Hãng tin Tân Hoa Xã dẫn lời Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc cho biết mực nước tại hồ chứa Tam Hiệp dâng cao sau nhiều đợt ngập lụt.
Nhà máy thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử đang hoạt động hết công suất với công suất phát điện kết hợp là 22,5 triệu KW. Trong khi đó, vùng thượng lưu sông Dương Tử dự báo sẽ hứng chịu một đợt lũ mới trong những ngày tới.
Tình hình dọc theo sông Dương Tử trở nên tồi tệ sau khi đập Tam Hiệp chứng kiến trận lũ đầu tiên trong năm nay hôm 2-7. Dự án đập này là một hệ thống điều khiển nước đa chức năng, bao gồm một con đập dài 2.309 m, cao 185 m, khóa tàu 5 tầng và 34 máy phát điện thủy điện.
Đập Tam Hiệp xả lũ. Ảnh: CFP
Chính phủ Trung Quốc cho biết đập Tam Hiệp góp phần giảm đỉnh lũ, thiệt hại kinh tế, số người chết và sơ tán khẩn cấp. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng chưa đầy 20 năm sau khi hoàn thành, vùng hạ lưu ghi nhận lũ lụt nặng nhất trong lịch sử dù đập Tam Hiệp ra đời nhằm mục đích kiểm soát lũ.
Nhà địa lý học David Shankman tại Trường ĐH Alabama (Mỹ) chuyên nghiên cứu về lũ lụt ở Trung Quốc, nói: "Thực tế là đập Tam Hiệp không thể ngăn chặn những sự cố nghiêm trọng này".
Theo cơ quan khí tượng Trung Quốc, mưa lớn được dự báo kéo dài thêm ít nhất 5 ngày ở lưu vực sông Dương Tử. Khoảng 33 con sông đã đạt mức nước cao kỷ lục. Ít nhất 141 người thiệt mạng hoặc mất tích trên toàn quốc.
Các binh sĩ đang dựng bờ kè tạm thời ở hồ Bà Dương. Ảnh: AP
Tại hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, các binh sĩ đang dựng bờ kè tạm thời để ngăn nước tràn vào TP Lư Sơn, tỉnh Giang Tây. Tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin lũ lụt buộc 1,5 triệu người phải sơ tán trong tháng này, khiến nhiều ngôi làng, thành phố và trang trại ở miền Nam Trung Quốc bị ngập.
Khoảng 9 tỉnh sẽ hứng chịu mưa lớn trong những ngày tới. Trong đó, tỉnh Tứ Xuyên ở phía Tây Nam có thể ghi nhận lượng mưa từ 10-12 cm/giờ.
Ảnh: AP, Reuters