Hoa hậu Phương Khánh khổ sở vì một bệnh các chị em rất dễ nằm trong “tầm ngắm”

Ngọc Ái, Theo Thể Thao Văn Hóa 22:02 28/04/2023

Nhịp tim bất thường, bủn rủn chân tay, mất ngủ… là những ảnh hưởng trực tiếp của bệnh cường giáp tới Hoa hậu Phương Khánh. Cô cũng khá bất ngờ khi biết mình mắc bệnh nhưng may mắn là đã phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Tối ngày 27/4 vừa qua, Hoa hậu Trái Đất năm 2018 Nguyễn Phương Khánh đã đăng tải một video clip chia sẻ về tình hình sức khỏe của bản thân. Cụ thể, Hoa hậu Phương Khánh cho biết mình bị mắc bệnh cường giáp.

Cô nói: “Dạo gần đây, Khánh cảm thấy mình liên tục hồi hộp, bủn rủn tay chân, có khi hay choáng và muốn ngất xỉu, nhịp tim bị rối loạn. Sáng nay Khánh mới đi khám bệnh, làm rất nhiều chẩn đoán và sau đó biết mình bị cường giáp".

Hoa hậu Phương Khánh khổ sở vì một bệnh các chị em rất dễ nằm trong “tầm ngắm” - Ảnh 1.

Hoa hậu Phương Khánh chia sẻ về những tác động tiêu cực của bệnh cường giáp tới cuộc sống của cô (Ảnh cắt từ video)

May mắn là nàng hậu đã đi khám và được phát hiện kịp thời, nếu như để lâu hơn nữa thì có thể dẫn tới suy tim cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Nhưng nàng hậu nhấn mạnh rằng, căn bệnh này đã gây ảnh hưởng tới tim mạch và khiến cô không thể sinh hoạt bình thường giống như trước.

Trong suốt video, cô cũng liên tục nhắc nhở mỗi chúng ta nên để tâm, chăm sóc sức khỏe của mình sớm hơn và tốt hơn. Đặc biệt là chị em phụ nữ nên đặc biệt chú tâm tới phòng ngừa cũng như các dấu hiệu sớm của bệnh tuyến giáp nói chung và cường giáp giống như cô nói riêng. Bởi vì so với nam giới, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn rất nhiều.

Bệnh cường giáp nguy hiểm như thế nào?

Giáo sư Shen Jie hiện đang là Trưởng khoa Nội tiết tại Bệnh viện Shunde thuộc Đại học Y khoa phía Nam (Trung Quốc). Bà giải thích, tuyến giáp là 1 tuyến nhỏ, hình con bướm, có vị trí ở phía trước cổ. Tuyến giáp có nhiệm vụ sản xuất các hormone (Thyroxine, Triiodothyronine), có vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, chuyển hóa và phát triển của cơ thể. Vì vậy, bất cứ vấn đề nào xảy ra với hoạt động của tuyến giáp đều có thể ảnh hưởng đến gần như mọi khía cạnh sức khỏe của cơ thể.

Còn bệnh cường giáp (hay còn gọi là cường tuyến giáp) là hội chứng mà tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất nhiều hormone giáp hơn nhu cầu của cơ thể và làm tăng nồng độ hormone giáp trong máu.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp. Trong đó thường gặp nhất là:

- Bệnh Graves.

- Bướu đa nhân.

- Viêm tuyến giáp.

- Các nhân tuyến giáp hoạt động quá mức.

- Hấp thụ quá nhiều i-ốt.

- Cường giáp do tác dụng phụ từ một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc chứa thành phần làm ảnh hưởng hormone hoặc thuốc điều trị ung thư.

- Mang thai trứng nước.

- Ung thư đường mật.

- U quái giáp buồng trứng hoặc ung thư tuyến giáp di căn.

- Cường giáp không tự miễn do đột biến trội nhiễm sắc thể thường.

Nếu không được chữa trị đúng cách, cường giáp có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim, xương, cơ, chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản. Trường hợp phụ nữ mang thai bị cường giáp có thể dẫn tới nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe của mẹ. Đồng thời, bé dễ mắc tim bẩm sinh, thai nhi chậm phát triển, dị tật bẩm sinh, sinh non… rất nguy hiểm.

Tại sao cường giáp “thích” tấn công phụ nữ hơn?

Đầu tiên, Giáo sư Shen Jie khẳng định cường giáp thực chất là bệnh có tỷ lệ mắc cao với tỷ lệ mắc khoảng 2% ở mọi giới tính. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên khắp thế giới cũng chỉ ra rằng phụ nữ có nguy cơ mắc các bệnh về tuyến giáp nói chung và bệnh cường giáp nói riêng cao hơn hẳn. Tỷ lệ phụ nữ dễ mắc tuyến giáp cao hơn nam giới theo từng quốc gia, khu vực rơi vào khoảng gấp từ 7 đến 10 lần.

Hoa hậu Phương Khánh khổ sở vì một bệnh các chị em rất dễ nằm trong “tầm ngắm” - Ảnh 2.

Các dấu hiệu của cường giáp rất dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với bệnh vặt trong giai đoạn đầu (Ảnh minh họa)

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, Giáo sư Shen Jie cho biết đó chính là sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể về mặt giải phẫu cũng như các nhiệm vụ sinh lý của nữ giới so với nam giới. Bởi lẽ, trong suốt vòng đời của mình, cơ thể nữ giới phải trải qua nhiều cột mốc biến động về nội tiết tố hơn nam giới. Có thể mô tả dễ hiểu qua 4 yếu tố sau đây:

1. Rối loạn tự miễn

Rối loạn tuyến giáp thường được kích hoạt bởi các phản ứng tự miễn (hệ thống miễn dịch tự tấn công tế bào của chính mình). Trong khi đó, phụ nữ có nguy cơ mắc tình trạng tự miễn cao hơn nam giới.

2. Thay đổi trong quá trình mang thai

Quá trình mang thai khiến cơ thể phụ nữ có rất nhiều thay đổi, bao gồm cả sự thay đổi về hormone. Từ đó dẫn tới rối loạn hormone tuyến giáp, thường là tăng tiết hormone và gây cường giáp. Tình trạng này thường xảy ra và nghiêm trọng nhất ở 3 tháng đầu thai kỳ, càng về cuối thai kỳ thì hormone càng trở về mức bình thường và ổn định trở lại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm nhiều mẹ khổ sở vì “nghén” nặng.

Đồng thời, tuyến giáp có thể tăng kích thước đáng kể ở phụ nữ mang thai, trung bình khoảng 10% - 15% so với bình thường (gọi là bướu cổ). Nên cũng dễ bị bệnh tuyến giáp tấn công hơn.

3. Thay đổi sau khi sinh con

Các nghiên cứu khác nhau cho thấy tỷ lệ viêm tuyến giáp ở phụ nữ sau sinh cao từ 6 - 8%. Bởi trong thai kỳ, dưới tác động của hormone βhCG, các bệnh lý tự miễn thường ổn định. Tuy nhiên, sau khi sinh, các bệnh lý tự miễn lại dễ dàng tái phát, gây ra tình trạng viêm giáp, cường giáp.

Hoa hậu Phương Khánh khổ sở vì một bệnh các chị em rất dễ nằm trong “tầm ngắm” - Ảnh 3.

Phụ nữ phải trải qua nhiều giai đoạn thay đổi nội tiết tố nên dễ mắc bệnh lý tuyến giáp hơn nam giới (Ảnh minh họa)

4. Thời kỳ mãn kinh

Theo lâm sàng, có đến 50% phụ nữ mãn kinh xuất hiện nhân giáp hoặc đa nhân giáp lành tính. Mãn kinh là quá trình sinh lý thông thường mà mọi phụ nữ đều sẽ trải qua, do sự suy giảm hormone estrogen. Nồng độ estrogen có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, gây ra hiện tượng viêm, khiến cơ thể có nguy cơ mắc các bệnh như viêm giáp hashimoto, suy giáp, cường giáp…

Triệu chứng phát hiện bệnh cường giáp và cách phòng tránh

Bốn yếu tố trên là lý do mà trong video chia sẻ của mình, Hoa hậu Phương Khánh liên tục nhắc nhở chị em phụ nữ hãy cảnh giác với bệnh cường giáp. Hơn ai hết, nàng hậu sinh năm 1995 thấu hiểu được tầm quan trọng của việc phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này. Cô cũng đã phải trải qua nhiều điều trong số các triệu chứng bệnh cường giáp như:

- Rối loạn nhịp tim: thường là nhịp tim trở nên nhanh hơn kèm đánh trống ngực, hay bồn chồn.

- Khó thở, tức ngực.

- Tâm trạng hay bất ổn, dễ lo lắng, stress, căng thẳng hoặc rất khó tập trung.

- Giảm cân bất thường.

- Run chân tay.

- Mất ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ nhiều nhưng thức dậy vẫn mệt mỏi.

- Giảm khả năng vận động như mệt mỏi, yếu cơ, tay chân mất sức…

- Dấu hiệu phì đại tuyến giáp như bị bướu cổ hoặc lồi mắt, giọng nói khàn do tuyến giáp mở rộng ra.

- Một số trường hợp còn có thể bị rối loạn tiêu hóa.

Hoa hậu Phương Khánh khổ sở vì một bệnh các chị em rất dễ nằm trong “tầm ngắm” - Ảnh 4.

Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có tác dụng rất lớn trong ngăn ngừa bệnh cường giáp (Ảnh minh họa)

Để phòng bệnh cường giáp, việc ăn uống lành mạnh là vô cùng quan trọng, nhất là ăn đủ lượng i-ốt, tránh xa chất kích thích và hạn chế đồ chiên rán. Đồng thời hãy tập thể dục thường xuyên, học cách nuôi dưỡng cảm xúc tích cực. Việc thăm khám tuyến giáp định kỳ cũng rất quan trọng, nhất là với nữ giới từ 20 tuổi trở lên - nhóm người có tỷ lệ mắc bệnh cường giáp cao nhất.

Nguồn và ảnh: Metropolis Daily, Women’s Health, FBNV