai cô gái trẻ.
Huyền Chip - cô bạn đã thành công với công việc đầy mới mẻ này.
Thùy Dương (19 tuổi, Hà Nội) là một CTV của không ít tờ báo có mục du lịch. Cô bạn tâm sự: “Không đơn giản là đi du lịch, bạn cần chủ động gặp gỡ, trò chuyện với mọi người. Đầu tiên là các mối quan hệ sẽ được mở rộng, kĩ năng giao tiếp cũng từ đó mà tăng theo. Gửi bài cho báo và nhận được nhuận bút, những chuyến đi của bạn coi như được tài trợ phần nào khoản chi phí. Vừa được du hí, vừa có tiền, thích lắm!”
Có quá khó để thành công?
Không có ngôi trường nào mở riêng ngành đào tạo các nhà báo lữ hành, nhưng bạn hoàn toàn có thể trau dồi, tích lũy kinh nghiệm cho chính mình.
- Bắt đầu bằng viết nhật ký: Thói quen viết nhật ký, ghi lại những điều mình đã, đang hoặc muốn làm trong ngày hôm nay, sẽ làm trong ngày sắp tới. Thói quen này sẽ khiến bạn cảm thấy việc ghi lại hành trình du lịch một cách dễ dàng và “nhanh gọn nhẹ” hơn.
- Không thể thiếu những bức ảnh. Hãy chọn những chiếc máy ảnh gọn nhẹ nhưng chất lượng tốt. Góc nhìn mới lạ, cảm quan sắc nét sẽ giúp bài viết của bạn có nhiều điểm cộng hơn.
- Đừng lặp lại những điều đã cũ. Hầu hết những địa điểm trên thế giới đều đã có người đặt chân qua. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải tìm ra những điểm mới lạ ở địa danh đã cũ, tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ, những điều mới lạ, những rung động từ riêng con tim bạn. Chỉ có như thế, bài viết của bạn mới khác biệt so với những người khác và dễ được chọn đăng.
- Khách quan hóa những trải nghiệm. Mặc dù tôn trọng những điểm riêng, nhưng bạn không nên để cảm nhận của riêng mình ảnh hưởng đến cảm quan chung của độc giả về nơi đó. Ví dụ, nếu bạn đến Indonesia và bị cướp, hãy bình tĩnh và phân tích nguyên nhân. Không thể vì bạn bị cướp mà khiến độc giả nghĩ rằng Indonesia là một đất nước không an toàn.
- Tiền không phải là tất cả. Bài viết bạn được đăng báo, bạn sẽ nhận được tiền. Nhưng đừng để tiền nhuận bút trở thành lý do chính cho chuyến hành trình của bạn. Bởi một khi bạn chịu áp lực của vấn đề tài chính, bạn sẽ viết theo trách nhiệm và nghĩa vụ chứ không vì thực sự đam mê.
- Ra khỏi những trang sách. Với dân đi phượt, tìm kiếm thông tin, đọc sách du lịch trước là điều cần thiết. Nhưng bạn không bị ép buộc phải theo sát những lịch trình có sẵn, hãy tự tạo ra hành trình của riêng mình và chia sẻ chúng với độc giả.
- Kín tiếng là yêu cầu tối thiểu. Đa số các tờ báo đều yêu cầu thông tin bạn cung cấp chưa được đăng tải ở các trang báo nào, thậm chí cả các trang mạng xã hội. Trước khi nó xuất hiện trên báo với tên của bạn, không nên để thông tin tràn lan khắp chốn. Tính bản quyền sẽ bị mất, bài viết của bạn sẽ được báo chọn đăng dưới danh nghĩa “sưu tầm” và bạn sẽ không được hưởng nhuận bút.
Tuy nhiên, công việc này có một nhược điểm cực lớn là rất khó để có thể giúp bạn trụ vững với nó lâu dài. Vì đôi khi chi phí chi trả cho một chuyến đi nhiều gấp 2 đến 3 lần nhuận bút bạn nhận được. Thế nên công việc này chỉ có thể được xem là "nghề tay trái" với một hoặc vài tháng đi một lần, và chỉ dành cho những bạn thật sự đam mê chu du 4 phương.
Hoặc nếu bạn muốn biến nó thành nguồn thu nhập chính, hãy liên hệ và tìm kiếm đến những trang báo, truyền hình chuyên về du lịch, họ luôn có một khoản tiền dùng để giúp bạn chi trả mọi thứ trong chuyến đi. Nhưng bạn nên nhớ là phải học thêm về chuyên ngành Báo chí hoặc Biên tập thì mới có thể được nhận vào làm việc tại những nơi này.