Vài ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao về đoạn clip ghi lại cảnh người phụ nữ bán hàng rong tại tỉnh Khánh Hòa được cho là tranh thủ lúc vắng khách người này đã nhanh tay đổ toàn bộ đồ ăn (được cho là thức ăn khách dùng thừa) vào nồi nước lèo. Thậm chí, theo clip chia sẻ, phần nước lọc khách uống thừa cũng được người này "tận dụng" đổ lại vào bình nước.
Sau khi xem đoạn clip này, cộng đồng mạng bày tỏ sự hoang mang, bức xúc với hành vi của người bán. Đồng thời, ai cũng cảm thấy lo lắng về nguy cơ mắc bệnh có thể xảy ra khi ăn uống tại quán bán hàng không đảm bảo tốt về an toàn thực phẩm như vậy.
Là một chuyên gia lâu năm công tác trong ngành công nghệ thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đánh giá nếu đây đúng là hành động đổ thức ăn thừa vào nồi nước dùng thì thật là "không văn minh, cần được lên án".
"Hành động này nếu có thật thì có thể được đánh giá là vô cùng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều đó tạo cảm giác không an toàn cho người ăn, khiến mọi người có cảm giác lo sợ", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Theo vị chuyên gia, hành động đổ dồn nước dùng đã ăn trước đó vào nồi nước dùng chung và tiếp tục sử dụng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho khách hàng. Không chỉ đáng sợ ở phần nước lèo dùng lại, mà ngay cả những chiếc bát, đũa... đã dùng cũng khó đảm bảo vệ sinh và góp phần tăng nguy cơ đe dọa sức khỏe.
Việc ăn uống trong những quán ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhẹ thì gây tiêu chảy, buồn nôn, nặng hơn thì có thể dẫn đến ngộ độc cấp, nhiễm khuẩn.
Đáng sợ nhất, vi khuẩn HP có thể lây truyền từ người này sang người khác qua việc dùng chung bát đũa, đặc biệt là ăn uống chung một loại thực phẩm. Vi khuẩn HP ngoài tồn tại trong niêm mạc dạ dày còn có trong nước bọt, mảng bám trên răng và khoang miệng của người bệnh, chính vì thế chúng cực kỳ dễ lây lan qua đồ ăn và các dụng cụ ăn uống. HP là nguyên nhân chính gây viêm, loét dạ dày-tá tràng và dẫn đến ung thư dạ dày.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói, thực trạng dùng đồ ăn thừa của khách cũ bán cho khách mới thực ra không mới và cũng không hiếm: "Rất khó có thể phân biệt được đâu là đồ vừa chế biến hay đồ người ta gom góp rồi bán lại. Hơn nữa, ngoài việc này thì quy trình để nấu một món ăn trong nhà hàng còn có vô vàn vấn đề khác cần bàn tới. Nhìn chung chỉ có thể là khuất mắt trông coi mà thôi".
Tại nước ta, văn hóa thưởng thức ẩm thực đường phố đã có từ lâu đời. Từ những năm đầu thế kỷ 20, người Việt đã quen với những gánh hàng rong bán phở. Ngày nay, từ gói xôi, quả trứng, hay bát bún, cốc chè đều được bày bán khắp các nẻo đường, vừa tiện lợi vừa rẻ.
Tuy nhiên, vỉa hè là nơi rất gần với đường phố, nơi hàng ngày có hàng vạn chiếc xe lưu thông, điều đó dễ khiến đồ ăn, thức uống bị ô nhiễm. Đây cũng không phải nơi thuận tiện để người bán vệ sinh bát đũa sau khi có khách ăn xong, vệ sinh dụng cụ nấu nướng như muôi, đũa hay đơn giản là rửa tay sạch... sau mỗi lần chuẩn bị đồ ăn cho khách. Đó là lý do vì sao PGS Thịnh nhấn mạnh: Người Việt nên hạn chế văn hóa ăn vặt vỉa hè.
Nếu muốn ăn, các gia đình có thể tự mua thực phẩm về nhà chế biến như vậy sẽ kiểm soát được chất lượng thực phẩm, sẽ đảm bảo an toàn cho sức khỏe hơn.
Dẫu vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nấu ăn ở nhà. Vào những dịp kỷ niệm, liên hoan vẫn cần ra ngoài ăn để tạo không khí vui vẻ, mới mẻ. Khi ăn uống ở các nhà hàng, nếu được thì bạn hãy lựa chọn những địa chỉ có khu bếp mở, thoáng, có giấy kiểm định về an toàn thực phẩm do cơ quan chức năng cấp. Hãy đảm bảo đúng yếu tố: "Ăn để khỏe", chứ đừng để "Bệnh từ miệng mà vào" bạn nhé.