Phân quyền quản lý
Theo The Tokenist, Chủ tịch Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), Rostin Behnam đánh giá, quy định thích hợp về không gian tiền điện tử có thể có những tác động tích cực đáng kể đến tăng trưởng thị trường, nhất là đối với Bitcoin (BTC). “Tăng trưởng có thể xảy ra nếu chúng ta có một không gian được quản lý tốt. Bitcoin thậm chí sẽ tăng giá trở lại nếu có một thị trường do CFTC quản lý”.
Điều này đã gây chú ý trên toàn cầu, nhận xét của Chủ tịch CFTC không có gì đáng ngạc nhiên, khi trước đó ông đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải rõ ràng về quy định trong thị trường nhiều biến động này.
Quy định thích hợp về không gian tiền điện tử có thể có những tác động tích cực đáng kể đến tăng trưởng thị trường
Đầu năm 2022, đại diện cơ quan giám sát CFTC cũng đã đề xuất một dự luật mới đưa CFTC trở thành cơ quan quản lý chính của ngành tài sản kỹ thuật số và tăng cường kiểm soát đối với thị trường giao ngay tiền điện tử. Dự luật yêu cầu các công ty thương mại đăng ký với CFTC. Ngay lập tức, Chủ tịch Rostin Behnam đã lên tiếng ủng hộ, điều này cũng cho phép CFTC tính phí đối với các đơn vị quản lý và giúp củng cố sức mạnh tài chính của CFTC.
Ông còn nói thêm, ngân sách tài chính khiêm tốn và những khó khăn khác đã ngăn cản cơ quan này tiến hành một cuộc chiến thích hợp, chống lại tội phạm liên quan đến Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số. Do CFTC không có quyền tài phán, nên cũng thiếu các dịch vụ, giải pháp giám sát thị trường đối với những nền tảng giao dịch cùng nhiều trung gian khác.
Những ý kiến này được đưa ra khoảng một tháng sau khi cựu Chủ tịch CFTC, Timothy Massad kêu gọi CFTC và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) hợp tác giải quyết các lỗ hổng quy định về tiền điện tử hiện tại, bằng cách thành lập một tổ chức tự quản lý (SRO).
Ông Massad lập luận, cả CFTC và SEC đều không có quyền hạn cần thiết để điều chỉnh thị trường Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số. Đã có một lỗ hổng lớn mặc dù Quốc hội Hoa Kỳ đã cố gắng giải quyết vấn đề này thông qua một số dự luật, nhưng giải pháp vẫn nằm ở một tổ chức tự quản lý.
Mới đây nhất, Chủ tịch SEC Gary Gensler cũng lên tiếng ủng hộ ý tưởng giao cho CFTC đóng vai trò là cơ quan quản lý tiền điện tử phi chứng khoán hàng đầu. Ông nhấn mạnh điều quan trọng phải đảm bảo là, luật chứng khoán điều chỉnh thị trường vốn hoá hàng trăm nghìn tỷ USD này, không thể bị phá hoại vì sự hà khắc của quy định.
Ai thực sự hưởng lợi từ quy định
Thực tế, ý tưởng về một khuôn khổ quy định được thiết lập tốt có thể thu hút nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn và thúc đẩy sự chấp nhận thị trường Bitcoin, là một lập trường được nhiều người trong ngành khuyến khích. Chủ tịch CFTC nhận xét, các công ty tài sản kỹ thuật số đã nhìn thấy tiềm năng đáng kể đối với dòng vốn tổ chức sẽ chỉ xảy ra, nếu có một cấu trúc điều tiết xung quanh các thị trường này.
Hiện giá Bitcoin vẫn giữ mức ổn định từ cuối tuần đến nay và giao dịch quanh 19.200 USD/BTC
“Các dự án Bitcoin phát triển mạnh nhờ sự chắc chắn về quy định và CFTC hy vọng sẽ có nhiều điều rõ ràng hơn trong tương lai gần, cho phép các công ty này tiếp tục cung cấp những sản phẩm sáng tạo, thay đổi cuộc sống của mọi người”, ông nói thêm.
Như vậy, việc đặt Bitcoin dưới sự giám sát của CFTC có thể đưa toàn bộ cuộc thảo luận về chứng khoán trở thành hiện thực. Sự rõ ràng và khả năng hiển thị ngày càng tăng này sau đó sẽ mở đường cho nhiều tổ chức hơn tham gia thị trường - những người nhấn mạnh vào việc cần có một khuôn khổ rõ ràng để điều chỉnh tài sản kỹ thuật số và tăng mức độ tiếp xúc của họ với Bitcoin.
Tuy nhiên, trong khi nhiều người đang kêu gọi sự rõ ràng hơn về quy định, thì một số nhà phân tích lại tin rằng, khuôn khổ quy định toàn diện có thể gây tổn hại cho một số doanh nghiệp lớn ở Mỹ liên quan đến tiền điện tử, bao gồm cả Coinbase. Cụ thể, các nhà phân tích tại ngân hàng Wells Fargo (Mỹ) đã bắt đầu nghiên cứu về Coinbase và viết trong ghi chú rằng: “Môi trường pháp lý khắc nghiệt hơn cũng như các xu hướng vĩ mô liên tục, có thể tác động đáng kể đến khối lượng và doanh thu của Coinbase vào năm 2023”.
Có thể thấy trong nhiều năm, CFTC và SEC đã luôn tranh giành vai trò là cơ quan quản lý hàng đầu của ngành công nghiệp tiền điện tử, bằng cách đưa ra nhiều hướng dẫn theo cách chính thức cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Mặc dù một số chuyên gia không ủng hộ việc tạo ra khuôn khổ pháp lý toàn diện cho Bitcoin, nhưng ngược lại, nhiều người vẫn tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có sự rõ ràng hơn về quy định, nhằm giúp đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của tài sản kỹ thuật số.
Hiện giá Bitcoin vẫn giữ mức ổn định từ cuối tuần đến nay và giao dịch quanh 19.200 USD/BTC. Phần lớn các nhà đầu tư phần lớn đang bối rối không biết Bitcoin có thể đi đến đâu tiếp theo. Dan Lim, nhà phân tích tại công ty phân tích dữ liệu CryptoQuant cho biết, Bitcoin đang phải đối mặt với ít áp lực bán hơn trên thị trường tương lai.
“Lượng Bitcoin được gửi từ sàn giao dịch giao ngay sang sàn giao dịch phái sinh đã giảm mạnh từ tháng 10. Kể từ đợt sụt giảm trong tháng 6, khối lượng dịch chuyển tiếp tục tăng, nhưng Bitcoin đã giữ mức thấp nhất trong tháng 6 là 17.600 USD và đến hiện tại khối lượng này đang giảm nhanh chóng làm giảm khả năng xảy ra áp lực bán mạnh.
Tuy nhiên, tỷ lệ tài trợ hợp đồng tương lai Bitcoin trên thị trường tương lai đã chuyển sang tiêu cực khi giá BTC giảm từ 22.000 USD xuống vùng 19.000 USD. Nếu so sánh với giai đoạn 2019-2021, các chỉ số này rất thấp, cho thấy sự thiếu hụt lớn về nhu cầu và hoạt động trên thị trường kỳ hạn”, nhà phân tích cho biết.
Khi bối cảnh vĩ mô càng thể hiện sự tác động mạnh mẽ đến các thị trường và các loại tài sản, thì dường như các nhà giao dịch cũng đang giữ một sự tiếp cận tương đối thận trọng với Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác.