1. Là một người có tầm nhìn và trách nhiệm
Tầm nhìn và trách nhiệm chính là hai phẩm chất quan trọng bạn cần phải có và phải tập luyện nếu bạn muốn trở thành lãnh đạo của một tập thể. Bạn phải là người “nhìn xa trông rộng” và có khả năng dẫn dắt những người khác đạt đến tầm nhìn ấy. Bạn không nên tạo khoảng cách quá xa so với những thành viên khác trong tập thể, ngược lại, phải gần gũi, thấu hiểu và phải biết tôn trọng người khác bằng cách tạo điều kiện để họ tham gia giải quyết các vấn đề của tập thể. Những ý tưởng sáng tạo, tư duy phản biện và mọi sự góp ý đều phải được trân trọng và lắng nghe.
2. Phong cách và tạo ra bầu không khí thoải mái
Để trở thành một lãnh đạo tốt, bạn cần duy trì không khí làm việc, học tập của tập thể ở mức gần gũi nhất có thể. Sự gần gũi sẽ giúp nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo hơn. Một bầu không khí như thế có thể được tạo dựng bằng nhiều cách như: tổ chức các buổi liên hoan nhỏ, tổ chức những buổi họp không chính thức hay tổ chức đi chơi định kỳ…
Trong bầu không khí thân thiện ấy, bạn cũng cần phải có một phong cách gần gũi và truyền được tư tưởng đó cho mọi người. Trong một tập thể, đừng để những khoảng cách về ăn mặc, nói năng, hay những thứ vật chất được tạo ra.
3. Những quyết định chính xác
Để duy trì được uy tín của mình, bạn phải là người nói được và làm được. Bạn nói rất hay và có lí, nhưng nếu bạn làm không ra gì thì chắc chắn những thành viên khác trong tập thể sẽ không nể phục bạn. Chính vì vậy, ngoài việc nói tốt, bạn cần có những quyết định chính xác để hoàn thành những công việc quan trọng, đưa tập thể tiến lên và đảm bảo quyền lợi cho tập thể.
4. Dám thay đổi và nhận lỗi
Không ai là hoàn hảo và bạn cũng có lúc bị mắc lỗi, vì thế hãy biết thay đổi và nhận lỗi khi có vấn đề xảy ra. Sự nhìn nhận khách quan không khiến bạn bị “xấu mặt” mà ngược lại, sẽ giúp bạn được lòng mọi người hơn. Bạn sẽ chẳng thể dạy bảo ai nếu bạn không gương mẫu.
5. Biết tạo cảm hứng và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi
Một nhà lãnh đạo không thể áp đặt tập thể theo kiểu: “Các bạn phải làm thế này”, “các bạn chỉ việc làm theo tôi”,… Mà phải là “chúng ta phải làm thế nào?”, “Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng…”. Sự áp đặt sẽ khiến nguồn cảm hứng của mọi người tắt lịm và uy tín của người lãnh đạo cũng đi xuống. Vì vậy, hãy “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”.
Một nhà lãnh đạo phải biết chấp nhận sự thay đổi. Người lãnh đạo không nhất thiết cứ phải là người giỏi nhất, bạn phải chấp nhận có người vượt qua mình. Không phải vì bạn là lãnh đạo và bạn tìm mọi cách không cho ai vượt qua mình. Để trở thành một lãnh đạo tốt, bạn phải biết tạo sự cạnh tranh để tập thể phát triển, phải tạo cơ hội cho những sự tiến bộ, sáng tạo.
6. Luôn tạo sự mới mẻ và năng động
Hãy mạnh dạn phá bỏ những truyền thống lâu đời của tập thể để có những thay đổi mới. Lớp học đang nhàm chán bởi sự xa cách của mọi người, nếu là lãnh đạo tốt, bạn sẽ có những phong trào để khuấy động và tạo sự gần gũi cho cả lớp.
Đừng mãi chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn mà hãy chú ý cả việc tổ chức các cuộc thi, vui chơi cho cả lớp, như: thi hát, thi nhảy, thi thể thao… với tinh thần “vui là chính” sẽ giúp các thành viên hiểu nhau hơn. Thường xuyên họp mặt lớp để tìm ra các phương pháp, phương án đổi mới tập thể, làm mới lớp học, nơi làm việc sẽ giúp mọi người phá bỏ sự khép kín trở nên năng động hơn. Đồng thời cũng giúp bạn khẳng định thêm uy tín.
7. Là người “đứng mũi chịu sào”
Phẩm chất cuối cùng và có lẽ là quan trọng nhất đối với một người lãnh đạo, đó là khả năng “đứng mũi chịu sào”. Với rất nhiều người, việc trở thành lãnh đạo là để hưởng những quyền lợi và ưu tiên. Điều đó không có gì sai, nhưng nếu bạn là một lãnh đạo tốt thì cần phải biết cả việc đứng lên chịu trách nhiệm khi tập thể có lỗi. Người lãnh đạo phải là người đứng lên gánh vác sức nặng của tập thể và kéo tập thể đứng lên sau thất bại. Một lãnh đạo chỉ biết chăm chăm đổ lỗi, rồi trách móc các thành viên khác sẽ không được mọi người kính trọng.