Đến đền, chùa cầu may
Vào thời điểm này, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy lượng thí sinh đến các đền chùa để cầu may, xin lộc ở nhiều địa phương ngày một tăng. Phần lớn các sĩ tử cùng với gia đình mong ước được Thần, Phật phù hộ để sĩ tử sẽ đạt được kết quả cao hoặc gặp những may mắn bất ngờ trên con đường thi cử.
Vào những ngày này, lượng khách đến vãn cảnh và thắp hương tại chùa Hà ngày một đông hơn. Bác Nguyễn Thị Hồng trú tại phố Nghĩa Tân – phường Nghĩa Đô – Hà Nội – một phụ huynh có con thi đại học năm nay cho biết: “Đưa con đi lễ chùa cầu may trước là cầu xin với Thần, Phật, sau là giúp con cảm thấy tự tin và vững tâm hơn khi đi thi vì lúc nào cũng có Thần, Phật phù hộ.”
Đã thành một thông lệ, vào những ngày này, hàng ngàn lượt học sinh đổ về Văn Miếu Quốc Tử Giám ngày một đông. Trong những ngày này, cảnh tượng xô lấn, chen chúc ở đây là không thể tránh khỏi. Nhiều thí sinh còn tranh thủ lúc không có ban quản lý, chạy vào sờ đầu rùa đá để lấy hên.
Đi xem bói
Ngay từ đầu năm, rất nhiều thí sinh đã đến những địa điểm bói toán để hỏi về con đường thi cử, lập thân của mình. Vào những ngày này, những gia đình cô đồng, thầy bói dường như càng phát tài hơn khi lượt khách từ các nơi xa cứ nườm nượp đổ về. Các hình thức xem bói về con đường thi cử trở nên phong phú hơn bao giờ hết từ xem tướng, xem tay, lật bài, đến xem… số báo danh, bói toán trên mạng đều được các “thầy” áp dụng triệt để.
Doãn Thị Hồng (THPT Nguyễn Huệ - Hà Đông) cho biết: “Mình theo các bạn đi xem bói và gặp quẻ xui nên giờ rất lo lắng, bất an làm bố mẹ cũng lo theo. Gia đình mình đã cúng giải hạn để mình có thể đạt được kết quả tốt trong kỳ thi đại học lần này.”
Đi xem bói nhiều khi mang lại tác động tiêu cực đối với tâm lý các sĩ tử. Nhiều sĩ tử khi được thông báo sẽ “trượt” đã rất lo lắng, mất tinh thần và không thể làm bài thi tốt như mong đợi.
Ảnh minh họa.
Rất nhiều kiểu kiêng khem
Trước ngày thi, sĩ tử truyền tai nhau rất nhiều cách kiêng khem để không ảnh hưởng đến kết quả thi cử của mình. Các món ăn như lạc, bí, trứng, chuối… hầu như đã không còn có trong thực đơn của các sĩ tử. Một số sĩ tử còn kiêng cắt tóc vì sợ sẽ làm giảm bớt may mắn khi đi thi. Ngược lại các món ăn liên quan đến đậu được rất nhiều thí sinh quan tâm trong thời điểm này.
Nói đến các món ăn trong kỳ thi Đoàn Thu Hồng (THPT Nguyễn Tất Thành) cho biết: “Cả tháng nay mình đã ăn các món ăn liên quan đến đậu như đậu phụ, đậu xanh, đậu đỏ, và ngán đến tận cổ. Tuy nhiên, để đảm bảo may mắn trong kỳ thi đại học thì mình vẫn sẽ tiếp tục ăn cho đến lúc thi.”
Sẽ vẫn trượt nếu chỉ cầu may
Các hoạt động cầu may của thí sinh chỉ đáp ứng phần nào ở góc độ tâm lý, còn hơn hết, kết quả thi đại học phụ thuộc vào sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm và chịu áp lực trong phòng thi của các thí sinh.
TS Nguyễn Thanh Hoàn, giảng viên khoa Tâm lý Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM phân tích về bệnh “mê tín” của học sinh: “Đối với tâm lý mỗi người, việc tìm niềm tin ở một điều gì đó là hoàn toàn bình thường, giống như việc các bạn tin vào các vị thần, các bạn hay đi chùa, hay đi nhà thờ để cầu mong một điều gì đó. Điều đó không có gì sai, vì xét theo mặt tích cực, nó giúp chúng ta có thêm lòng tin để thực hiện một việc gì đó. Nhưng nếu vì lo lắng hoặc quá hoang mang trước kỳ thi ĐH chẳng hạn, mà tìm đến các khái niệm tâm linh thì thật không nên. Chưa ai kiểm chứng được tính đúng sai của những việc như xem bói hay xin bùa may mắn, mà đôi khi, chúng ta còn rất dễ bị lừa bởi những lời “thầy phán” nữa. Nếu các em cảm thấy lo lắng, nên dành thời gian chăm sóc bản thân mình nhiều hơn, ăn uống, học tập có điều độ, và tập tin tưởng vào bản thân, hơn là đặt niềm tin vào lời nói của người khác.”
Đi đền, chùa, kiêng khem để cầu may không phải là xấu nhưng quan trọng hơn cả vào lúc này đối với sĩ tử là việc giữ sức khỏe tốt, tâm lý vững vàng để có thể vượt vũ môn hóa rồng. Chúc các sĩ tử năm nay gặp nhiều may mắn!