8 phương pháp nhớ bài thật sâu và lâu

Trương Hồng Anh, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 17/11/2013
Chia sẻ

Việc sở hữu một trí nhớ tốt đã giúp rất nhiều người có được thành công. Trí nhớ tuyệt vời giúp họ luôn đứng đầu trong lớp học, được khen ngợi ở công ty, thoải mái với cuộc sống hàng ngày…

Học tập của teen luôn luôn gắn liền với ghi nhớ và trí nhớ hoàn toàn có thể rèn luyện được. Tám bí quyết ghi nhớ sau đây sẽ giúp bạn có một trí nhớ tốt và thành công trong học tập.

Bí quyết thứ nhất: Xác định chắc chắn những vấn đề cần nhớ

Khi bạn tìm hiểu một vấn đề mới sẽ có rất nhiều chi tiết xung quanh. Bài giảng của giáo viên có rất nhiều ý, quyển sách bạn đọc cũng có rất nhiều luận điểm và có những thứ hoàn toàn không cần thiết đối với vấn đề của bạn. Công việc lúc này đó là xác định chắc chắn những vấn đề cần nhớ. Bạn cần dùng bút màu gạch chân những ý cần nhớ trong sách, ghi lại những ý chính trong bài giảng. Xác định vấn đề cần nhớ là bước đầu tiên giúp bạn nhớ tốt đấy.

8 phương pháp nhớ bài thật sâu và lâu 1

Bí quyết thứ hai: Có niềm tin với chính mình

Bạn cần xác định là phải nhớ và có niềm tin với chính mình. Hãy luôn nhắc nhở với bản thân: “Tôi hoàn toàn có thể nhớ chính xác những nội dung đó”. Niềm tin chính là động lực thúc đẩy bạn nhớ tốt.

Bí quyết thứ ba: Nhắc lại nhiều lần

Chúng ta thường nhớ tên họ của người thân và không bao giờ quên. Chúng ta có thể gọi tên chính xác những đồ dùng được sử dụng hàng ngày, chính vì những từ này được lặp đi lặp lại nhiều lần. Tại sao học tiếng mẹ đẻ lại dễ hơn ngoại ngữ? Điểm mấu chốt chính là chúng ta sử dụng tiếng mẹ đẻ hàng ngày còn ngoại ngữ ít được sử dụng nên khó nhớ và không hình thành phản xạ tự nhiên. Một số người ra nước ngoài sinh sống, luôn luôn phải dùng đến ngoại ngữ vì vậy mà nhanh chóng thông thạo. 
                     
Trí nhớ được lặp đi lặp lại nhiều lần được gọi là trí nhớ “cơ bắp”. Rèn luyện trí nhớ cơ bắp thường xuyên sẽ giúp bạn có một trí nhớ tốt và hình thành phản xạ tự nhiên với vấn đề đã ghi nhớ. Trí nhớ “cơ bắp” là bí quyết tốt nhất để học ngoại ngữ.

Bí quyết thứ tư: Hiểu nội dung cần nhớ

Bạn sẽ nhớ tốt những thứ mà bạn hiểu rõ ràng. Nếu bạn đọc nhiều lần mà không hiểu một nội dung nào đó hãy dùng biện pháp nhớ “cưỡng chế”, tức là cứ học thuộc nội dụng và sau đó từ từ tìm hiểu những gì mình nhớ được. Bạn có thể nhờ bạn bè, thầy cô giảng giải hoặc có thể tìm ở những tài liệu khác cho đến khi hiểu những kiến thức đó. Bạn đừng vội nghi ngờ phương pháp này, hãy thực hành và cảm nhận hiệu quả.

8 phương pháp nhớ bài thật sâu và lâu 2

Bí quyết thứ năm: Sắp xếp và phân loại hợp lí số lượng bài học

Bạn hãy sắp xếp giáo trình, bài giảng, sách giáo khoa hay sách tham khảo thành những đề mục nhỏ, rồi đến các đề mục lớn, sau đó là các chương và cuối cùng là các phần. Khi ghi nhớ bạn cũng tuân theo trình tự này. Học từng cái nhỏ rồi tổng hợp thành cái lớn. 

Bí quyết thứ sáu: Muốn nhớ kĩ, cần ghi chép

Bạn cần chuẩn bị một quyển vở nhỏ và một chiếc bút đặt trên bàn học. Khi bạn đột nhiên nghĩ đến một kiến thức nào đó cần nhớ hay chỉnh lí thì hãy lập tức ghi lại. Khi bạn ghi chép, bạn đã nhớ một lần. Với phương pháp này, hiệu quả ghi nhớ đạt được sẽ lớn hơn rất nhiều.              

Bí quyết thứ bảy: Tích cực thực hành

Tại sao bạn biết đi xe đạp thì không bao giờ quên? Chính là việc đạp xe phải dùng đến cơ bắp. Bạn hãy thực hành khi học để tạo cảm giác hưng phấn. Học hóa học, vật lí, bạn hãy tự tay mình làm thí nghiệm. Học địa lí, sinh vật bạn hãy tự tay vẽ biểu đồ, vẽ hình giải phẫu. Những hoạt động kết hợp sẽ nâng cao hiệu quả ghi nhớ. Chỉ cần bạn tích cực và độc lập bạn sẽ thấy mình nhớ tốt hơn những người xung quanh.

Bí quyết thứ tám: Nhớ bằng cách vận dụng sự liên tưởng

Bạn sẽ nhớ tốt hơn bằng cách sử dụng sự liên tưởng. Ví dụ như trời xanh với máy bay, vườn hoa với ong bướm, mặt trăng với bầu trời đêm nhiều sao… nghĩ đến cáo có thể liên tưởng đến giảo hoạt. Nghĩ đến sắt, thép có thể liên tưởng đến sự kiên cường, mạnh mẽ…

Bạn hãy nhớ rằng liên tưởng càng sinh động, ấn tượng thì bạn ghi nhớ càng tốt. Càng lặp lại nhiều lần, ấn tượng càng sâu sắc giúp hình thành phản xạ tự nhiên. Liên tưởng thời gian càng gần càng dễ nhớ.

Còn rất nhiều cách để ghi nhớ, chỉ cần bạn muốn nhớ, tin tưởng rằng mình sẽ nhớ và vận dụng sự liên tưởng một cách sáng tạo, chắc chắn bạn sẽ nhớ tốt. 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày