Hoàng Rob – Hành trình từ “kẻ ngoại đạo”, tới nổi tiếng nhờ ăn may và nghệ sĩ Violin đầu tiên có concert

.A.D, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 15/04/2017

Là nghệ sĩ nhạc cụ đầu tiên có live concert với Hừng Đông; rồi là nghệ sĩ đầu tiên lọt vào đề cử hạng mục Nghệ sĩ mới của năm ở giải thưởng Âm nhạc Cống hiến mà không phải là ca sĩ – từng đó cái đầu tiên đã đủ để người ta ấn tượng về Hoàng Rob.

Hoàng Rob trong khoảng 2 năm trở lại đây đã và đang trở thành một cái tên quen, không chỉ là với giới nghệ sĩ mà những khán giả, người thưởng thức nghệ thuật cũng thế. Người ta thực sự chú ý tới Hoàng Rob từ MV Say you do được quay ở Sơn Đoòng. Rồi cũng từ đó, anh được gọi là "9x nổi tiếng sau một đêm". Người ta vẫn nghĩ Hoàng Rob ăn may.

Nhưng không, cho đến bây giờ với live concert Hừng Đông vừa qua, rồi tới việc lọt vào đề cử hạng mục Nghệ sĩ mới của năm ở giải thưởng Âm nhạc Cống hiến mà không phải là ca sĩ – trước đó là rất nhiều những sản phẩm nghệ thuật lao động nghiêm túc cùng sự chỉn chu, sáng tạo, Hoàng Rob đã tự kể một câu chuyện đầy cảm hứng về niềm đam mê violin của chính mình dù chưa từng được học hành bài bản. Để rồi ai cũng phải nhìn anh với một ánh mắt khác, cái nhìn về một người làm nghệ thuật chân chính, bất chấp hết vì đam mê.

Không có gì phải xấu hổ khi người ta gọi mình là "kẻ ngoại đạo"

Là nghệ sĩ đầu tiên lọt vào đề cử hạng mục Nghệ sĩ mới của năm ở giải thưởng Âm nhạc Cống hiến mà không phải là ca sĩ, cảm xúc của Hoàng Rob đang như thế nào?

Là nghệ sĩ chơi nhạc cụ đầu tiên được đề cử xuyên suốt lịch sử giải thưởng âm nhạc Cống Hiến là một điều thật sự ý nghĩa đối với tôi. Không chỉ vì đây là giải thưởng danh giá và uy tín mà tôi đã theo dõi từ lâu mà còn là giải thưởng duy nhất hiện tại ghi nhận sự đóng góp nhạc công - nghệ sĩ khí nhạc một cách chính thức và trân trọng.

Chính vì vậy, niềm vui và tự hào của Hoàng không gói gọn trong việc những nỗ lực trong một năm qua của mình đã được nhìn nhận, mà xa hơn nữa - là tín hiệu đáng mừng dành cho những cây đàn violin, cho âm nhạc hoà tấu đương đại - chất liệu âm nhạc còn khá lạ lẫm với số đông đại chúng, đang dần dần lộ diện ra ánh sáng.

Hoàng Rob – Hành trình từ “kẻ ngoại đạo”, tới nổi tiếng nhờ ăn may và nghệ sĩ Violin đầu tiên có concert - Ảnh 1.

Anh có thể nói về những hoạt động nghệ thuật mình đã làm được trong suốt một năm qua?

Trong năm qua Hoàng đã ra mắt 2 dự án âm nhạc, một dự án vào đầu năm là Tự Nguyện - dự án kết hợp âm nhạc, đồng thời giới thiệu những thắng cảnh đẹp trên đất nước, ngay sau MV Say You Do quay tại hang Sơn Đòong nhận được nhiều sự yêu mến, và một quyển sách cùng tên nói về những trải nghiệm của mình ở những vùng đất đấy.

Cuối năm là một dự án mà tôi đã dành nhiều tâm huyết và ấp ủ trong 2 năm mang tên Hừng Đông - bao gồm album 10 tác phẩm được nhà sản xuất Khắc Hưng viết riêng, và live concert Violin diễn ra tại nhà hát lớn Hà Nội.

Hoàng cũng đã có cơ hội làm những single kết hợp với những nghệ sĩ mà mình yêu mến như Diva Trần Thu Hà (Mây Bay Cuối Trời), Thu Phương (Ngày Đó Ta Gặp Lại), Kiều Anh (Con Chim Sâu), Hoàng Dũng (Chờ Anh nhé). Cũng như có nhiều cuộc "đối thoại" giữa violin và các loại hình nghệ thuật khác như tác phẩm Tiếng Đêm kết hợp cùng nghệ sĩ múa Linh Nga, hay là sự kết hợp với những giá trị âm nhạc dân tộc như cây đàn nhị, ca trù…

Trong số đó thì đâu là điều khiến anh tự hào và hài lòng nhất?

Có lẽ nhiều người nghĩ rằng tôi đã rất mãn nguyện khi là nghệ sĩ gắn liền với cụm từ "đầu tiên": nghệ sĩ nhạc cụ đầu tiên có live concert hiện đại, có album riêng, được đề cử giải thưởng Cống Hiến. Tuy nhiên điều mà Hoàng tự hào và hài lòng nhất là mình đã có nhiều năng lượng để có thể tập trung hoạt động và làm nên nhiều sản phẩm trong năm qua, đối với một nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ, theo Hoàng thì không có niềm vui nào bằng việc được làm nhạc, được chơi nhạc và được tận hưởng âm nhạc của mình hàng ngày.

Dù là cái tên không còn xa lạ với giới trẻ, lại vừa tổ chức live concert Hừng đông với sự xuất hiện của rất nhiều người nổi tiếng và ra mắt album cùng tên, nhưng người ta vẫn gọi Hoàng Rob là "kẻ ngoại đạo". Anh nghĩ gì về điều này?

Thật ra về mặt "bài bản" thì Hoàng thấy người ta nghĩ như vậy cũng đúng thôi vì thường thường đa số những nghệ sĩ nhạc cụ đều được đào tạo theo giáo trình từ nhỏ trong nhạc viện và trải qua quá trình rèn luyện rất nặng, còn Hoàng thì không. Hoàng theo học kinh tế và hiện tại đã có bằng thạc sỹ kinh tế, còn âm nhạc thì phần lớn là Hoàng tự học và được sự hướng dẫn riêng của các giảng viên nhạc viện. Đó là điều không có gì phải xấu hổ khi thừa nhận cả.

Hoàng Rob – Hành trình từ “kẻ ngoại đạo”, tới nổi tiếng nhờ ăn may và nghệ sĩ Violin đầu tiên có concert - Ảnh 2.

Từng chơi nhạc với catse 30k/2 tiếng đồng hồ

Cơ duyên nào đưa anh đến với cây đàn Violin? Con đường theo đuổi và hoạt động nghệ thuật của Hoàng Rob từ trước tới giờ có được rải hoa hồng?

Trước Violin, Hoàng đã học chơi guitar gần 5 năm, và lần đầu tiên Hoàng biết đến violin vào năm 12 tuổi, khi được tặng một đĩa nhạc có hình của nhóm Bond - nhóm hoà tấu dây hiện đại nổi tiếng thế giới. Ngay lần nghe đầu tiên Hoàng cảm nhận rằng cây đàn và âm thanh đấy như sinh ra dành cho mình và có một điều gì đó như đã thuộc về nhau từ rất lâu vậy.

Khi đó gia đình chưa ủng hộ, tôi cứ ước ao và nung nấu ý định tự để dành tiền để có thể mua 1 cây đàn riêng cho mình. Mãi 2-3 năm sau, sau một đợt tết, gom hết số tiền mừng tuổi thì được 700k, tôi liều mình trốn nhà để bắt xe một mình vào thành phố Huế (cách quê Hoàng 4 tiếng) để mua 1 cây đàn rẻ nhất mà theo lời của người bán thì không dùng để đánh nhạc mà dùng để… chụp ảnh cưới, nhưng mình thích quá nên lúc đấy chỉ nghĩ đơn giản bằng mọi giá phải có được.

Nhắc lại những ngày tháng bắt đầu thì thật sự rất vất vả khi không có ai chỉ dẫn cho mình cả trong khi violin được xem là nhạc cụ khó nhất và luôn phải có người có chuyên môn giảng dạy. Hoàng vừa phải mày mò từ google, từ youtube, từ những diễn đàn âm nhạc ở nước ngoài, vừa phải đánh vật với tiếng đàn phát ra như mèo hen.

Khi ra Hà Nội để học đại học, Hoàng chỉ thuộc vài ba bài và chơi nhạc một cách bập bõm. Khi đó vì quá đam mê nên tôi đã xin chơi nhạc ở một vài quán cafe nhỏ với cát sê chỉ 30k/ 2 tiếng đồng hồ chơi liên tục mỗi tối, rồi tham gia các sân khấu và tụ điểm âm nhạc của sinh viên miễn phí, cứ thế Hoàng có nhiều cơ hội đến với mình hơn và phát triển con đường của mình một cách tự nhiên.

Tuy nhiên khi nhìn lại cả quãng đường mình đã đi, tôi vô cùng cám ơn những ngày tháng đó, những sân khấu nhỏ nhất, những đêm diễn nhỏ nhất, những lúc khó khăn muốn bỏ cuộc… Hoàng thấy mình đã học được rất nhiều từ từng điều nhỏ nhặt, từng khoảnh khắc được chơi nhạc như vậy. Chứ không phải từ trường lớp.

Với phần đông mọi người, nghệ sĩ violin là người sẽ gắn liền với âm nhạc cổ điển - thứ âm nhạc bác học, nhưng con đường Hoàng Rob lựa chọn lại hoàn toàn khác?

Thật ra Violin là một nhạc cụ vốn đã gắn liền với cái nôi của âm nhạc cổ điển - âm nhạc bác học với rất nhiều những quy tắc biểu diễn mang tính khuôn thước. Tất cả mọi giáo trình để bắt đầu với Violin đều là âm nhạc cổ điển. Chắc cũng do Hoàng không học ở nhạc viện từ nhỏ như các bạn nên mình cũng nghĩ khác đi. Hoàng rất thích nhạc cổ điển nhưng tự thấy mình không hợp với những quy tắc như vậy. Một phần cũng do từ bé Hoàng đã bắt đầu với âm nhạc của Bond, của Vanessa Mae, của Yanni - những nghệ sĩ đương đại với phong cách biểu diễn rất tự do, cá tính và nghịch ngợm phóng khoáng… nên những điều đó có lẽ cũng đã thấm vào tư duy âm nhạc của Hoàng một cách tự nhiên như hơi thở hàng ngày vậy.

Hoàng vẫn hay tự hỏi mình 1 câu hỏi: tại sao ca sĩ lại có người hát opera, có người hát pop, có người hát dân ca, có người hát nhạc dance, có người hát ca trù, có người lại hát jazz. Thế thì tiếng đàn Violin - thứ âm thanh gần nhất với giọng hát của con người thì lại chỉ bó buộc trong âm nhạc cổ điển hay đứng phía sau đệm bè cho ca sĩ. Hơn nữa âm nhạc cổ điển vẫn chưa thật sự thâm nhập được với số đông người nghe ở Việt Nam vì tính hàn lâm của nó.

Chính vì thế nên Hoàng muốn chơi thể loại âm nhạc của riêng mình - âm nhạc đương đại, khi nó mang tinh thần rất tươi mới, rất đương thời, rất cập nhật và có thể gửi vào nhiều cảm xúc cá nhân cũng như tuyên ngôn nghệ thuật riêng của mình, lại có thể chạm đến số đông khán giả nghe nhạc. Bởi suy cho cùng thì Hoàng nghĩ rằng chơi thể loại âm nhạc gì không quan trọng, quan trọng là phải thấy "vui" với những giai điệu của riêng mình.

Đã bao giờ Hoàng Rob tự ti khi từ xuất phát điểm mình không có sự đào tạo bài bản và chỉn chu về âm nhạc?

Tất nhiên là có, tôi cũng đã từng có những mặc cảm của một "người ngoại đạo" khi không được đào tạo bài bản trong trường âm nhạc từ bé như các bạn khác, cũng có những khoảng thời gian mà mình rất muốn bỏ cuộc khi nhìn các bạn chơi nhạc một cách rất là điêu luyện một ca khúc mà mình thì phải tập luyện và nỗ lực rất nhiều mới chơi được và hơn nữa lại có cả những áp lực khi chơi một loại nhạc cụ mà có quá nhiều định kiến dành cho những "người tự học".

Tuy nhiên, sau tất cả, những điều đó đã trở thành động lực cho mình. Hoàng nghĩ rằng mình chỉ sợ thiếu đi đam mê, thiếu đi sự kiên trì và tư duy âm nhạc cá nhân chứ không sợ thiếu đi kĩ thuật hay học hành, vì những điều đó đều có thể cải thiện nếu mình thực sự cầu thị và nghiêm túc cố gắng. Tới bây giờ Hoàng vẫn miệt mài học và tập đàn hàng ngày. Chính vì vậy, Hoàng đã tìm được cho mình những sự "kiêu hãnh" riêng của một nghệ sĩ đi theo con đường của chính mình, làm những sản phẩm của chính mình mà không có một mặc cảm nào nữa.

Đằng sau sự ăn may là những cố gắng chỉ mình mình biết

Nghệ sĩ nào cũng có quan điểm hoạt động nghệ thuật riêng, đâu là quan điểm của Hoàng Rob?

Quan điểm của Hoàng đơn giản lắm, một nghệ sĩ thành công là một nghệ sĩ có tư duy tốt, có cá tính riêng và nhất là - phải thấy hạnh phúc với những điều mình làm ra. Hoàng thấy nghệ thuật - âm nhạc đối với mình chỉ thực sự thú vị khi mình thấy vui lúc được chơi nhạc, thấy thổn thức khi lắng nghe những âm thanh, những sản phẩm của mình tạo nên, được kể những câu chuyện theo cách riêng, được trò chuyện với người nghe thông qua âm nhạc. Hoàng thấy bất hạnh nhất là khi nghệ thuật không soi chiếu được bản thân mình, khi làm ra những sản phẩm một cách miễn cưỡng.

Là một nghệ sĩ, Hoàng Rob nghĩ thế nào về âm nhạc thị trường?

Khác với nhiều nghệ sĩ vốn vẫn dành cái nhìn không mấy tích cực cho âm nhạc thị trường hay âm nhạc giải trí. Hoàng dù rất "tôn sùng" âm nhạc của những diva, những danh ca lớn hay là âm nhạc thể nghiệm khá kén tai nhưng cũng như nhiều bạn trẻ khác, Hoàng vẫn nghe và cập nhập những giọng ca, những bản hit nào đang khuấy động thị trường âm nhạc. Hoàng đặc biệt rất thích chị Hồ Ngọc Hà hay Sơn Tùng MTP dù nhiều người hay bảo chỉ là âm nhạc "giải trí", Hoàng thấy ở họ quá nhiều điều để những nghệ sĩ khí nhạc như Hoàng phải học hỏi và trau dồi, và quan trọng nhất là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của họ thật sự là một nguồn cảm hứng lớn.

Đối với Hoàng, dù nghệ sĩ là phải đào bới chính bản thân mình để khám phá ra những góc khác trong nghệ thuật nhưng không phải cứ cao siêu là sang còn âm nhạc bình dân là bị đánh giá thấp. Âm nhạc chạm được tới cảm xúc của số đông là một điều đáng trân trọng. Chỉ cần người nghệ sĩ tập trung làm tốt dòng nhạc mà mình theo đuổi, dù là thể loại nào đi chăng nữa thì đã là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường âm nhạc rồi. Đấy cũng chính là lí do vì sao Hoàng luôn cố gắng cân bằng điều này trong những sản phẩm của mình. Song song với những sản phẩm khá lạ tai mang tính thử nghiệm kết hợp cùng những diva hay các loại hình nghệ thuật khác, Hoàng vẫn đều đặn ra mắt những ca khúc kết hợp với những giọng ca đang "gần gũi" với các bạn trẻ để phát hành những ca khúc được yêu mến như Chờ Anh Nhé, Ngày Đó Ta Gặp Lại, Xin Mưa Rơi Nhanh, Độc Ẩm…

Từng được nhắc đến là người nổi tiếng sau 1 đêm khi cover lại những bản hit bằng violin, với anh đó có phải sự ăn may?

Đúng là may đấy chứ (cười), sau bản cover hit Say You Do của Tiên Tiên tại hang Sơn Đòong cách đây 2 năm và sau một đêm trở thành hiện tượng mạng xã hội, con đường âm nhạc và cuộc sống của Hoàng cũng có nhiều điều thay đổi, là động lực để mình có được ngày hôm nay.

Nhưng mọi người chỉ biết thế thôi, còn hành trình lúc mình nung nấu đi quay MV đấy, rồi lúc vượt qua một quãng đường với những ngày trèo đèo lội suối giữa cái nắng gần 40 độ, lạc trong rừng rậm mấy lần, đôi khi còn nguy hiểm tới tính mạng khi đứng trên đỉnh những tảng núi cao chót vót và nguy hiểm, hay lội qua những con suối sâu chảy siết để cho ra những khung hình đẹp nhất, rồi tay chân quần áo thì xây xát, da thì cháy nắng trầm trọng phải chữa trị một thời gian dài mới hết sau những ngày quay thì có ai biết. Thế nên Hoàng nghĩ, ẩn sau những sự "ăn may" ấy luôn là những câu chuyện, những nỗ lực và sự cố gắng mà chỉ mình mình biết.

Trong con đường hoạt động nghệ thuật nói chung, nghệ sĩ liệu có cần những sự ăn may như thế? Đâu là điều quan trọng nhất khi trở thành một nghệ sĩ, theo Hoàng Rob?

Hoàng nghĩ là bất cứ nghệ sĩ nào cũng cần những cú hích như thế để có thể có thêm nhiều động lực cho những sản phẩm tiếp theo của mình. Tuy nhiên điều quan trọng nhất trong nghệ thuật vẫn là sự kiên trì và dành tâm huyết cho những sản phẩm của mình hơn là chỉ mải miết đi tìm sự may mắn. Hoàng nghĩ rằng may mắn chỉ là "khoảnh khắc", mà khoảnh khắc thì không nói lên được quá trình hay con đường. Nếu bạn vụt sáng sau 1 đêm nhưng không có tài năng thật sự hay nỗ lực để khẳng định bản thân mình về lâu dài thì khó ở lại trong lòng khán giả.

Hoàng Rob – Hành trình từ “kẻ ngoại đạo”, tới nổi tiếng nhờ ăn may và nghệ sĩ Violin đầu tiên có concert - Ảnh 3.

Bố mẹ từng nói: Tới 40 tuổi biểu diễn thì còn ai muốn xem nữa?

Hãy nói về live concert Hừng Đông, đâu là điều khiến anh hài lòng nhất?

Điều mà Hoàng thích nhất xuyên suốt dự án Hừng Đông đó là đã phần nào thay đổi hình ảnh của mình trong mắt khán giả, không còn là nghệ sĩ chỉ cover lại các ca khúc nhạc pop hay gắn liền với các MV phong cảnh đẹp nữa mà Hoàng đang hướng đến trở thành nghệ sĩ đương đại độc lập, đào sâu vào âm nhạc hơn khi chơi những ca khúc được sáng tác và sản xuất riêng cho cây đàn của mình. Trong đêm live concert riêng của mình - cũng là live concert violin hiện đại đầu tiên tại Việt Nam, thay vì hình ảnh người nghệ sĩ Violin ngồi trong dàn nhạc, Hoàng đã có cơ hội trình diễn một cách phóng khoáng thoải mái hơn, được chạy nhảy và phiêu theo âm nhạc và được kể câu chuyện riêng của mình thông qua những tác phẩm concept chỉn chu.

Điều mà Hoàng hài lòng nhất trong live concert vừa qua là đã phần nào tạo nên được những sự đối thoại, giao thoa trong âm nhạc khi kết hợp tiếng đàn violin một cách bình đẳng với những loại hình nghệ thuật khác. Như sự kết hợp với giọng ca Diva Hà Trần, Thu Phương, với những điệu múa đương đại của NSƯT Linh Nga, với ca trù của Ca Nương Kiều Anh hay với những giá trị âm nhạc dân tộc qua cây đàn nhị. Lần đầu tiên mọi người được thấy nghệ sĩ violin xuất hiện cùng vũ đoàn, cùng âm thanh ánh sáng trẻ trung và hiện đại, khoác những trang phục cá tính, không còn đóng khung trong những quy tắc của dàn nhạc hay âm nhạc cổ điển.

Hoàng Rob có gặp nhiều khó khăn với "Hừng Đông" không? Anh đã xoay sở như thế nào với những điều đó?

Dự án Hừng Đông thật sự là một thử thách lớn với lòng kiên nhẫn của Hoàng khi đã tiêu tốn gần 2 năm để lên ý tưởng và bắt tay vào sản xuất âm nhạc, điều khó nhất trong album này đó là 10 ca khúc được sáng tác mới hoàn toàn và phải có sự liên kết để cùng kể lên một câu chuyện. Thế nên Khắc Hưng cũng mất khá nhiều thời gian để lắng nghe những câu chuyện của Hoàng, hiện thực hoá qua âm nhạc, tính tôi cũng cẩn trọng và duy mỹ nên có những ca khúc thu âm hơn 10 lần mới hài lòng được. Khi album hoàn thành, Hoàng cũng phải luyện tập với cường độ cao để chuẩn bị thể lực chơi live gần 2 tiếng liên tục - điều khá vất vả khi vừa chơi đàn vừa biểu diễn, trong Live Concert vừa qua.

Cách duy nhất để Hoàng có thể vượt qua được mọi điều đó là luôn tự nhắc nhở mình rằng đây là con đường mà mình đã chọn, một con đường chưa ai đi thì chưa bao giờ là dễ dàng cả, nếu làm được thì mình là người đầu tiên, mà không làm được thì mình là người thất bại, ranh giới chỉ mong manh như thế. Hơn nữa, Hoàng được sự động viên và hỗ trợ tối đa từ ekip của mình và người bạn thân - nhà sản xuất Khắc Hưng, mình chỉ việc yên tâm chơi nhạc thôi.

Hoàng Rob – Hành trình từ “kẻ ngoại đạo”, tới nổi tiếng nhờ ăn may và nghệ sĩ Violin đầu tiên có concert - Ảnh 4.

Một số người tò mò rằng nghệ sĩ trẻ như anh thì lấy đâu ra tiền để tự làm concert, lại còn là live concert với quy mô không hề nhỏ, hợp tác với nhiều nghệ sĩ lớn...

Thật ra Hoàng thấy mọi việc không khó như thế, sau hiệu ứng của MV Say You Do và dự án Tự Nguyện, mình đã nhận được nhiều lời mời biểu diễn tại các sân khấu ở Việt Nam và cả nước ngoài với mức cát sê cũng không hề ít. Vì học chuyên ngành kinh tế nên ngoài biểu diễn, Hoàng cũng đang điều hành vài mô hình kinh doanh riêng của mình, nên tất cả chi phí làm ra album và live concert riêng đều có thể nằm trong tầm tay nếu mình có sự tính toán kĩ lưỡng, hơn nữa Hoàng cũng đã có nhiều sự hỗ trợ rất ý nghĩa, từ các nhãn hàng, hay ví dụ như những nghệ sĩ khách mời trong live concert vừa qua đã không lấy cát sê hay chỉ nhận rất ít (cười).

Phải chăng anh có sự hậu thuẫn rất lớn từ gia đình?

Hoàng cũng hay nhận được những tin đồn như thế này, sự thật là Hoàng có sự hậu thuẫn từ gia đình chứ, nhưng là hậu thuẫn kiểu khi ra album thì bố mẹ ông bà mỗi người mua 10 đĩa ủng hộ hay lúc liveshow thì mọi thành viên trong gia đình đều gác lại các công việc bận rộn riêng để tự mua vé, tự bay ra Hà Nội từ Quảng Bình và Huế để xem Hoàng biểu diễn, Hoàng nghĩ còn điều gì đáng trân trọng hơn nữa khi mình được "hậu thuẫn" như vậy.

Hoàng Rob – Hành trình từ “kẻ ngoại đạo”, tới nổi tiếng nhờ ăn may và nghệ sĩ Violin đầu tiên có concert - Ảnh 5.

Bố mẹ luôn ủng hộ những việc anh làm chứ? Đã bao giờ họ cấm cản anh theo con đường này chưa?

Bố mẹ thỉnh thoảng còn nói nửa đùa nửa thật rằng "con cứ nghĩ đi, giờ con có thể thăng hoa nhưng với dòng nhạc con theo đuổi, tới 40 tuổi thì biểu diễn còn ai muốn xem nữa?". Nhưng có một điều thú vị là gia đình Hoàng có một truyền thống đó là không bao giờ ngăn cấm con cả, nhưng nếu con thật sự muốn thì phải tự nỗ lực mà làm. Đấy là lí do mà cây đàn đầu tiên, những cây đàn sau và chi phí làm nhạc đều là tự Hoàng lo được bằng chính những nỗ lực của mình. Và mình luôn khiến bố mẹ yên tâm khi luôn hoàn thành tốt mọi việc - vừa có sự thăng hoa trong hoạt động nghệ thuật, vừa có nền móng vững chắc khi làm một cán bộ của Bộ Văn Hoá - Thể Thao - Du Lịch và chuẩn bị tiếp tục nghiên cứu lên tiến sĩ kinh tế. Hoàng nghĩ bố mẹ, gia đình luôn có những cách ủng hộ riêng, đôi khi chỉ là những cử chỉ quan tâm nhỏ nhưng khiến mình xúc động.

Sau "Hừng Đông", Hoàng Rob dự định làm những gì nữa?

Trước mắt trong năm 2017 Hoàng sẽ đưa dự án Hừng Đông tới gần với số đông đại chúng hơn nữa bằng những MV được quay kĩ lưỡng, mà trước mắt sẽ là MV ca khúc Tiếng Đêm kết hợp cùng nghệ sĩ múa Linh Nga. Hoàng cũng đã có lịch trình đưa đêm live concert Hừng Đông vào với TP.HCM trong năm nay với một nội dung trẻ trung và gần gũi hơn cũng như sẽ có thêm vài sự kết hợp với những ca sĩ mà Hoàng và các bạn trẻ yêu mến. Hoàng cũng sẽ tham gia vào một dự án đưa âm nhạc dân gian Việt Nam ra với thế giới của Master Fader - Một nhóm những nhà sản xuất tài năng. Sắp tới Hoàng cũng nhận hợp tác và làm gương mặt đại diện cho một vài thương hiệu.

Liệu có quá tham vọng không?

Hoàng nghĩ rằng nếu muốn trở thành người tiên phong, muốn đi con đường chưa ai đi thì mình phải chấp nhận làm những điều chưa ai làm dù có khó khăn hơn. Đối với tôi, không có điều gì là quá tham vọng nếu cứ bắt tay vào làm và từng bước hiện thực hoá mọi kế hoạch thay vì chỉ mơ ước không thôi.

Cảm ơn Hoàng Rob với những chia sẻ thú vị này!