Trước thềm trận đấu gay cấn giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Jordan vào ngày 20/1, hãy cùng đến với một nhân vật hết mực thanh lịch và xinh đẹp của nước bạn - Hoàng hậu Rania Al-Abdullah.
Chân dung Hoàng hậu xinh đẹp của Jordan - bà Rania. Ảnh: Văn phòng Hoàng gia.
Nữ hoàng Rania Al-Abdullah sinh năm 1970 ở Kuwait, có bố mẹ đều là người Palestine. Gia đình bà chạy trốn sang Jordan trong chiến tranh Vùng Vịnh. Bà tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh của đại học Mỹ ở Cairo, Ai Cập, năm 1991, sau đó làm marketing cho một ngân hàng quốc tế.
Bà gặp Thái tử Jordan Abdullah bin Al-Hussein vào năm 1992 và đính hôn chỉ 6 tháng sau đó. Hôn lễ được cử hành vào năm 1993; bà Rania đã mặc chiếc váy cưới của Bruce Oldfield - nhà thiết kế váy cho Công nương nước Anh Diana.
Hôn lễ giữa bà Rania và Thái tử Jordan Abdullah bin Al-Hussein diễn ra vào năm 1993.
Ông Abdullah lên ngôi vua vào ngày 7/2/1999 và bà được phong làm hoàng hậu một tháng sau đó.
Bà Rania có gu thời trang rất tinh tế, thanh lịch.
Rania còn được coi là biểu tượng của sắc đẹp, trí tuệ và phong cách thời trang của thế giới
Hoàng hậu cùng tỷ phú Jack Ma tham quan trụ sở tập đoàn Alibaba ở Trung Quốc tháng 9/2018.
Bà Rania cùng phu nhân Melania Trump trong chuyến thăm Nhà Trắng tháng 6/2018.
Ngoài việc thúc đẩy nữ quyền, cải cách giáo dục, sức khỏe cộng đồng và phát triển thanh thiếu niên, bà Rania còn cực kì nỗ lực trong việc tiếp cận đa văn hoá. Năm 2008, bà chính thức mở kênh YouTube riêng để thay đổi nhận thức, định kiến của phương Tây về người Ả Rập và Hồi giáo, từ đó được Hội đồng châu Âu trao Giải thưởng Bắc - Nam danh giá.
Bà Rania cũng đặc biệt quan tâm đến bóng đá. Năm 2016, khi Jordan đăng cai tổ chức Giải Vô địch Bóng đá nữ U17 Thế giới, bà đã đến thăm đội tuyển nữ khi họ luyện tập ở Amman. Đội trưởng Luna Sahloul bày tỏ sự cảm kích đối với nỗ lực của Hoàng hậu trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ và bé gái ở Jordan.
Hoàng hậu Rania (giữa) thăm đội bóng đá nữ U-17 của Jordan năm 2016.
Trước khi kì World Cup ở Nam Phi năm 2010, Hoàng hậu đã kết hợp cùng FIFA mở chiến dịch "Một mục tiêu: Giáo dục cho Tất cả". Chiến dịch nhằm kêu gọi người hâm mộ bóng đá và các lãnh đạo thế giới tham gia nỗ lực giúp 75 triệu trẻ em đến trường.
"Bóng đá sẽ được sử dụng như một công cụ để khiến thế giới tốt đẹp hơn" - bà Rania nhấn mạnh.